Áp dụng hình phạt nghiêm khắc người chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt tài sản Nhà nước

Thứ Sáu, 06/11/2020, 09:31
"Ngành Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng...", Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.


Xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Theo Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Chánh án TAND tối cao trình bày, Với việc quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, hoạt động của hệ thống TAND trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác.

Các Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

TAND tối cao đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng cao; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội. Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng,... Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Trong xét xử các vụ việc dân sự, đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; khuyến khích công tác hòa giải; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết tốt vụ án. TAND tối cao đã tổ chức tập huấn kỹ năng viết bản án, quyết định cho các Thẩm phán nên đã hạn chế được phần lớn các tồn tại trước đây.

Trong xét xử các vụ án hành chính, các Tòa án đã quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tính đến ngày 30/9/2020 không còn vụ án nào quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của Tòa án. Để nâng cao chất lượng giải quyết, Chánh án TAND tối cao đã ban hành Chỉ thị, trong đó yêu cầu các Tòa án và các đơn vị liên quan tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử cho các Thẩm phán; phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp; tăng cường công tác giám đốc kiểm tra để kịp thời rút kinh nghiệm các sai sót nghiệp vụ...

Điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm

Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII của VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Qua đó đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.

Toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; đã phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm, như vụ Nguyễn Thành Tài, vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tp. Hồ Chí Minh; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP. Đà Nẵng...

Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát đã ban hành kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đến đất đai (như kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em. Cụ thể, đã chủ trì phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; tham gia góp ý xây dựng các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em quy định trong Bộ luật hình sự...

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, VKSND tối cao đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; dự kiến ban hành vào cuối năm 2020.

An Quỳnh
.
.
.