Xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

An sinh cho người dân là mục tiêu cao nhất

Thứ Sáu, 21/06/2013, 14:46
Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 21/6. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh cơ chế thu hồi đất, chính sách bồi thường cho người dân mất đất. Để làm sáng tỏ hơn vấn đề này, PV báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường:

PV: Có nhiều tổ chức kiến nghị chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vì còn nhiều điểm chưa rõ ràng liên quan đến cơ chế thu hồi đất, đền bù cho người dân mất đất. Quan điểm của Bộ như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Thời gian qua, Bộ đã cố gắng tập hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân. Tuy nhiên, có nhiều luồng ý kiến, ban soạn thảo chỉ chọn ý kiến đa số, hợp lí, đúng đắn để đưa vào luật. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)  hay không thuộc quyền của Quốc hội. Ngày 21/6 Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết.

PV: Thời gian qua, những qui định liên quan tới cơ chế thu hồi đất còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, thu hồi đất tràn lan. Đối với các dự án phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, khi thu hồi đất, người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội, người dân lại cho rằng nên để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận, thay vì Nhà nước đứng ra thu hồi?

Ông Đào Trung Chính: Việt Nam xác định chuyển dần từ quốc gia nông nghiệp lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình đó, không thể không lấy vào đất nông nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều đồng tình với chủ trương phải thu hồi. Vấn đề là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như thế nào cho thỏa đáng.

PV: Chúng ta xác định cơ chế bồi thường theo giá thị trường, tuy nhiên làm thế nào để xác định được giá thị trường? Hiện nay, định giá đất của các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 30-40% giá trị thực?

Ông Đào Trung Chính: Cần phải có công cụ để các cơ quan trách nhiệm định giá chính xác. Ngoài ra, phải tiến hành giám sát xem qui trình đã đúng chưa. Lần này đã đưa vào trong luật các phương pháp định giá, các cơ sở dữ liệu đất đai, vai trò của các cơ quan thẩm định, định giá, tư vấn…Nếu làm tốt sẽ định giá đất tương đối sát giá thị trường.

PV: Hiện nay tại nhiều địa phương, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đồng thời định giá bồi thường? Như thế, theo ông, có khách quan hay không?

Ông Đào Trung Chính: Đó là vấn đề cần phải xem xét lại. Về lâu dài cần phải có cơ quan định giá độc lập, các nước đều làm thế. Độc lập có nghĩa là có các Hiệp hội, các chuyên viên định giá, đội ngũ này chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Ông Đào Trung Chính: Không phải trường hợp nào thu hồi đất ở cũng đền bù bằng đất ở.

PV: Người dân có ý kiến là hãy công bằng với họ bằng cách, khi thu hồi thì đất đổi đất, nhà đổi nhà? Ông nghĩ sao?

Ông Đào Trung Chính: Chúng ta còn có nguyên tắc trong Luật là sử dụng đất tiết kiệm. Không phải cứ thu hồi đất ở là đền bù hết bằng đất ở, mà dựa trên nguyên tắc, chỉ khi nào thu hồi đất ở mà người dân không còn chỗ để ở thì mới hỗ trợ tái định cư, bởi nếu không thì sẽ lại phải tiếp tục thu hồi đất ở nơi khác để đền bù. Khi đó lại gây xáo trộn.

PV: Nếu địa phương không có quĩ đất để đền bù thì phải làm sao?

Ông Đào Trung Chính: Vì nhu cầu của người dân thì dứt khoát phải làm. An sinh của người dân luôn là mục tiêu cao nhất.

PV: Thế nhưng, người dân có ý kiến là nhà xây trên đất hoặc các tài sản gắn liền với đất thì đó là tài sản của người dân, không thể thu hồi mà phải trưng mua?

Ông Đào Trung Chính: Đúng rồi. Tại Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cho rằng, đất thì thu hồi được nhưng nhà, tài sản gắn với đất thì phải trưng mua. Quốc hội vẫn đang bàn thảo. Tôi cho rằng, đất và tài sản gắn liền với nhau. Không phải nhà nước cần tài sản gắn với đất, mà là cần thu hồi đất đó vì các mục đích khác. Trong Luật Trưng mua tài sản, nhà nước chỉ trưng mua trong các trường hợp cần sử dụng tài sản đó. Ở đây, Nhà nước chỉ thu hồi đất, khi thu hồi đất xong thì nhà đó dỡ bỏ, không sử dụng.

PV: Với các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP HCM thì có cần áp dụng cơ chế đền bù đặc biệt không, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Khi thu hồi đất, UBND các địa phương ban hành các chính sách cụ thể cho địa phương mình. Bảng giá do địa phương xác định chứ không phải bảng giá của Chính phủ. Bản thân bảng giá đó đã bao gồm yếu tố đặc thù rồi.

PV: Làm sao giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp, nhà nước và người dân, khi mà có những dự án, khi thu hồi chủ đầu tư đền bù cho dân rất thấp, họ đầu tư vài triệu rồi bán lại cho người dân giá vài chục triệu/m2, rõ ràng nhà nước không được gì, người dân không được gì trong khi chủ đầu tư thu lợi lớn? 

Ông Đào Trung Chính: Chúng ta phải đổi mới cách làm. Nhà nước phải đứng ra thu hồi, tạo quĩ đất sạch để đấu giá.

PV: Nhưng đấu giá chỉ áp dụng được ở những khu “đất vàng”. Thế còn các khu đất bình thường?

Ông Đào Trung Chính: Đất bình thường mà không thuộc diện nhà nước thu hồi thì doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân, thuận mua vừa bán.

PV: Đã có tình trạng thu hồi đất xong giao cho nhà đầu tư yếu kém dẫn đến dự án chậm triển khai. Trong Luật lần này, điều kiện cho nhà đầu tư khi được giao đất có được thắt chặt hơn?

Ông Đào Trung Chính: Trong Luật lần này, chỉ xem xét giao đất, cho thuê đất khi dự án phải có chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc được thông qua bởi HĐND cấp tỉnh. Chủ đầu tư được sang lọc, phải kí quĩ, chấp hành pháp luật về đất đai, phải chứng minh được tiềm lực tài chính, công nghệ...Khi chuyển đổi mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

PV: Còn việc thu hồi các dự án treo, thời gian qua, Bộ đã tiến hành quyết liệt chưa, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Hàng năm đều có kế hoạch thu hồi đất, rà soát lại các dự án của năm trước, xem có triển khai không, nếu không triển khai sẽ xem xét thu hồi. Theo qui định, sau 24 tháng không triển khai, dự án sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên có nhiều lí do khiến dự án chậm triển khai: thiên tai, khủng hoảng kinh tế, có khi còn là lỗi của Nhà nước…Khi đó, cần phải xem xét, nếu là do khách quan, không phải lỗi của chủ đầu tư thì sẽ xem xét gia hạn.

PV: Xin cảm ơn ông

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.