Tư tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi ngời sáng!

Chủ Nhật, 05/11/2017, 18:19
Báo điện tử CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sáng nay (5-11), Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2017) được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát quan trọng tại Lễ kỷ niệm với nhan đề: Cách mạng Tháng Mười Nga và lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay.

Báo điện tử CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây - giữa Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng, để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm một sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại - đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917.

Như chúng ta đã biết, cách đây tròn một trăm năm, theo tiếng súng báo hiệu từ chiến hạm Rạng Đông, cuộc tiến công Cung điện mùa Đông ở Pê-trô-grát bắt đầu và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đứng đầu là V.I.Lê-nin đã giành thắng lợi ở Pê-trô-grát và nhanh chóng lan toả ra toàn nước Nga.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã "làm rung chuyển thế giới", phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, những tiên đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành hiện thực trên một phần sáu địa cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Một Nhà nước kiểu mới dưới hình thức các Xô-viết đã hình thành và được V.I.Lê-nin đánh giá là "chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho công nhân và nông dân,... một chế độ dân chủ kiểu mới"[1].

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô-viết do Lênin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa nước Nga từ một nước phong kiến, tư bản lạc hậu, nghèo đói trở thành một cường quốc kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục... hàng đầu thế giới; đưa quần chúng công - nông từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vai trò, vị thế của nước Nga trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhiều đảng cộng sản và công nhân ở các nước đã ra đời, hình thành một phong trào quốc tế sâu rộng khắp năm châu, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Một làn sóng cách mạng vô sản ở Châu Âu đã bùng lên mạnh mẽ, tạo ra một cao trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, làm rung chuyển nền thống trị của giai cấp tư sản độc quyền ở nhiều nước. Một hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ra đời, đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của thế giới hiện đại.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc; đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức và các nước phụ thuộc vùng dậy đấu tranh vì độc lập tự do, đem lại niềm tin và niềm hy vọng về khả năng tự giải phóng. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại hàng loạt nước thuộc địa ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ - Latinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc; hàng trăm triệu người được giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ, tạo thành một phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ trên toàn cầu.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của chế độ Xô-viết và chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai cũng đã thức tỉnh và cổ vũ phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội ở chính ngay các nước tư bản phát triển, buộc chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc cũng phải có những điều chỉnh để thích nghi, tồn tại.

Đúng như V.I.Lê-nin đã khẳng định: "Cuộc Cách mạng Tháng Mười của chúng ta đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới"[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế"[3].

Với ý nghĩa to lớn và sâu sắc như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga thực sự đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga, đồng thời đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Nó đã vượt khỏi không gian và thời gian, trở thành biểu tượng vĩ đại của thời đại. Nhân dân Việt Nam cùng loài người tiến bộ mãi mãi ghi nhớ công ơn của lãnh tụ vĩ đại V.I.Lê-nin, của những người Bôn-sê-vích và nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đã phấn đấu, hy sinh làm nên sự kiện lịch sử có một không hai này!

Thưa các đồng chí và các bạn,

Trong hơn bảy mươi năm tồn tại và phát triển, Liên bang Xô-viết đã giành được nhiều thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Mười cũng như công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, và đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại. 

Là chủ nhân mới của đất nước, những người công nhân, nông dân và trí thức trong Liên bang Xô-viết bằng những quyết tâm lớn lao và nỗ lực phi thường đã biến đất nước mình vốn lạc hậu so với các nước phát triển khác thành một cường quốc công nghiệp hùng mạnh, đứng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như: Liên Xô đã vươn tới nhiều đỉnh cao về khoa học - công nghệ, đặc biệt đã mở ra kỷ nguyên con người chinh phục vũ trụ. Nền giáo dục Xô-viết đã được xếp vào hàng tiên tiến hàng đầu thế giới. 

Các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật… đã phát triển rực rỡ, hết sức phong phú, độc đáo, được cả thế giới ngợi ca, nể trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân đều được chăm lo, mọi người dân đều được hưởng thụ những phúc lợi xã hội chất lượng cao, được sống trong một môi trường yên bình, lành mạnh trong tình thương, lẽ phải và sự tôn trọng lẫn nhau. Trong hoàn cảnh phải thường xuyên đối mặt với những âm mưu thâm độc, hành động phá hoại của các thế lực đế quốc, phản động, Nhà nước Xô-viết luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tăng cường quốc phòng - an ninh, đánh thắng các loại thù trong giặc ngoài, giữ vững thành quả cách mạng và chủ quyền quốc gia và từ những năm 50 của thế kỷ trước đã đạt được thế cân bằng về vũ khí hiện đại, bảo đảm quan trọng cho nền hoà bình thế giới.

