Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sơ kết 6 tháng đầu năm 2016
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Đắk Lắk
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại TP.Cần Thơ
- Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Vận động trên 106 tỷ đồng trong chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương”
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình KT-XH vùng ĐBSCL có những chuyển biến tích cực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị |
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9% so cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 282.657 tỷ đồng. Toàn vùng có 52 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.921 ha đã đi vào hoạt động, thu hút được 536 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 66,7%, tạo việc làm cho khoảng 60.591 lao động...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử, khiến sản xuất nông nghiệp của toàn vùng thiệt hại khoảng 4.678 tỷ đồng. Trong đó, lúa 232,95 ngàn ha, hoa màu và rau màu có 6.561 ha, cây ăn quả và cây công nghiệp bị thiệt hại toàn vùng là 10.831 ha, có khoảng 226.605 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư FDI 6 tháng tuy tăng khá nhưng còn thấp so với các vùng khác trong cả nước; tiến độ thi công các công trình trọng điểm còn chậm; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn…
Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. |
Phát biểu kết hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đạt được, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần đẩy mạnh liên kết vùng; tăng cường công tác dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tội phạm, phòng thủ đảm bảo an ninh biên giới…
Bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển KT-XH; Nghị quyết 19 về tiếp tục đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh hình thức đầu tư công; tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới.
Về nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, muốn sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nhân dân thì phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới để kết nối một cách tự nguyện người nông dân với nhau, kết nối người nông dân với doanh nghiệp và thị trường và quan tâm tới xây dựng thương hiệu nông sản.
Đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành trong vùng về cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, giáo dục, khoa học và công nghệ, hạ tầng giao thông để vùng ĐBSCL có điều kiện phát triển bền vững...