10 giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển
Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sau khi nhậm chức. Hàng loạt kiến nghị đã được các DN gửi tới Thủ tướng Chính phủ và nhiều ý kiến đã được ghi nhận.
Không áp đặt “quyền anh, quyền tôi”
Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ.
Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”. Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo Chính phủ không áp đặt “quyền anh, quyền tôi” mà phải tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Thống Nhất |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ phía DN đã được trình bày trực tiếp tới Thủ tướng. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.
Ông Lộc cũng đề nghị tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, doanh nghiệp phản ánh bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã gửi đến Thủ tướng kiến nghị: Luật Phá sản ban hành năm 2004 nhưng đến nay chỉ có 336 đơn vị được giải quyết phá sản là quá ít.
“Trong việc ban hành chính sách, dưới luật chỉ nên có một nghị định, hạn chế và bỏ bớt thông tư. Vì thông tư đẻ ra nhiều giấy phép con, gây nhũng nhiễu, khó khăn cho DN và người dân. Đồng thời, có biện pháp mạnh mẽ đối với cơ quan công quyền mà nhũng nhiễu, hạch sách doanh nghiệp. Cần xác định trong việc xây dựng nền kinh tế đất nước, kinh tế tư nhân phải mạnh vì đây là động lực dẫn dắt”, ông Hà kiến nghị.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CTCP ôtô Trường Hải đưa ra kiến nghị, Chính phủ cần bảo vệ những doanh nghiệp chân chính, bảo vệ những doanh nghiệp nội địa, vốn dĩ làm ăn tốt nhưng gặp thất bại do điều kiện khách quan, nhất là trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế giảm mạnh, hàng ngoại xâm nhập thị trường nội địa. DN này mong được người tiêu dùng và xã hội ủng hộ với những sản phẩm do DN trong nước sản xuất, chế tạo.
Lo ngại trước áp lực và thách thức của hội nhập, nhiều công ty có nguy cơ đóng cửa, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ nên điều chỉnh lại quy hoạch ngành dệt may cho giai đoạn tới vì quy hoạch ngành tới năm 2020 đã lỗi thời. Trong quy hoạch ngành, cần gắn với các khu công nghiệp tập trung để gắn với xử lý nước và sự phát triển bền vững.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, cuối năm 2016, hàng loạt DN nước ngoài đã chuyển đơn hàng đi Lào và Myanmar khi họ được ưu đãi về thuế. Nhiều đơn hàng của chúng ta đã bị chuyển, vì thế lương tăng tối thiếu là áp lực nặng nề với nền dệt may Việt Nam.
Kêu gọi DN nói không với gian lận, trốn lậu thuế
Sau khi các Phó Thủ tướng phát biểu, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận hội nghị, nhấn mạnh truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân. Tinh thần doanh nhân là lúc khó khăn doanh nhân có mặt để xây dựng đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 10 điểm chưa thuận lợi để các DN trong nước phát triển như các Luật ban hành còn chậm so với thực tế. Thủ tướng Chính phủ cũng thừa nhận chưa có cơ chế chính sách hiệu quả trong việc khuyến khích doanh nghiệp tìm giải pháp đột phá trong khoa học công nghệ kỹ thuật cũng như chưa có cơ chế chính sách hiệu quả để khuyến khích DN sáng tạo, áp dụng những công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm mới, cạnh tranh với bên ngoài.
Cần xây dựng cơ chế phục vụ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. |
Thủ tướng cũng đề cập đến hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hoá DN. Số lượng DN Nhà nước đã cổ phần hoá thì lớn nhưng số vốn hoá ra thị trường chưa đến 10%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây mất nhiều thời gian, kìm hãm DN phát triển. Một bộ phận cán bộ công chức đã gây phiền hà cho DN ở nhiều cấp, nhiều ngành… Thừa nhận các hạn chế trên do lỗi của Chính phủ, từ cơ quan hoạch định chính sách. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị DN phải chủ động “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”...