Nhân dân thế giới không bao giờ quên những hy sinh hết sức lớn lao và những chiến công vô cùng hiển hách của nhân dân và Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu loài người khỏi thảm hoạ phát xít, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nước đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhiều dân tộc giành lại độc lập, chủ quyền từ chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và điểm lại những thành tựu lớn lao của nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, chúng ta không thể không nhắc tới sự ủng hộ mạnh mẽ, sự giúp đỡ to lớn, đầy tinh thần quốc tế trong sáng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên đã dành cho các nước xã hội chủ nghĩa, cho phong trào giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình và tiến bộ xã hội.

Đó là những sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận được!

Suốt trong những năm tháng tồn tại của Nhà nước Xô-viết - con đẻ của Cách mạng Tháng Mười, và nhất là từ sau ngày Liên bang Xô-viết bị giải thể, các thế lực thù địch và các thế lực cơ hội thuộc đủ màu sắc luôn dùng trăm phương ngàn kế để phủ định ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười và những thành quả to lớn của chế độ Xô-viết. Nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Dù cho vật đổi sao dời, tinh thần Cách mạng Tháng Mười và những thành quả lịch sử cũng như những cống hiến to lớn của nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đối với loài người mãi mãi không bao giờ phai mờ, mãi mãi sẽ còn ghi đậm trong tâm trí của mọi người có lương tri trên toàn thế giới!

Thưa các đồng chí và các bạn,

Riêng đối với Việt Nam, chúng ta có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta chính là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp cận, tiếp thu và vận dụng sáng tạo rất thành công những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Người đã đứng hẳn về phía những đảng viên Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Quốc tế Cộng sản thứ ba do V.I.Lê-nin sáng lập. 

Năm 1920, khi đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I.Lê-nin, Người đã rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng,... vui mừng đến phát khóc lên, ngồi một mình trong phòng mà Người nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"[4]. Tiếp đó, Người đã vượt qua mọi gian nguy để đến với đất nước Xô-viết, tham gia hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, đồng thời trực tiếp tìm hiểu kinh nghiệm cách mạng của Liên Xô để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 

Ngay trong thời kỳ đó, Người đã cử nhiều thanh niên cách mạng Việt Nam ở trong nước sang học tập tại Liên Xô, trong đó có các đồng chí sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta, như đồng chí Trần Phú, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hà Huy Tập, cùng nhiều nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối khác. Những người cộng sản, những người yêu nước Việt Nam dù phải hoạt động trong hoàn cảnh bí mật cực kỳ gian khổ, khó khăn, thậm chí trong ngục tù đế quốc và lên đoạn đầu đài vẫn một lòng một dạ hướng về nước Nga Xô-viết, hướng về quê hương của Lênin và Cách mạng Tháng Mười với niềm tin son sắt và hy vọng tràn đầy về thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng mà mình theo đuổi.

Thắng lợi vĩ đại của quân và dân Liên Xô trong chiến tranh chống phát-xít, buộc quân phiệt Nhật lúc đó phải đầu hàng vô điều kiện đã tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta thành công, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, trong thời kỳ nhân dân ta tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ban đầu là ở miền Bắc và sau này là trên cả nước khi nước nhà đã thống nhất, Liên Xô luôn dành cho nhân dân ta sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ, giúp quân dân ta giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. 

Một trong những sự giúp đỡ của Liên Xô có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là đã đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và người lao động Việt Nam trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hoá, ngoại giao, quân sự, an ninh...; đó là chưa kể hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam đồng cam cộng khổ, tận tình giúp đỡ nhân dân ta bảo vệ và xây dựng đất nước.

Rõ ràng, nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, với ý chí tự lực, tự cường của dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bè bạn quốc tế, cách mạng Việt Nam mới có được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Uống nước nhớ nguồn". Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười"[5]. Nhân dịp này, chúng ta một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết về tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, hết sức quý báu dành cho nhân dân ta!

