U.23 Việt Nam - U.23 Indonesia: Vấn đề tâm lý

Thứ Hai, 15/06/2015, 07:59
Mặc dù cả HLV trưởng Miura lẫn các cầu thủ đều cho biết là họ đã ít nhiều nguôi quên nỗi đau thất bại ở trận bán kết trước U.23 Myanmar để có thể bước vào trận tranh HCĐ với một tinh thần và thể trạng tốt nhất, thì vẫn không khó nhận ra "vấn đề tâm lý", chứ không phải vấn đề chuyên môn đang là rào cản lớn nhất của chúng ta lúc này.

Có cả một núi tự tin xuất hiện trước trận bán kết với Myanmar, và sự tự tin đó là không sai khi nhìn từ góc độ lực lượng, phong độ và cả những gì diễn ra trong 90 phút thì rõ ràng là chúng ta vẫn có trình độ nhỉnh hơn đối thủ. Nhưng chính vì nhỉnh hơn mà vẫn thua - thua một cách cay đắng sau 2 tình huống mắc lỗi của hệ thống phòng ngự nên các cầu thủ U.23 Việt Nam đã mất ăn, mất ngủ.

Khách quan mà nói, thua ở bán kết, đồng nghĩa với việc chấm dứt giấc mơ vàng, các cầu thủ của chúng ta không có quá nhiều động lực trong trận tranh HCĐ nữa. Lịch sử bóng đá Việt Nam cho thấy, sau tất cả những trận bán kết bại trận ở thế "kèo trên", chúng ta sau đó cũng bại luôn ở trận tranh HCĐ.

Chờ các cầu thủ U.23 Việt Nam đứng dậy. Ảnh: H.M. 

Gần nhất chính là SEA Games năm 2011 tại Indonesia, khi U.23 Việt Nam thua U.23 Myanmar đến 1-4, khiến thầy Đức Falko Goetz sau đó phải gục đầu ra đi. Trước đó là thất bại 0-5 trước Singapore ở trận tranh HCĐ SEA Games năm 2007, khiến ông Lê Hùng Dũng (khi đó là Phó Chủ tịch Tài chính VFF) đã phải thốt lên: "Nhục quá! Nhục chưa từng thấy".

Hôm qua, như thường lệ, trước các trận đấu, HLV Miura lại đóng cửa buổi tập của Đội tuyển Việt Nam. Nhưng trong buổi tập kín mít này có lẽ những vấn đề chuyên môn không đáng nói bằng những vấn đề tâm lý. Nhà cầm quân người Nhật sẽ làm gì để sốc dậy tinh thần của một đội bóng vừa tan tành giấc mơ? Ông sẽ làm gì để các cầu thủ nếu không thể vào sân một cách thanh thoát, với phong độ và khí thế cao nhất thì cũng không rơi vào trạng thái... phó mặc, buông xuôi tất cả? Nếu giải quyết được vấn đề tâm lý, so đọ ở góc độ chuyên môn thuần tuý U.23 Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào một chiến thắng trước U.23 Indonesia.

Ai cũng biết, Indonesia bước vào giải đấu này với sự chuẩn bị qua loa, và với cái lệnh cấm thi đấu quốc tế bị FIFA treo lơ lửng (vì Chính phủ Indonesia đã có những biểu hiện can thiệp vào công việc nội bộ của Liên đoàn bóng đá, vi phạm quy định của FIFA). Và sau đó quả nhiên bóng đá Indonesia bị cấm vận, trừ ĐT U.23 quốc gia vốn đang tham dự SEA Games 28. 

Với những binh tình như thế, việc Indonesia chơi tốt ở vòng đấu bảng, trong đó có trận chung kết bảng A thắng chủ nhà Singapore 1-0 để lọt vào bán kết đã là một thành công. Việc họ thua U.23 Thái Lan 0-5 ở trận bán kết là một kết quả được báo trước, vì rõ ràng Thái Lan đang ở một đẳng cấp vượt trội so với mặt bằng chung Đông Nam Á hiện nay. 