Thủ tướng cũng khẳng định, báo chí truyền thông phải đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu sản phẩm Việt Nam, phải đóng vai trò tôn vinh doanh nghiệp. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp nêu cao tinh thần dân tộc, nói không với gian lận, trốn lậu thuế, kinh doanh trái phép, làm ăn bất chính, vô cảm với đồng bào. Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa về chính sách”.
Thủ tướng nêu 10 giải pháp giúp DN phát triển 1. Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được kinh doanh những gì không cấm. 2. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng về vốn, đất, quy định kinh doanh, trừ trường hợp đặc biệt 3. Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, không sớm nắng chiều mưa, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư. 4. Ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách quy định rõ 1 cơ quan chịu trách nhiệm. 5. Quy định về điều kiện kinh doanh cần được lượng hóa, minh bạch, dễ hiểu, tạo điều kiện người dân doanh nghiệp hiểu, lấy người dân, DN là đối tượng phục vụ. 6. Coi doanh nghiệp tư nhân là động lực để phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các loại hình này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội. 7. Ngăn chặn hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa, trừ trường hợp vi phạm. 8. Có cơ chế quản lý phù hợp với doanh nghiệp hoạt động có tính rủi ro lớn, an ninh quốc phòng, công ích. 9. Giảm, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý. 10. Yêu cầu đến 1-7-2016 bỏ hết quy định cũ, thực hiện đúng nghị định, thông tư, theo tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua. |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Bộ Công an đã góp phần tạo môi trường an ninh an toàn lành mạnh cho các doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm lực lượng Công an triệt phá 3.000 ổ nhóm tội phạm có nhiều tội phạm núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp và nhiều vụ án lớn về kinh tế, môi trường… Lực lượng Công an đã chủ động phát hiện yếu kém của ngân hàng thương mại, tập đoàn tổng công ty Nhà nước để góp phần tái cơ cấu khu vực này. Đồng chí Bộ trưởng cũng thẳng thắn rằng lực lượng Công an không có chủ trương hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Đồng chí Bộ trưởng cho biết sẽ có các quy định cụ thể hơn về điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN. Tổng Giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo: Để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển thị trường vận tải hàng không Việt Nam cần có giải pháp giảm "định kiến" đối với các hãng hàng không tư nhân. Đồng thời tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính tại cảng hàng không, tiếp cận các dịch vụ về hạ tầng cảng vụ, bảo đảm kỹ thuật, và cải tạo hạ tầng sân bay... Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Vinamilk: Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ: Kiến nghị cải cách quy trình đăng ký kinh doanh, bỏ bớt giấy phép con không cần thiết, các quy định cấp phép phải rõ ràng, hạn chế ban hành nghi định bổ sung giấy tờ cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao tính liên thông giữa các bộ ngành trong cấp phép đầu tư, rà soát lại thủ tục Hải quan để các cơ quan có các cơ quan liên kết chặt chẽ khi xử lý hồ sơ của doanh nghiệp... Bà Mai Kiều Liên cũng mong được tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu con giống, xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện nay quy định ở mức cao không cần thiết cũng như các cơ chế chính sách đã được doanh nghiệp thực hiện ổn định thì không nên thay đổi, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp... bà Mai Kiều Liên bày tỏ, Vinamilk cũng như cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Ông Vũ Đức Giang, Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Quy hoạch không theo kịp thực tế Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang cho rằng ngành may đang đứng trước thách thức lớn. Quy hoạch ngành đã không còn phù hợp, xây dựng quy hoạch ngành gắn với các khu công nghiệp. Tiêu chuẩn môi trường hiện nay gom vào một cục trong khi đó ngành may không nhất thiết phải đưa tiêu chuẩn quá nặng nề, đề nghị cần điều chỉnh, vị đại diện kiến nghị. Thông tin rằng nhiều đơn hàng của Việt Nam đã bị chuyển ra nước ngoài, ông Giang cho rằng lương tối thiểu là áp lực rất nặng nề với doanh nghiệp Việt Nam nên cần có giải pháp tháo gỡ. Giờ làm thêm giới hạn 300 giờ môt năm là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam. |