Thưa các đồng chí và các bạn,

Càng nhớ ơn sâu sắc, gắn bó mật thiết với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, với những cống hiến vô giá của nhân dân Liên Xô đối với nhân loại và mối tình thắm thiết Việt - Xô bao nhiêu, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chúng ta càng đau xót bấy nhiêu trước biến cố đầy bi kịch xảy ra ở Liên Xô vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Vẫn biết cách mạng là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp, không phải là con đường bằng phẳng, dễ dàng, có khi nó phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, quanh co, khúc khuỷu, thậm chí có lúc tạm thời thất bại, thụt lùi, nhưng chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng trước biến cố đó. 

Với tinh thần cách mạng trong sáng và tính khoa học nghiêm túc, một mặt, chúng ta kiên định đánh giá khách quan về ý nghĩa bất biến của Cách mạng Tháng Mười cũng như những thành tựu và cống hiến to lớn của Liên Xô trước đây; mặt khác, chúng ta cũng tỉnh táo nhận diện những nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa tới sự việc đau buồn đó; và điều quan trọng hơn là cần rút ra những bài học sâu sắc để tiếp tục kiên trì và kiên quyết theo đuổi mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tránh rơi vào những sai lầm đã làm Liên Xô đổ vỡ. 

Ngay từ năm 1991, Đảng ta đã nhận định rằng, biến cố lịch sử này có nguyên nhân sâu xa , trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử và quốc tế, cũng có những khuyết điểm, sai lầm chậm được phát hiện và khắc phục, nhất là về những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình xây dựng xã hội mới cùng với việc xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó. 

Đặc biệt, có hai nguyên nhân cơ bản và trực tiếp liên quan chặt chẽ với nhau: Một là, những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, về công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ trong quá trình cải tổ; và hai là, các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", tìm mọi cách tác động làm chệch hướng công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô, lợi dụng những sai lầm bên trong để thực hiện mục tiêu xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đúc rút những bài học thành công và nhận rõ những khuyết điểm, sai lầm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo và đang kiên định, kiên trì tiến hành từng bước vững chắc công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Cương lĩnh của Đảng ta về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ quang vinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng ngừa và chống những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.

Công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua của đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là kết quả của quá trình đổi mới có nguyên tắc, năng động trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa và giá trị hiện thực của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Thành tựu mà chúng ta đạt được minh chứng cho sức sống của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, song với lý tưởng cao đẹp và những bài học thực tiễn sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục soi rọi, toả sáng, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, với những bài học kinh nghiệm đắt giá từ thành công và cả những thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong gần một thế kỷ qua, chúng ta cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhằm tiếp tục làm sáng rõ những quy luật, nguyên lý phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tập trung quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối cơ bản nêu trong Cương lĩnh của Đảng và triển khai thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà các đại hội, đặc biệt là Đại hội XII gần đây của Đảng đã chỉ ra là:

- Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đổi mới tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

- Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hoà bình", phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước. Mở rộng và phát triển chiều sâu trong các quan hệ đối ngoại; sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, hơn lúc nào hết, chúng ta càng nhận thức rõ hơn những giá trị và đóng góp to lớn mà cuộc cách mạng này đã mang lại cho nhân loại, càng nhận thức sâu sắc hơn những bài học xương máu từ sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô-viết và càng kiên định hơn con đường đổi mới vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực tiễn và các thành tựu của cách mạng Việt Nam là thực tế sinh động góp phần bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thưa quý vị đại biểu,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Chúng ta kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga trong bối cảnh đất nước ta đang chứng kiến những ngày sôi động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, đang chuyển động theo chiều hướng tích cực: Đảng ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả nhiều nghị quyết quan trọng; Chính phủ đang hành động quyết liệt thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng; Quốc hội đang có những đổi mới mạnh mẽ, được cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh. 

Nhiều quyết sách và việc làm cụ thể của chúng ta gần đây được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đang đòi hỏi, kỳ vọng phải làm tốt hơn nữa. Với tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và ý chí Việt Nam, với quyết tâm mới, khí thế mới, sức sống mới, với niềm tin son sắt vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc, vào tương lai tươi sáng của đất nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người mãi mãi ngời sáng!

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi!

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quang vinh muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Xin trân trọng cảm ơn.

______________________

[1] Xem: V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 44, tr.184. 

[2] Xem: V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 44, tr.185. 

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.387.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.562.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 392 - 393.

CAND
.
.
.