4 bài học lớn sau 50 năm ASEAN dưới cái nhìn của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Thứ Sáu, 09/06/2017, 15:11
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Chuyển dịch địa chính trị ở Châu Á – Thái Bình Dương và Chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN” diễn ra vào sáng 9-6, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chỉ rõ 4 thay đổi cơ bản, từ đó rút 4 bài học lớn cũng như dự đoán trước những thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt trong tương lai, trong đó đặc biệt chú trọng kinh tế và hòa bình khu vực.

Bức tranh ASEAN đã thay đổi

Nhìn lại 50 năm chặng đường hình thành và phát triển của ASEAN, Phó Thủ tướng Vũ Khoan hồi tưởng lại, năm 1967 khi ASEAN ra đời, tình hình chiến tranh, xung đột vẫn còn đang hết sức căng thẳng. Song giờ đây, bức tranh ASEAN đã thay đổi, dù vẫn còn tồn tại những mối lo ngại về chủ nghĩa khủng bố, căng thẳng trên Biển Đông, nhưng nhìn chung đã không còn chiến tranh nóng giữa các nước và khu vực.

Cách đây một nửa thế kỷ, ASEAN là những nước nghèo, chậm phát triển, thậm chí từng bị lôi kéo thành những "quân cờ" trên bàn cờ cục diện chính trị. Còn ngày nay, cộng đồng 10 nước ASEAN đang phát triển ngày một phồn vinh. Hướng tới tương lai, các nước ASEAN đang nắm chặt tay nhau để từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình,"không những độc lập mà còn có vai trò dẫn dắt ở khu vực”, ông nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Hội thảo.

4 bài học từ chặng đường nửa thế kỷ

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thẳng thắn nhận định rằng, một khu vực sẽ không thể tiếp tục phát triển nếu như tiếp tục tồn tại xung đột, chiến tranh; và ASEAN không nằm ngoài quy luật đó. Bất cứ một quốc gia riêng rẽ nào cũng không thể phát triển trong sự cô lập, vì thế, cần phải hội nhập với khu vực và thế giới. Gần gũi và thiết thực hơn cả, đó là việc các quốc gia ASEAN cần liên kết chặt chẽ với nhau, bởi chỉ có như vậy, sức mạnh của ASEAN mới được tăng lên.

Chứng kiến 50 năm khởi tạo và phát triển của ASEAN, ông cho rằng bài học sâu sắc nhất chính là ASEAN cần phải đẩy mạnh tự lực tự cường, giữ được độc lập và "chủ động dẫn dắt thế giới". 

Bài toán kinh tế và an ninh khu vực

Trong bài phát biểu của mình, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không quên đề cập một trong những nội dung mà nhiều người quan tâm, đó là việc thách thức nào đang chờ đợi ASEAN ở phía trước, trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh kinh tế và duy trì ổn định an ninh khu vực.

Về kinh tế, ông Vũ Khoan đặt ra câu hỏi về khả năng nhạy bén và tính nắm bắt kịp thời của ASEAN với sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Liệu sự không nắm bắt kịp thời có kéo theo "những lạc hậu về chất chứ không phải về lượng của ASEAN", Nguyên Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm. 

Đồng thời, ông cũng đặt ra vấn đề ASEAN trước xu hướng bảo hộ, trong đó nêu rõ sự tương phản giữa buôn bán nội khối và xu hướng đối ngoại, nhằm đặt ra câu hỏi ASEAN phải làm sao để thích nghi và dương cao ngọn cơ tự do hóa, toàn cầu hóa trong bối cảnh hiện nay.

Ông Vũ Khoan đặc biệt nhấn mạnh tới kinh tế và duy trì ổn định an ninh khu vực.

Về ổn định và an ninh khu vực, ông Vũ Khoan đề cập tới 3 hiện tượng đang nổi lên có thể đe dọa tới sự ổn định của khu vực ASEAN, gồm vấn đề bất ổn đang xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, khu vực bán đảo Triều Tiên và khu vực biển Hoa Đông; chủ nghĩa khủng bố đang lan sang ASEAN; và sự tranh hùng của các nước lớn khi xu hướng thế giới đang ngày một trở nên khác biệt như hiện nay. 

"ASEAN cần tìm được chỗ đứng trong chuyển dịch lực lượng và chuyển dịch quan hệ giữa các nước lớn”, ông Vũ Khoan nhấn mạnh, sau khi đề cập tới xu hướng hướng tâm và ly tâm đang xảy ra trên thế giới mà bản chất phản ánh sự “va đập” lợi ích chung và lợi ích riêng của từng quốc gia. Làm sao hài hoà được lợi ích chung và lợi ích riêng là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với ASEAN, ông cho hay.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Kết thúc bài phát biểu của mình, nhà Ngoại giao kỳ cựu đã mượn câu ca dao giàu ý nghĩa của người dân Việt Nam nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của việc thắt chặt hơn nữa tính đoàn kết vì lợi ích chung của ASEAN. 10 nước ASEAN như 10 cây lớn, nếu chụm lại sẽ thành núi cao, còn nếu là 10 cái cây đứng riêng biệt thì sẽ bị đổ lúc nào không biết.

Có thể nói, việc tìm kiếm và thống nhất được lợi ích chung, tiếng nói chung là vấn đề cấp thiết hiện nay, bởi "chúng ta đang ngồi cùng trên một con thuyền, con thuyền đó mà đắm thì tất cả sẽ cùng đắm” - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định.

An Nhiên - Linh Bùi
.
.
.