Hòa hợp dân tộc - một góc nhìn thực chất

Bài 1: Tôn trọng sự thật một giai đoạn lịch sử

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:39
Tháng 4 và những ngày đầu tháng 5/2015, trong khi cả dân tộc kỷ niệm ngày chiến thắng, thống nhất non sông thì một bộ phận người Việt hải ngoại vẫn định kiến hận thù, tiếp tục lặp lại các điệp khúc chống phá cực đoan. Hơn bao giờ hết, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc càng được đặt ra cấp thiết bởi cùng một đất mẹ, chúng ta không thể kéo dài tình trạng này. Vết thương còn có ngày lành sẹo, bầu bí một giàn, lòng ái quốc chính là cội nguồn cho tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, hướng về đất mẹ.

Trong loạt bài này, chúng tôi đưa ra góc nhìn vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, tìm hiểu thực tế những hoạt động hòa giải cũng như chính kiến, sẻ chia của những người từng ở bên kia chiến tuyến, nay hướng về Đất Mẹ… Từ đó, chúng tôi đề xuất các giải pháp, quan điểm để đảm bảo thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc được thực chất hơn cũng như phản bác quan điểm lợi dụng danh nghĩa này để chống phá đất nước của các thế lực thù địch.

Hành động chống phá “đến hẹn”

Tháng 4 và đầu tháng 5 năm nay, trong khi đồng bào dù ở trong hay ngoài nước đều một lòng hướng về Tổ quốc, bằng những hoạt động khác nhau kỷ niệm ngày Bắc Nam thống nhất, núi sông liền một dải thì một bộ phận người Việt định cư tại Mỹ và một số nơi khác lại tiếp tục điệp khúc chống đối cực đoan, xới lại sự hận thù. Một số nhóm người Việt tại California tụ tập dưới biểu ngữ “tưởng niệm ngày quốc hận”, treo cờ ba que và nghe “diễn văn tưởng niệm” với lời lẽ nặng sự hận thù.

Đây là hành động có tính thường niên của bộ phận người Việt ra đi sau 30/4/1975, tới nay vẫn ôm chặt tư duy cũ, chống đối và định kiến về đất nước. Họ được cổ súy bởi những mắt xích vốn là người Việt cực đoan, số này “lĩnh ấn tiên phong” trong việc hô hào, kêu gọi tụ tập, tuần hành và các hành động thành lập, tham gia các tổ chức phản động tại hải ngoại.

Cũng vì sự vận động của số chống đối này mà tháng 8/2009, tại thành phố Westminster, họ thông qua cái gọi là “nghị quyết 4257” về việc coi ngày thứ bảy cuối cùng mỗi tháng tư là "Ngày Thuyền nhân Việt Nam". Ở cấp tiểu bang California thì đưa ra cái gọi là “Nghị quyết ACR-40”, công bố tháng tư là tháng của người Mỹ gốc Việt với 6 điểm, trong đó tung hô những khẩu hiệu như “nỗ lực tranh đấu vì lý tưởng tự do”, coi lá cờ vàng ba sọc đỏ (cờ ba que) là “biểu tượng của người Mỹ gốc Việt”; lấy tuần lễ từ 24 đến 30/4 hằng năm là “tuần tưởng niệm tháng tư đen”…

Mới đây, đạo luật S-219 về cái gọi là “hành trình đến tự do” được Thượng nghị sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải bảo trợ và tìm cách vận động để Quốc hội Canada thông qua ngày 22/4/2015. Điều đáng nói là đạo luật do người Canada gốc Việt soạn thảo, vận động này tiếp tục khoét vào sự hận thù khi coi ngày 30/4 hàng năm là ngày để kỷ niệm làn sóng người tị nạn Việt Nam đã được Canada đón nhận sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Hữu Nghị.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ, S-219 là một đạo luật hoàn toàn sai trái, chứa đựng nhiều nội dung xuyên tạc ý nghĩa ngày 30/4 và cả lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Canada ủng hộ.

