Bảo đảm thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Thứ Tư, 19/02/2020, 09:33
Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại và chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại.

Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định chi tiết thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, bao gồm hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra (sau đây gọi chung là thi hành án đối với pháp nhân thương mại); việc chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại. 

Dự thảo Nghị định áp dụng đối với pháp nhân thương mại; cơ quan quản lý Nhà nước đối với pháp nhân thương mại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Tại Chương II của dự thảo Nghị định nêu rõ trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với phápnhân thương mại, gồm có 7 Điều (từ Điều 6 đến Điều 12), quy định về: Tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án; xác định cơ quan quản lý Nhà nước đối với pháp nhân thương mại có trách nhiệm trong thi hành án; triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để thông báo, yêu cầu thi hành án; hồ sơ thi hành án; công bố quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp; kiểm tra, giám sát việc chấp hành án của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp. 

Liên quan đến nội dung chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại, Chương III dự thảo Nghị định gồm có 4 Điều (Điều 13 và Điều 16) quy định về xem xét, quyết định việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại khi có kế hoạch tổ chức lại; tổ chức thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được chia, tách...

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, trong đó có 1 chương quy định về thi hành án đối với pháp nhân thương mại (Chương XI). 

Thi hành án đối với pháp nhân thương mại là một vấn đề mới, rất phức tạp, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật của nước ta. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 mới chỉ quy định các nội dung có tính định khung, nguyên tắc trong thực hiện trình tự, thủ tục và trách nhiệm trong thi hành ánđối với pháp nhân thương mại. Để thi hành án trong thực tiễn, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 giao cho Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục thi hành án (Điều 160), trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại (Điều 164), chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại (Điều 165). 

Theo Bộ Công an, việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại và chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại để trình Chính phủ xem xét, ban hành là rất cần thiết. 

Việc ban hành Nghị định giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng pháp luật về thi hành án hình sự mà Luật đã giao. Đồng thời góp phần tạo cơ sở pháp lý cụ thể, đầy đủ cho các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại nói riêng, thi hành án hình sự nói chung.

Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương
.
.
.