5 quốc gia – 1 điểm đến

Thứ Ba, 25/10/2016, 18:17
Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất vào năm 2025, các quốc gia trong khu vực Mekong đang hợp tác, tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới; đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế. 
Một trong những ưu tiên của Việt Nam và các nước Mekong trong thời gian tới là tăng cường du lịch hướng tới mục tiêu “5 quốc gia- 1 điểm đến”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Mekong (WEF-Mekong) chiều 25-10 cũng đã nhắc đến việc này và cho biết, mọi hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Mekong đều thực hiện trên cơ sở phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của khu vực.

Ông Anthony Fernandes, Chủ tịch của AirAsia đang trả lời phỏng vấn báo chí.

Với Việt Nam, từ năm 2015, Việt Nam đã hợp tác với Lào thực hiện kiểm tra “một cửa, một lần dừng” trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây và đang phối hợp với Campuchia nghiên cứu áp dụng mô hình này trên tuyến đường cao tốc Phnom Penh - thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, tại cuộc họp báo thông báo về việc thành lập Hội đồng Kinh doanh khu vực ASEAN (ASEAN RBC) trưa 25-10, nói về tiềm năng của khu vực Mekong, ông Anthony Fernandes, Chủ tịch của AirAsia cho rằng, Mekong là khu vực năng động và có nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Mekong có nhiều điều kiện tốt để phát triển du lịch cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác.

Ông Don Lam, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital thì khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước so với nhiều quốc gia khác của ASEAN chính là một trong những điểm hấp dẫn của khu vực Mekong. Bên cạnh đó là những cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư. Ông hy vọng rằng, WEF-Mekong sẽ là dịp để các lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận các cơ hội thúc đẩy hợp tác, đánh thức tiềm năng chưa khai phá tại khu vực này. 


Huyền Chi
.
.
.