Báo chí trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Tư, 20/06/2018, 09:01
Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0). Bản chất của cách mạng lần này là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. 


Nhìn từ một số tờ báo trên thế giới

Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0). Bản chất của cách mạng lần này là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. 

Cùng với các lĩnh vực của đời sống xã hội, ở tất cả các quốc gia, báo chí cũng không nằm ngoài sự tác động trực tiếp của cuộc cách mạng đó. Tuy nhiên ở mỗi quốc gia, mỗi cơ quan báo chí khác nhau thì việc chịu sự chi phối, tác động đó cũng khác nhau.

L'Humanite, không thay đổi tôn chỉ, chấp nhận khó khăn

Chúng tôi có mặt tại tòa soạn Báo L'Humanite (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp khi Paris vừa chớm vào đông. Tòa soạn nằm ở tầng 3 của tòa nhà trước đây là trụ sở của Đảng Cộng sản. Do khó khăn về kinh phí hoạt động nên Đảng Cộng sản Pháp đã bán đi một phần tòa nhà và báo Nhân đạo  phải thuê lại chủ mới một tầng làm tòa soạn. 

Đây là tờ báo có lịch sử ra đời khá lâu. Báo được thành lập vào năm 1904. Năm 1920, Đảng Cộng sản Pháp giữ quyền kiểm soát, và Nhân đạo trở thành cơ quan của Đảng cộng sản kể từ đó. Lúc phát triển nhất, Nhân đạo phát hành tới 700.000 bản.

Tờ báo từng là diễn đàn để bày tỏ quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, Đảng Lao động và Phong trào công nhân quốc tế, trong đó đã đăng các bài viết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong buổi đầu tìm đường cứu nước.

Anh Victor Loupan, Trưởng Ban Kinh tế - xã hội của báo tiếp chúng tôi ở một phòng họp được bày biện khá đơn giản. Anh cung cấp cho chúng tôi một số nét về báo chí Pháp nói chung và hoạt động của Báo Nhân đạo. Theo anh Victor Loupan, những năm gần đây, cùng với suy thoái về kinh tế, báo chí ở Pháp rơi vào tình trạng khủng hoảng. 

Báo mạng cũng khó khăn do việc thu từ quảng cáo bị giảm. Các báo in đều bị lỗ. Nhiều tờ báo đã được các tập đoàn kinh tế mua lại, và đương nhiên các ông chủ mới chỉ giữ lại tên của báo, họ thay đổi tôn chỉ hoạt động và cách điều hành tòa soạn. 

Nhân Đạo, tờ báo mang yếu tố chính trị cao nên càng khó khăn hơn. Nếu báo giữ nguyên mọi hoạt động như trước thì dần dần sẽ biến mất khỏi thị trường. Vì vậy Báo Nhân Đạo đứng trước 2 lựa chọn là đổi mới theo hướng chỉ làm báo điện tử hoặc phát triển báo chí theo hướng chuyên sâu. Một số tập đoàn kinh tế đã đặt vấn đề bảo trợ các hoạt động của báo nhưng phải thay đổi tôn chỉ hoạt động, không còn là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp nữa…

Yêu cầu này không được lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, Ban lãnh đạo báo và nhiều đảng viên Cộng sản, những bạn đọc trung thành của báo đồng ý. Báo vẫn giữ đúng tôn chỉ và phát triển theo hướng chuyên sâu. Báo có khổ 42 x 56 (cm), gồm 24 trang, hạn chế đăng những bài dài, đưa những vấn đề chuyên sâu, cải tiến nội dung các trang và các mục… để thu hút bạn đọc.

Vì vậy hai ấn phẩm chính là Nhân đạo và Người Paris (phụ trương của báo) vẫn giữ được độc giả, với số lượng phát hành khoảng 40.000 bản mỗi ngày. Tuy vậy báo vẫn chưa cân đối được tài chính. Báo phải cắt giảm chi phí bằng cách giảm nhân sự và các chi phí khác. Hiện báo chỉ có hơn 50 biên tập viên và phóng viên. Báo Nhân đạo điện tử có 5 người với thiết bị khá khiêm tốn. 

Tổng chi phí hằng năm của báo cần đến  30 triệu Euro, trong khi đó tổng thu nhập chỉ được 28 triệu. Số còn lại do các độc giả trung thành của báo và các đảng viên Đảng Cộng sản đóng góp, giúp đỡ. Thu nhập bình quân của phóng viên đạt từ 400 đến 800USD/ tháng. 

Nếu trừ thuế thì mức sống của người lao động ở đây không hề dư giả. Mặc dù vậy, anh Victor Loupan vẫn nói với chúng tôi, dù sao những nhà báo ở Báo Nhân Đạo vẫn không cảm thấy bị thấp kém, bởi họ được làm việc ở một cơ quan báo có truyền thống lâu đời và không bị “uốn ngòi bút” theo các ông chủ giàu có như một số tờ báo đã được các tập đoàn kinh tế lớn mua lại.