Điều ấy lý giải vì sao sau trận thua Thái Lan, nhiều thành viên trong BHL Indonesia vẫn cười tươi, và đó là một chỉ dấu cho thấy họ sẽ bước vào trận tranh HCĐ với một cái đầu, một đôi chân nhẹ nhõm hơn chúng ta rất nhiều.

Nếu giải quyết ổn thoả vấn đề tâm lý và chơi một thứ bóng đá biết mình biết người, một chiến thắng an ủi cho U.23 Việt Nam là điều hoàn toàn có thể. Còn nếu không giải quyết được vấn đề tâm lý thì một thất bại, thậm chí là đại bại của thầy trò Miura cũng không phải là điều gây sốc.

Đứng dậy nổi không?

Một không khí u ám đang bao trùm lên đội tuyển U23 Việt Nam sau trận thua cay đắng trước người Myanmar. Hình ảnh cầu thủ U23 Việt Nam đổ gục xuống sân như ngất lịm vì không tin mình đã thua trong một trận đấu hoàn toàn trên cơ đối thủ, khiến những người Việt Nam có mặt trên sân Sports Hub chiều 13/6 như bị ám ảnh. Cái hình ảnh cứ liên tục tái hiện sau từng kỳ SEA Games ấy  càng khiến nỗi đau thêm nặng.

Chết lặng khi không tin vào sự thật, các cầu thủ Việt Nam òa khóc như những đứa trẻ. Họ tiến tới khu vực cổ động viên (CĐV) cũng đang khóc nức nở ở khán đài B, để cùng nhau chia sẻ nỗi buồn và gửi lời xin lỗi. Bữa ăn chiều hôm ấy, các cầu thủ không sao nuốt nổi. HLV Miura đã động viên từng học trò, nhưng tất cả cũng chỉ ăn lấy lệ. Thất bại dường như do chính các cầu thủ gây ra, nên ai cũng cảm thấy mình như một tội đồ.

Ngày thường tươi cười là vậy, nhưng chỉ sau 1 thất bại, tất cả như sụp đổ. Các cầu thủ bằng nhiều cách khác nhau, đều đã gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ, coi đó như  cách duy nhất giúp họ tìm thấy sự thanh thản sau cú sốc lớn. 

Tiền đạo Mạc Hồng Quân nghẹn ngào: “Tôi xin lỗi các CĐV đến sân và người hâm mộ ở quê nhà. Trong trận đấu đó tôi đã có nhiều cơ hội để ghi bàn thắng nhưng không làm được. Tuy nhiên, tôi khẳng định là anh em trong đội đều đã thi đấu hết khả năng, nhưng chúng ta không gặp may mắn”. Tiền đạo người Hải Dương muốn được lập công chuộc tội: “Ngày hôm nay tôi sai nhưng ngày mai tôi sẽ đứng dậy và chiến đấu vì Việt Nam”.

Với riêng HLV Miura, ông thầy người Nhật Bản đã đứng dậy ngay khi U23 Việt Nam thua trận. Ông tiến ra sân  kéo cầu thủ của mình đứng lên như những người đàn ông. Trong phòng họp báo, ông nhấn mạnh việc thất bại là đáng thất vọng, nhưng chúng ta phải biết chấp nhận sự thật để hướng tới phía trước với những điều tốt đẹp hơn.

Chiều qua, U23 Việt Nam vẫn ra sân tập bình thường. Thậm chí HLV Miura còn yêu cầu U23 Việt Nam được tập kín để các cầu thủ tập trung tối đa cho trận tranh HCĐ. Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó, không giành HCV như kỳ vọng, nhưng thầy trò HLV Miura không được phép đánh mất tinh thần thi đấu ở một trận đấu mà ý nghĩa và giá trị danh dự được đặt cao hơn tấm huy chương.

An Nhi (từ Singapore) 

Diệp Xưa
.
.
.