Bình Phước đón nhận danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt
- Bổ sung thêm 9 điểm vào Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn
- Hội thảo khoa học cấp quốc gia, thông tin toàn diện về đường Trường Sơn
Liên hoan kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959/19-5-2019); đồng thời công bố Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (km 1.200 – thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Đường Trường Sơn - Con đường huyền thoại mà ở đó suốt 16 năm đã góp sức và tiếp sức cho chiến trường đánh bại lần lượt các chiến lược chiến tranh xâm lược của địch.
Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt điểm cuối Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh cho lãnh đạo huyện Chơn thành, tỉnh Bình Phước. |
Nằm trong hệ thống di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước có 3 hạng mục di tích: thứ nhất, điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu (VK96).
Di tích là điểm cuối của hệ thống đường ống xăng dầu nối từ hậu phương miền Bắc, qua hai tuyến ống Đông và Tây Trường Sơn đến hội tụ tại điểm cuối cùng ở Bù Gia Mập, thuộc tỉnh Bình Phước, với tổng chiều dài là 4.990km.
Thứ hai, Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 (xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh) là một trong những kho chứa nhiên liệu cuối cùng của tuyến ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc chuyển vào phục vụ chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.Tại đây, xăng dầu được cấp phát cho các đơn vị bộ đội chủ lực của ta, các đơn vị Tăng thiết giáp.
Thứ ba, Di tích điểm cuối đường Hồ Chí Minh (km 1200 Đường Hồ Chí Minh - thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành). Đây là đoạn cuối đường Hồ Chí Minh, là điểm tập kết các lực lượng quân giải phóng và phương tiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Đồng thời là điểm tập kết cuối cùng của tuyến xăng dầu Trường Sơn. 3 hạng mục di tích này có vai trò quan trọng trong cuộc tổng tiến công dành đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ban tổ chức trao hoa và Kỷ niệm chương cho các đoàn tuyên truyền lưu động. |
Di tích lịch sử điểm cuối đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thuộc loại hình di tích lịch sử. Đoạn đường là nơi ghi dấu những chiến công và sự hy sinh xương máu của các lực lượng Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã không ngại gian khổ hy sinh, bền chí bền lòng mở đường thông tuyến tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, giai đoạn năm 1973 - 1975. Điểm cuối Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24-12-2018.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: Năm tháng trôi qua, nhưng con Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là minh chứng, là mốc son sáng ngời. Con đường khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Một tiết mục văn nghệ về Đường Trường Sơn lịch sử được biểu diễn tại đêm khai mạc. |
Trải qua 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng thắng lợi của công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc giành độc lập tự do cho Tổ quốc vẫn in dấu sâu đậm trong lòng nhân dân ta và bè bạn yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.
Đó là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Tại đêm khai mạc, các đại biểu đã được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ với các thể loại như: múa hát, ca cổ, múa, kịch, đơn ca, tốp ca, song ca… Nội dung các tiết mục hướng về công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc gắn liền với đường Trường Sơn lịch sử. Các tiết mục văn nghệ đã làm lay động lòng người.