AVGI, tồn tại nhờ những người yêu báo

Được sự giúp đỡ của Đại sứ Việt Nam tại Hi Lạp, bà Trần Thị Hà Phương, chúng tôi có dịp tìm hiểu thông tin tại tòa báo AVGI (Bình Minh). Đây là tờ báo của Đảng Cực tả (Syriza), đảng lãnh đạo chính phủ Hi Lạp. Báo được thành lập từ năm 1952, từng có nhiều nhà văn, nhà bình luận và nghị sĩ quốc hội làm việc cho báo. 

Anh Petros Diplas, Trưởng Ban biên tập Đối ngoại giới thiệu về hoạt động của báo và hướng dẫn chúng tôi tham quan một số phòng làm việc. Nhìn chung các cơ sở vật chất và phương tiện ở đây khá nghèo nàn. Những chiếc máy photocopy, máy tính, bàn ghế đều cũ. 

Tác giả cùng Đại sứ Việt Nam tại Hi Lạp và một số đồng nghiệp thăm tòa soạn Báo AVGI.

Các phòng làm việc chật hẹp. Tòa soạn có 11 Ban, gồm 80 nhân viên, với thu nhập bình quân một tháng khoảng hơn 6 triệu đồng Việt Nam. Báo được phát hành hàng ngày với số lượng 10.000 bản, giá bán 1,5 Euro; số ra chủ nhật được tăng trang, với nhiều bài bình luận, có giá 3 Euro.

 Hội đồng quản lý báo hơn 50 người, họ là những người yêu quý tờ báo và làm việc tự nguyện, không nhận lương. Anh Petros cho biết, đây là tờ báo của Chính phủ nhưng có nhiều bài phản biện chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên báo không hề được Chính phủ Hi Lạp trợ cấp tài chính. 

Tờ báo tồn tại được nhờ một số nhà hảo tâm, trong đó đa số là những nhà khoa học, nhà báo và các doanh nhân trong hội đồng quản lý báo. Theo anh, do khó khăn về tài chính nên việc áp dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại cũng như thành quả tin học và hoạt động của tòa báo còn nhiều hạn chế.

Toronto Star, cắt giảm gần nửa biên chế

Trong chuyến công tác tại Canada, chúng tôi có dịp đến thăm và tìm hiểu về Báo Toronto Star, một trong hai tờ báo lớn nhất ở nước này. Cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, Toronto Star đang gặp những khó khăn như hàng loạt các báo trong khu vực Bắc Mĩ. Anh Andew Philips, Trưởng ban Bạn đọc, đã từng làm Tổng biên tập một tờ báo ở Mĩ trao đổi với đoàn chúng tôi. Anh nắm rất chắc các quy trình, kỹ thuật và kinh nghiệm làm báo in cũng như báo điện tử.

Theo anh Andrew, báo giấy Toronto Star gặp nhiều khó khăn. Việc giữ độc giả trẻ với báo in rất khó khăn. Các công ty, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để giới thiệu sản phẩm, nên quảng cáo trên báo bị giảm đáng kể, từ ba phần tư doanh thu là quảng cáo nay chỉ còn một nửa và sẽ còn tiếp tục giảm. 

Việc phát hành báo cũng giảm một nửa. Trong khi đó các báo ở Canada không nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ. Để khắc phục tình hình này, báo phải cắt giảm nhân sự, từ hơn 400 người năm 2016 nay có 250 người. Trừ bộ phận kỹ thuật, còn phóng viên phải làm vất vả hơn. Phóng viên viết cho báo in phải làm cho cả báo điện tử; phóng viên viết phải kiêm chụp ảnh. 

Cùng với việc phải thay đổi nội dung và hình thức của báo in, tòa soạn phải nghiên cứu thay đổi toàn diện báo điện tử. Một vài thủ thuật anh Andrew bật mí như: Dùng hình ảnh đẹp, ấn tượng để thu hút người xem; dùng âm thanh tạo sự chú ý độc giả; các mục đều có thư viện ảnh… Tất cả phải sử dụng những ưu việt của internet để thu hút độc giả.

Qua ba tòa soạn báo tôi may mắn trực tiếp đến tìm hiểu ở ba nước có điều kiện kinh tế khác nhau song đều gặp những khó khăn với báo truyền thống và chịu sự ảnh hưởng rất nhiều của tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt là tin học nói riêng, cách mạng 4.0 nói chung. 

Để tồn tại các tòa soạn không có cách nào khác phải chấp nhận sự tác động ảnh hưởng và tận dụng những thành quả tiến bộ của cuộc cách mạng này vào hoạt động của tờ báo tùy theo điều kiện của mình.

Trường Minh
.
.
.