TAND tối cao và Ngân hàng Nhà nước công bố Nghị quyết về tội rửa tiền:

Bảo đảm minh bạch tài sản, thực hiện cam kết với quốc tế về chống rửa tiền

Thứ Sáu, 31/05/2019, 12:29
Sáng 31- 5, TAND tối cao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24-5-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ Luật hình sự về tội rửa tiền.


Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao và đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì buổi lễ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Viện KSND tối cao, Bộ Công an và các Bộ, Ban, ngành hữu quan.

Ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới, nhưng trong thời đại toàn cầu hoá, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Thực tiễn phòng, chống tội phạm thời gian qua đã xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi liên quan đến tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua bán tài sản có giá trị cao như: bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý…, sau đó nhờ người khác đứng tên cất giấu nhằm hợp pháp hoá nguồn tiền bất hợp pháp thu được từ các hoạt động tội phạm.Điều 324 Bộ Luật hình sự quy định, tiền hoặc tài sản có được từ hành vi phạm tội căn cứ vào bản án, quyết định của Toà án; tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp; tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội. 

Theo quy định của Điều 324 Bộ Luật hình sự “Người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có”, trong đó có thể biết trực tiếp, biết qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc biết bằng nhận thức thông thường. 

Việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành nghị quyết này nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Bị cáo Giang Kim Đạt và cha đẻ trong vụ án rửa tiền xảy ra tại Vinashinlines. 

Điều 324 Bộ Luật hình sự quy định rõ: Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ Luật hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền. Ví dụ như: tội giết người, tội cướp tài sản, tội mua bán người, tội buôn lậu, tội trốn thuế, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội thao túng thị trường chứng khoán, tội buôn bán hàng giả, tội nhận hối lộ, tội tham ô tài sản, tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản… 

Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ Luật hình sự Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn.

Điều 324 Bộ Luật hình sự quy định một số tình tiết định tội của tội rửa tiền như sau:

1. Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có như: mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức; cho vay, cho thuê tài chính; giao dịch cổ phiếu, trái phiếu hoặc giấy tờ có giá trị khác; tham gia phát hành chứng khoán…

2. Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hành vi khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có như: hoạt động casino, tham gia trò chơi có thưởng,mua bán cổ vật…

3. Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi.

4.Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác như: sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo…

5. Hành vi cản trở xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có, hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có như: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ; tiêu huỷ, sửa chữa, tẩy xoá tài liệu, chứng cứ…Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 23-5-2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 7-7-2019.

Theo quy định tại Điều 324 Bộ Luật hình sự, tội rửa tiền có hình phạt tù thấp nhất là 1 năm và cao nhất là 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 1 năm đến đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Nguyễn Hưng
.
.
.