12 điểm nhấn kinh tế - xã hội quan trọng, tạo hiệu ứng lan toả trên nhiều lĩnh vực
- Tận dụng các thành tựu tiên tiến để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
- Giữ vững an ninh chính trị, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương
UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các báo cáo cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhờ có tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực, năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn ổn định và an ninh quốc gia. Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%;
Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Thu NSNN năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%. Các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tạo động lực cho tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo |
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; phát hiện và xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án trọng điểm ở các lĩnh vực; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra trong giải quyết tranh chấp biển Đông và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến lợi ích quốc gia; chủ động về lực lượng và biện pháp tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch là những điểm nhấn quan trọng, tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị các báo cáo cần đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều. Đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Giáo dục đạt được những thành tích đáng kể trong dạy và học nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để. “Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không bảo đảm lộ trình đề ra; tự chủ đại học còn hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao; công tác tổ chức thi THPT quốc gia còn bất cập, xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại một số tỉnh; việc sách giáo khoa xuất bản độc quyền, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu.
Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuy được nâng lên nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Việc xây dựng các bệnh viện mới nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên đã được bố trí vốn nhưng chưa giải ngân được gây lãng phí đầu tư công. Việc chậm xử lý sai phạm trong sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại, bất bình trong dư luận. Một số bệnh truyền nhiễm vẫn còn ở mức cao, một số bệnh dịch có vắc-xin phòng bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại.
Tình trạng cháy, nổ có dấu hiệu gia tăng. Xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt rất nghiêm trọng với tần suất cao trong một thời gian ngắn. Xuất hiện một số vụ việc có dấu hiệu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc gây phức tạp về an ninh, trật tự, gây bất ổn trong xã hội…