Báo chí chính thống phải chủ động đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc

Thứ Tư, 13/12/2017, 10:06
Ngày 12-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Báo chí trước thách thức phát triển của không gian mạng”. Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, mạng xã hội (MXH) hiện nay có thể được xem như “chợ trời” với đầy đủ cả thông tin xấu, tốt, thật, giả.

Với hơn 40 triệu người Việt Nam đang sử dụng MXH, đây thực sự là “nguồn tin” cực kỳ phong phú cho báo chí song cũng có thể đem đến những hệ lụy nếu người làm báo không tỉnh táo trước biển thông tin khổng lồ này.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng: Trên thế giới và tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các báo điện tử đã biết sử dụng những thông tin rất đắt trên MXH như một nguồn tin. Với việc sử dụng nguồn tin trên MXH, để đảm bảo thông tin khách quan, chính xác, phóng viên, biên tập viên phải đảm bảo việc kiểm chứng nguồn tin như đối với các nguồn tin thông thường.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tuy nhiên, do chạy theo MXH nên một số báo mạng đã không kiểm chứng mà cho đăng tải thông tin, gây ảnh hưởng lớn đến các cá nhân và tổ chức, gây rối loạn xã hội. Do vậy, báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Đặc biệt, trong môi trường thông tin đa chiều như hiện nay, báo chí còn có sứ mệnh phải “vun đắp” niềm tin cho công chúng.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám, Báo điện tử Dân trí cũng nêu quan điểm: Thực tế cho thấy, MXH đã và đang là một “thế lực” truyền thông vô cùng mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và là “đối thủ” khó lường của báo chí chính thống. Tuy vậy, thay vì đặt vấn đề đối đầu, chống lại MXH hoặc chạy theo MXH một cách thiếu định hướng, báo chí hãy triệt để tận dụng những thông tin của MXH để biến chúng trở thành thông tin riêng của mình một cách chuyên nghiệp và trách nhiệm.

Nhà báo Nguyễn Minh Quang, Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống cũng cho rằng: MXH là một không gian mà con người ở đó có quyền bày tỏ suy nghĩ, quan điểm và chính kiến của mình.

Tuy vậy, ngoài những điều tích cực, MXH cũng đang bộc lộ nhiều mặt trái. Điển hình là những thông tin phản động, đổi trắng thay đen, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác và vi phạm pháp luật trên MXH đang rất dày đặc. Nguy hiểm là có rất nhiều người đọc được những thông tin này và dù có tin hay không thì những hậu quả mà thông tin mang lại là rất rõ.

“Theo tôi, chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu và có thể sớm ban hành luật để quản lý MXH. Ví dụ như quy định máy chủ phải được đặt ở đâu; bộ quy tắc quy định những điều cấm kỵ khi sử dụng MXH để góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa các thông tin xấu, độc, nhảm nhí, vốn đang ngập tràn trên MXH”, ông Quang đề xuất.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Phạm Xuân Sanh, nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Để MXH phát triển hợp lý tại Việt Nam, cần có ba điều kiện. Thứ nhất là chúng ta cần có một khung pháp lý nghiêm minh nhưng khoan dung để điều chỉnh hoạt động của MXH. Nghiêm minh vì MXH rất sòng phẳng, đúng sai được thể hiện ngay lập tức, còn khoan dung vì đây là hoạt động có liên quan tới nhiều cái mới, cái chưa biết của tuổi trẻ, những người sẽ làm nên thế giới theo cách nhìn của họ. Bên cạnh đó, dân trí cũng cần được nâng lên cao hơn, nhất là thế hệ trẻ trong cách ứng xử xã hội, đặc biệt là văn hóa lắng nghe người khác và phản biện ý kiến người khác. 

Ngoài ra, việc điều phối các ứng xử lệch chuẩn trên MXH sẽ là khó thành công nếu các nhà quản lý chỉ sử dụng các chế tài hành chính “cứng”. Với những hành vi trên MXH vốn hết sức mềm, sẽ là tốt hơn nếu các biện pháp quản lý cũng là theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”: Dùng cộng đồng mạng để chế áp chính các hành vi sai trái, lệch chuẩn trên MXH”.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng: Thực tế cho thấy, có nhiều thời điểm, nhiều sự việc, báo chí đang đi sau hoặc “chạy theo” MXH. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc báo chí đang bị thiếu những nguồn thông tin chính thống, nhất là trong những sự việc, những vấn đề được cho là nhạy cảm.

Cũng theo nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Việt Nam đang hội nhập với thế giới nên không thể cấm đoán được thông tin, đặc biệt là những thông tin đa chiều, cuồn cuộn hằng ngày, hằng giờ trên MXH. Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải học cách mà các nước phát triển ứng xử với MXH để từ đó tìm ra giải pháp quản lý riêng của mình thông qua ba con đường.

Trước hết, phải hoàn chỉnh luật lệ để ủng hộ người nói đúng và ngăn chặn, xử lý người nói sai bằng cả biện pháp hành chính lẫn hình sự nếu người nói sai đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, phải nâng cao dân trí để người dân có thể tự phòng vệ chính đáng, biết chắt lọc đúng, sai trước sự nhiễu loạn về thông tin trên MXH.

Ngoài ra, báo chí chính thống cũng cần phải chủ động đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời. Phải dùng lý lẽ để đấu tranh lại những thông tin không đúng, bởi thực tiễn cho thấy chỉ khi có sự minh bạch thì mới chống được sự nhiễu loạn thông tin.

H.Thanh
.
.
.