Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm và chuyện “con voi tham nhũng chui lọt lỗ kim”

Thứ Ba, 08/05/2018, 08:50

Vậy thì ai là người đắc lợi từ sự biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm? Câu hỏi rất dễ trả lời nhưng thật không dễ nói ra nếu như gần đây không lộ diện những con “sâu chúa”. 


Giữa lúc chuyện bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm đang rối như canh hẹ thì bất ngờ ngày 7-5-2018, nhiều tờ báo đồng loạt thông tin “không có chuyện mất bản đồ gốc Thủ Thiêm”. Đây là khẳng định của cựu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh, người đã kí tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng (1/5.000) Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo ông Võ Viết Thanh, có cả thảy 13 tấm bản đồ quy hoạch tổng thể (1/5.000), sơ đồ kĩ thuật của khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được trình và Thủ tướng đã phê duyệt tại Quyết định số 367 ngày 4-6-1996…

Phối cảnh khu đô thị Thủ Thiêm

Sau này, không ít văn bản của TP Hồ Chí Minh đều viện dẫn “bản đồ quy hoạch 1/5.000 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 367 TTg”, như "Đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm tỉ lệ 1/2.000 đã thể hiện đầy đủ và triển khai các yêu cầu của đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt" (văn bản ngày 22-9-1997 do KTS Lê Văn Năm ký).

Như vậy, có thể khẳng định không thể không có "bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm”. Vậy tại sao cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh lại cho rằng “không có/chưa tìm thấy bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm?”.

Có lẽ, đây là mấu chốt đầu tiên để lộ diện những khuất tất trong việc quy hoạch, phát triển bán đảo Thủ Thiêm hơn 20 năm qua. Bởi so với quy hoạch ban đầu được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg, Thủ Thiêm đã qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và bị biến dạng nhiều. Diện mạo Thủ Thiêm hôm nay, theo chính lời ông Võ Viết Thanh, đã "Có hàng loạt nhà cao tầng, bất kể mật độ dân số”. 

Đặc biệt, cư dân bản địa của Thủ Thiêm, những người lẽ ra phải được hưởng lợi nhiều nhất từ quy hoạch phát triển thì lại là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, không ít người hết đường mưu sinh vì bị thu hồi nhà cửa, ruộng vườn; phải tha hương kiếm sống. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài trong lĩnh vực đất đai, khiến các trụ sở tiếp dân các cấp trong nhiều năm qua luôn đông người mà trong đó có sự góp mặt của những “công dân Thủ Thiêm”.

Những bất cập, bất công với cư dân Thủ Thiêm – như chính lời ông Võ Viết Thanh – là: “Tái định cư là phải tại chỗ, hoặc xê dịch chút đỉnh thôi. Đưa họ đi xa như vậy, đất ở đây ai sử dụng. Bên cạnh đó, giải tỏa nhà thì phải đền bù cho người dân thỏa đáng, nơi tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ. Ví dụ, người nghèo chỉ có cái chòi dựng 20m2. Khi đưa người nghèo đi tái định cư mà chỉ cấp có 20m2 như nơi họ từng ở, thì xem sao được. Rồi bắt người dân phải xây nhà 3-4 tầng theo chuẩn của khu phố, nếu trong 6-12 tháng không làm thì bị thu hồi đất, nhưng người nghèo thì lấy tiền đâu ra để xây nhà 3-4 tầng”…

Vậy thì ai là người đắc lợi từ sự biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm?

Câu hỏi rất dễ trả lời nhưng thật không dễ nói ra nếu như gần đây không lộ diện những con “sâu chúa”. Tuy chưa bị “vạch mặt, chỉ tên” vào cụ thể trường hợp Khu đô thị Thủ Thiêm, nhưng đã có một số cán bộ cấp cao của TP Hồ Chí Minh vừa bị thông báo liên đới trách nhiệm đến một số dự án đất đai, bán đất công sản gây thiệt hại, thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Đó phải chăng cũng là câu trả lời cho việc “bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm” bỗng dưng biến mất?

Tạm gác lại chuyện quy hoạch Thủ Thiêm, nhìn sang nhiều tỉnh, thành phố lớn khác cũng xảy ra những chuyện bi hài kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” trong việc quản lí, sử dụng đất đai. Như Đà Nẵng, từng được coi là “hình mẫu” của quy hoạch, phát triển đô thị, thì gần đây, hàng loạt quan chức đầu tỉnh dù đã nghỉ hưu vẫn bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến đất đai khi họ đang tại nhiệm.

Nhờ sự “ưu ái” của họ mà có những người “tay không bắt giặc”, trở thành triệu phú đô la nhờ mua rẻ, bán đắt đất công sản hoặc đầu tư dự án bất động sản với muôn vàn ưu đãi mà doanh nghiệp khác không thể có được. Từ đó, có đại gia bất động sản bên sông Hàn từng “coi giời bằng vung”, từng dọa cho lãnh đạo tỉnh nghỉ việc.

Con số hàng chục khu đất vàng công sản bị bán rẻ như cho vị đại gia này; rồi sau đó lập tức “trao tay” thu lời hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng khiến kỉ cương phép nước bị coi thường, ngân sách Nhà nước thất thu và dư luận vô cùng bức xúc trước những kẻ định dùng “bàn tay bọc tiền che cả bầu trời”.

Trong khí thế siết lại kỉ cương, phép nước, cương quyết chống tham nhũng, suy thoái, chắc chắn còn nhiều vụ việc nhức nhối khác sẽ được phát hiện, xử lí. Thực tế kết quả đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian gần đây làm cho người dân có niềm tin vào khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm".

Chắc chắn, chuyện những “con voi tham nhũng chui lọt lỗ kim” sẽ bị chặn đứng trong xu thế chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa không phải là phong trào, mà là thượng sách hàng đầu để xây dựng đất nước phát triển ổn định, bền vững.

Duy Hiển - An Khang
.
.
.