30/4 đã là ngày đại lễ của cộng đồng người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu, ngày đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, đưa giang sơn thu về một mối. Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử. Sau 40 năm, Việt-Mỹ từ hai bên chiến tuyến, từ đối đầu, đối súng đã trở thành đối tác, bình thường hóa quan hệ từ 1995 và tới nay đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện. 40 năm, những người lính Việt Nam Cộng hòa xưa kia đã ở sườn núi của cuộc đời hoặc khuất núi theo quy luật tự nhiên. Chừng đó thời gian là thêm một, hai thế hệ nữa sinh ra, trưởng thành, đủ để nhận thức về cuộc sống.

Câu hỏi đặt ra: Với quãng thời gian như vậy, với bối cảnh mới, tại sao hiềm khích, hận thù vẫn còn, vẫn dai dẳng trong bộ phận người Việt hải ngoại? Tại sao chúng ta cùng đất mẹ, bầu bí một giàn lại chưa thể hòa hợp? Nguyên nhân do đâu và làm thế nào để hòa hợp dân tộc là vấn đề không mới nhưng rất cần được hóa giải và bây giờ là lúc hội đủ nhiều điều kiện để làm được điều đó.

Truyền thống nhân nghĩa

Khi nhìn lại thực tế lịch sử, một số thông tin hải ngoại đã bóp méo sự thực, quy chụp rằng do chúng ta đối xử “thậm tệ” với bên thua cuộc và không hề quan tâm việc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Số này cũng ngụy biện khi áp đặt tâm lý “ăn thua” của người Việt, rằng tuy “cùng một mẹ” nhưng người Việt Nam mang nặng tư tưởng hận thù, không thể dung hòa và vu cáo Đảng, Nhà nước ta “bỏ rơi” kiều bào ở Mỹ cũng như ở nước ngoài nói chung.

Đây là những quan điểm “mượn gió bẻ măng”, lộ rõ ý đồ chống phá đất nước, mượn cớ hiện tượng người Việt Nam di cư sang Mỹ nói riêng, ra nước ngoài định cư nói chung để phê phán, đả phá chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, tìm cách tung tin hỏa mù, vu cáo để ly gián, gây chia rẽ trong các tầng lớp nhân dân cũng như giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa người dân trong nước với kiều bào…

Thực chất, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc chính là truyền thống nhân nghĩa, nhân văn có từ lâu đời của dân tộc ta. Sử cũ chép rằng, sau khi đánh thắng 3 đợt xâm lược của giặc Nguyên – Mông, nhà Trần họp các quan lại xem việc định công, xét tội. Số là khi quân Nguyên đang cường thịnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, theo giặc. Sau khi giặc thua chạy về phương Bắc, triều đình bắt được biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục ra để trị tội nhưng Thượng hoàng Nhân Tông nghĩ rằng, làm vậy là hạ sách bèn sai đốt tráp đi cho yên lòng mọi người, duy chỉ kẻ nào theo giặc, thực sự nguy hại thì mới xử lý. Quân dân cũng theo cách đó mà xử sự.

Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời kỳ nào cũng chứng kiến những kẻ hai lòng theo giặc, phản triều đình nhưng cách xử sự cũng căn cứ tính chất, mức độ, dựa trên nền tảng nhân nghĩa “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.

Từ năm 1946, Bác Hồ đã nói khi chúng ta vừa giành chính quyền từ cuộc khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám rằng, khi chống Pháp, cũng có những người Việt đứng ở bên phía Pháp. Bác nói “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tinh thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”.

Trong thư chúc Tết kiều bào đầu năm 1946 - năm đầu tiên khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tấm lòng yêu mến cố hương, luôn hướng về Tổ quốc của kiều bào và khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế”. 

(Còn nữa)

Đăng Trường
.
.
.