Bảo vệ an ninh, trật tự, chống địch phá hoại giai đoạn 1981-1986

Thứ Hai, 10/08/2015, 08:02
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và phía Nam đã tạo cho đất nước thế và lực mới, song cách mạng nước ta vẫn đứng trước những thách thức hết sức to lớn. Các thế lực thù địch không ngừng liên kết chống phá cách mạng, tấn công nhiều mặt đến hệ thống các nước XHCN, trong đó có Việt Nam.

Ngày 25/6/1980, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về cuộc vận động xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ. Ngày 2/12/1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 31 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Cùng việc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự ở miền Bắc, nhất là các tỉnh biên giới thì ở Tây Nguyên, Hội đồng Chính phủ ra chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị giải quyết vấn đề FULRO.

Thành tựu nổi bật của lực lượng An ninh thời kỳ này là đã chủ động, kịp thời bắt giữ hàng chục toán gián điệp từ nước ngoài xâm nhập vào nội địa; giải quyết cơ bản vấn đề FULRO ở Tây Nguyên; điều tra, khám phá hàng trăm tổ chức phản động, đập tan âm mưu, hoạt động của các thế lực phản động trong nước câu kết các thế lực bên ngoài.

Đặc biệt, trong thời gian 4 năm (1981-1984), thực hiện chuyên án đấu tranh với tổ chức tình báo, gián điệp dưới chiêu bài “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu (chuyên án CM12), lực lượng An ninh đã bắt và tiêu diệt 126 tên gián điệp biệt kích xâm nhập, thu hơn 132 tấn vũ khí, bắt và vận động đầu thú hơn 2.000 tên.

Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống phá hoại nhiều mặt của địch trên lĩnh vực an ninh, ngày 20/11/1984, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 21 về công tác an ninh trong tình hình mới. Trong thời gian 4 năm (1981-1984), Bộ Chính trị đã ra 3 nghị quyết về công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Điều đó phản ánh tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội diễn biến phức tạp, tính chất cuộc đấu tranh quyết liệt với âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta.

Trong giai đoạn này, lực lượng An ninh đã phát hiện, xử lý hàng trăm tên nội gián chui vào chính quyền, cơ quan của Đảng. Lực lượng Công an cũng đẩy mạnh chống địch phá hoại tư tưởng, truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, đấu tranh với hoạt động chống đối của bộ phận văn nghệ sĩ cực đoan. Điển hình, cuối 1984, đầu 1985, Công an ở nhiều địa phương đã tập trung xóa bỏ nhiều hội thơ phản động ở 12 tỉnh, thành phố, bắt 7 đối tượng cầm đầu, gọi hỏi, răn đe hàng chục đối tượng, thu trên 200 cuốn sách thơ có nội dung phản động.

Thực hiện Chỉ thị 106 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lực lượng Công an phối hợp các ngành tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác với âm mưu của kẻ địch lôi kéo người Việt Nam trốn ra nước ngoài. Đặc biệt, lực lượng An ninh đã làm rõ vụ tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép ngày 25/5/1984, làm chìm tàu, chết 100 người ở biển Vũng Tàu. Thời gian này, tội phạm về kinh tế, chức vụ, chiếm đoạt tài sản XHCN diễn biến phức tạp. Điển hình, lực lượng Công an phá vụ án tham ô tài sản là hàng viện trợ của Liên Xô, xảy ra từ năm 1980-1984 với hơn 500 người liên quan, trong đó khởi tố 115 đối tượng, truy tố 97 đối tượng (92 người là cán bộ nhà nước). 

Thời kỳ 1980-1985, CAND đạt được nhiều thắng lợi trên các mặt, trong đó thắng lợi lớn nhất là đã đập tan âm mưu  phá hoại, gây rối và bạo loạn vũ trang của bọn tình báo, gián điệp, các tổ chức phản động, bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.

CAND
.
.
.