5 ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN

Thứ Hai, 18/11/2019, 12:36
5 ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.


Hơn 300 hội nghị trong 365 ngày

Ngày 18-11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã tổ chức họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Việt Nam quyết tâm và sẽ dành ưu tiên cao nhất để thực hiện tốt trọng trách, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, vững mạnh. 

"2020 là một năm đặc biệt với cả ASEAN và Việt Nam. Với ASEAN, đó là tròn 5 năm thành lập Cộng đồng. Còn với Việt Nam, đây là năm Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và tròn 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Như vậy, việc đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN trong năm tới chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực và phát huy vai trò dẫn dắt của mình, đáp ứng sự trông đợi, tin tưởng của các nước thành viên và đối tác. Với quan điểm gắn bó, đoàn kết và lấy người dân làm trung tâm trong phát triển, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là "Gắn kết và chủ động thích ứng",  Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì cuộc họp báo quốc tế sáng 18-11.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức hơn 300 hoạt động, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 4-2020 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan tháng 11-2020" và thúc đẩy 5 ưu tiên.

Đó là: liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN. 

"Đoàn kết trong ASEAN là đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các thành viên; nâng cao khả năng phối hợp thực hiện chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình ảnh và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

 Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, các công nghệ mới; tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các tiện ích xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế, đơn giản hóa nền hành chính công, xây dựng môi trường xanh.

Mặt khác, việc thúc đẩy ý thức cộng đồng, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi đến người dân; thúc đẩy nhận thức, nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng; nâng cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới cũng cần phải được chú trọng. 

Cuộc họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 diễn ra tại Hà Nội sáng 18-11. 

Tiếp đến là đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững; phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới. 

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; cải cách thể chế; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng giải thích. 

Môi trường hòa bình an ninh

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Vật chất-Hậu cần, việc đăng cai tổ chức các Hội nghị lớn nói chung và Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 nói riêng là cơ hộ tốt để quảng bá về đất nước và con người Việt Nam. Vì thế, Tiểu ban Vật chất-Hậu cần đã nghiên cứu và thiết kế các địa điểm diễn ra 300 hội nghị ở khắp các địa phương trên toàn đất nước. Đây là nỗ lực lớn nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn cho công tác quảng bá, tuyên truyền về hình ảnh Việt Nam cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa và gia tăng về hợp tác du lịch. 

"Các hoạt động bên lề của hội nghị được chúng tôi chú trọng và tổ chức trong đó thiên về văn hóa-nghệ thuật, du lịch để các đại biểu có thể hiểu sâu, rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Cho đến nay, qua nhiều lần tổ chức các hội nghị lớn của khu vực và quốc tế, Việt Nam đã được đánh giá rất tốt về công tác tổ chức và đảm bảo an ninh, an toàn. "Các Bộ, ngành, các địa phương đều vào cuộc để chuẩn bị cho công tác phục vụ các hội nghị ASEAN. Về Tiểu ban Tuyên truyền-Văn hóa, chúng tôi đã có một kế hoạch cụ thể, hợp tác với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam để tuyên truyền về Việt Nam", ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Tiêu ban Tuyên truyền-Văn hóa cho biết. 

Nói kỹ hơn về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các hội nghị trong suốt năm 2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng bộ Công an, Thường trực Tiểu ban An ninh-Y tế, cho biết,  Tiểu ban An ninh- Y tế phải đảm bảo tất cả các công việc có liên quan đến an ninh và tạo môi trường hòa bình hữu nghị cho hàng chục ngàn đại biểu cũng như khách mời.

"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch xử lý tình huống cụ thể và cả tình huống khẩn cấp liên quan đến cả thiên tai, bão lũ, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế... Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, chúng tôi tin rằng, tất cả các đại biểu, khách mời và kể cả du khách sẽ hài lòng trước sự phục vụ tận tâm, nhiệt tình, chuyên nghiệp của Việt Nam", Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định.


H.Chi
.
.
.