Ai chịu trách nhiệm trong việc để ô nhiễm nguồn nước sạch ở Hoà Bình

Thứ Ba, 22/10/2019, 11:12
Hồ Đầm Bài có diện tích 16 km2 nên khi mưa, nước lưu vực xuống nhiều. Nước mà nhà máy sử dụng phần lớn là nước sông Đà và có nước hồ. Nước hồ là về mùa mưa còn về mùa khô thì lấy nước mặt sông Đà.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, sáng 21-10, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã trao đổi với phóng viên xung quanh vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.

Vì sao nước sông Đà lại là nước Đầm Bài

Theo ông Ninh, thông tin báo cáo của Công an tỉnh ông nắm được, đến nay, cơ quan công an vẫn đang tạm giữ hình sự đối với Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại, trú tại tỉnh Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám, trú ở Lạng Sơn là nghi phạm đổ chất thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà. "Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ", ông Ninh nói.

Ông Trần Đăng Ninh

Trả lời về việc vì sao gọi là nước mặt sông Đà nhưng lại Công ty nước sạch lại lấy nước ở hồ Đầm Bài, ông Ninh cho biết, phải bơm từ sông Đà lên và có bể chứa, sau đó, mới bơm lên lọc, chuyển về Hà Nội. Hồ Đầm Bài có diện tích 16 km2 nên khi mưa, nước lưu vực xuống nhiều. Nước mà nhà máy sử dụng phần lớn là nước sông Đà và có nước hồ. Nước hồ là về mùa mưa còn về mùa khô thì lấy nước mặt sông Đà.

Ai kiểm soát nguồn nước

Về việc biện pháp cụ thể để kiểm soát nguồn nước và trách nhiệm của nhà máy trong việc bảo vệ nguồn nước, ông Trần Đăng Ninh cho biết, kiểm soát nguồn vào là trách nhiệm của nhà máy. Nhà máy cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát nguồn nước, việc này phải làm thường xuyên, kể cả lắp camera để theo kiểm soát. 

“Không thể có lực lượng Công an lớn như vậy để bảo vệ nguồn nước ở đây. Nhà máy cung cấp nước, dùng nguyên liệu nước sạch thì phải tự kiểm soát nguồn. Ông Ninh cho biết và khẳng định “Theo tôi, đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân. Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì mình phải chịu trách nhiệm”.

Phải xử lý nghiêm trách nhiệm

Về trách nhiệm của Công ty nước sạch sông Đà, ông Trần Đăng Ninh cho rằng, hiện cơ quan điều tra đang làm, việc này phải do cơ quan điều tra xác định. Rõ ràng trong vụ việc này phải xử lý nghiêm.

Nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để xảy ra vụ xả thải nghiêm trọng trên, ông Ninh cho biết, sau khi nhận được thông tin thì anh em cũng đi xác định ở những vị trí đó. Về sau công ty cũng thuê đơn vị trung tâm xử lý. “Khi tôi xuống thì cũng thấy trung tâm đang xử lý, dừng cung cấp nước. Tôi cũng gặp anh Tốn, anh Tốn nói cũng rất băn khoăn vì tất cả thông số không có vấn đề gì. Nhưng thực tế, người dân thấy mùi khét rất ghê. Tôi đến đến ở bên ngoài nhà máy đã thấy mùi khét như mùi khét như cao su cháy và mùi rất khủng khiếp”.

Phương Thuỷ
.
.
.