Thiếu tướng Trần Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH - Bộ Công an)

Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân

Thứ Sáu, 22/02/2013, 19:38
Bảo vệ ANTQ là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ ANTQ theo quy định của pháp luật.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, tổ chức bộ máy Nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Chúng tôi xin trao đổi, góp ý một số nội dung liên quan đến quy định về bảo vệ Tổ quốc được quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) là một vấn đề đặc biệt quan trọng, bao hàm nội dung, ý nghĩa rất rộng lớn trong và ngoài nước. Đây là tổng hợp các hoạt động nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của một chế độ xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quan trọng khác của quốc gia;  phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các âm mưu và hoạt động xâm phạm ANTQ.        

Bảo vệ ANTQ là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ ANTQ theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ của bảo vệ ANTQ gồm: Bảo vệ chế độ chính trị và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, bảo vệ thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia; Bảo vệ bí mật của Nhà nước và các mục tiêu quan trọng về ANTQ; Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm ANTQ, nguy cơ đe dọa ANTQ. Nguyên tắc hoạt động bảo vệ ANTQ là tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước: Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, lực lượng chuyên trách bảo vệ ANTQ làm nòng cốt; Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ ANTQ với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, quốc phòng với hoạt động đối ngoại; Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm ANTQ.

Trước hết phải xác định sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp lớn lao, vĩ đại không chỉ của riêng ai mà là sự nghiệp cách mạng của toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành, quản lý thống nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, trong đó các lực lượng vũ trang gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Điều này đã được quán triệt trong tư tưởng chỉ đạo xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, được thể hiện ở các chương, điều khác nhau. Riêng nội dung quy định về trách nhiệm của mỗi công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được thể hiện tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc được nêu rõ tại 3 điều.

Cụ thể: Điều 47 (Sửa đổi bổ sung Điều 76): “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”; Điều 48 (Sửa đổi bổ sung Điều 77): “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”; Điều 49 (Sửa đổi bổ sung Điều 79): “Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ ANQG, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”. Như vậy, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị vừa kế thừa Hiến pháp 1992 vừa có tư duy mới phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay

T. A. D.
.
.
.