Bộ Công an thực hiện 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Bảy, 09/05/2020, 12:03
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm CBCS nếu có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp


Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9/5, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phục vụ triển khai chủ trương của Chính phủ, Bộ công an tập trung 6 nhóm giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị

Nhóm giải pháp thứ nhất đó là tổ chức tốt công tác nắm, đánh giá sát tình hình ANTT, chủ động dự báo tác động đối với việc tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, nhất là những phức tạp nổi lên liên quan đến an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội hoặc lợi dụng chủ trương, chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để trục lợi, vi phạm pháp luật.

 “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an ninh, an toàn để các doanh nghiệp tin tưởng, an tâm sản xuất, kinh doanh theo tinh thần và quan điểm của Bộ Công an “an ninh để phát triển, phát triển để đảm bảo an ninh” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

Tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm lợi dụng sơ hở, thiếu sót khi triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tạo cớ gây sức ép, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, chuyển giá, thâu tóm, thao túng thị trường trong nước, xuất khẩu hàng hoá.  

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã đấu tranh, triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế; không để ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, bảo vệ các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành quản lý, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu...

Thứ 3 là tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý cư trú, quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về ANTT. 

Hỗ trợ tối đa các thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh được đảm  bảo hết sức nhanh chóng, thuận lợi, an ninh, an toàn cho các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh, làm việc trong các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giải quyết nhanh chóng việc cấp thị thực, gia hạn tạm trú phù hợp cho các lao động nước ngoài đang ở Việt Nam.

Nhóm giải pháp thứ 4 mà Bộ trưởng Tô Lâm nhắc tới, đó là lực lượng Công an đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, đã ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giản, đơn giản hoá 19 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 81/96 sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 79 của Chính phủ nhằm cắt giảm 5/18 điều kiện về ANTT đối với 5 ngành nghề kinh doanh phục vụ PCCC.

Đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đến quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an là tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. “Chỉ đạo quán triệt, tuân thủ quan điểm nguyên tắc “Bộ Công an không có khái niệm hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự”, công tác thanh tra, kiểm tra về ANTT lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra 1 lần 1 năm, tạo điều kiện tối đa về an ninh để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định và cho biết, Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm CBCS nếu có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.

Nhóm giải pháp thứ 5 mà Bộ Công an đang, sẽ thực hiện đó là đánh giá sát trật tự kinh tế thế giới sau đại dịch COVID -19 có liên quan đến những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế, tài chính thế giới; kip thời tham mưu với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản xuất trong nước.

Nhóm giải pháp cuối cùng mà Bộ trưởng Tô Lâm  đề cập đó là dự báo những nguy cơ đe doạ đến an ninh công nhân, ANTT tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, kinh tế cửa khẩu, bảo đảm bảo an toàn, phòng chống nguy cơ tác động từ nguồn dịch bệnh bên ngoài để chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng ngừa, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc có thể nảy sinh ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, vấn đề nảy sinh liên quan đến ANTT tại cơ sở ngay từ đầu, nhất là các vụ đình công, lãn công, khiếu kiện liên quan đến kinh tế.


Phương Thuỷ
.
.
.