Bảo vệ công cuộc đổi mới, chống ‘diễn biến hòa bình’

Thứ Tư, 12/08/2015, 08:59
Sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động phá hoại, âm mưu xóa bỏ Đảng Cộng sản và CNXH ở Việt Nam. Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 xác định nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.

Để đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, ngày 29/6/1992, Hội nghị lần thứ ba, BCH Trung ương Đảng khóa VII ra Nghị quyết số 03-NQ/HNTW về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chống “diễn biến hòa bình”. Nghị quyết phân tích tình hình phức tạp trước âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của Mỹ và các thế lực thù địch, công tác đấu tranh phòng chống của ta. Trung ương Đảng chỉ rõ 5 tình huống có thể xảy ra, từ đó xác định nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và Nghị quyết 03, lực lượng CAND chủ động các phương án, kế hoạch công tác, nắm tình hình, âm mưu hoạt động của địch, bám sát các đối tượng, địa bàn trọng điểm, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động phá hoại của kẻ địch. Đến cuối năm 1992, khi số FULRO còn lại ở Tây Nguyên được đưa sang định cư tại Mỹ, tình hình an ninh ở địa bàn đã ổn định.

Đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Việt Nam (nay là Bộ Công an) hội đàm với đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Lào, tháng 5/1996.

Trong thời gian này, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước xảy ra nhiều vụ nhen nhóm thành lập tổ chức phản động do các đối tượng lưu vong câu kết số chống đối, bất mãn trong nước hòng tập hợp lực lượng, gây bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân. Lực lượng CAND đã chủ động nắm tình hình, phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, điển hình như triệt phá các tổ chức phản động do Lâm Văn Quang, Vũ Văn Mạnh, Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Phùng, Nguyễn Đình Huy, Trịnh Văn Thương… cầm đầu.

Tháng 1/1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ nhận định, cách mạng Việt Nam đang đứng trước 4 nguy cơ (nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ đi chệch hướng XHCN; tệ nạn tham nhũng, quan liêu và nguy cơ “diễn biến hòa bình”). Hội nghị đề ra nhiệm vụ chiến lược là phải tăng cường quốc phòng, an ninh, tiến hành cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài nhằm làm thất bại mọi âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của kẻ địch.

Ngày 4/2/1994, Mỹ tuyên bố bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Đến 12/7/1995, Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra những khả năng, điều kiện thuận lợi trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, song cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức nặng nề.

Trong bối cảnh đó, lực lượng CAND chủ động nắm tình hình từ xa, nắm bắt âm mưu, hoạt động của kẻ địch, bọn phản động lưu vong về nước móc nối đối tượng phản động trong nước, có phương án, kế hoạch đối phó hiệu quả. Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 50 (tháng 1/1995) xác định nhiệm vụ trọng tâm của CAND, trong đó có việc cải tiến công tác xây dựng lực lượng, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 đã đánh giá: công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1996 đã hoàn thành về cơ bản. Đại hội khẳng định: “Ổn định chính trị, xã hội được giữ vững. Quốc phòng, an ninh được củng cố. Quan hệ đối ngoại phát triển mạnh mẽ, phá thế bao vây cô lập, mở rộng hợp tác và tham gia tích cực đời sống cộng đồng quốc tế”.

CAND
.
.
.