Kỳ SEA Games nhiều sức ép cho thể dục dụng cụ Việt Nam

Thứ Năm, 10/08/2017, 08:01
Một trong những lý do để lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam hy vọng sẽ xếp thứ ba toàn đoàn tại SEA Games 29 chính là do môn thể dục dụng cụ vẫn có trong chương trình thi đấu. Tuy vậy, không dễ để đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam lặp lại thành tích 9 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ như ở SEA Games 28 cách đây 2 năm.

Thấp thỏm với đội nữ

Từ trước đến nay, đội nữ luôn đóng vai trò chủ lực trong những chiến dịch “săn” huy chương vàng của thể dục dụng cụ Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Từ Đỗ Thị Ngân Thương rồi Phan Thị Hà Thanh, tất cả đều làm tốt vai trò đầu tàu.

Ở SEA Games 28, một mình Phan Thị Hà Thanh đã giành 3 HCV, 1 HCĐ cho đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam. Nhờ vậy, đội tuyển mới có một kỳ SEA Games thành công vang dội.

Khi ấy, nhiều chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á cũng e dè khi đề cập đến việc vượt qua thể dục dụng cụ Việt Nam ở đấu trường SEA Games, đội tuyển tỏ ra mạnh đều ở cả nội dung nam và nữ.

Vận động viên Lê Thanh Tùng đang được đặt nhiều kỳ vọng.

Riêng ở nội dung nữ, với một Phan Thị Hà Thanh đã đạt đến đẳng cấp thế giới, đội tuyển nữ thể dục dụng cụ Việt Nam vẫn đủ làm mưa làm gió ở đấu trường châu lục. Thế nhưng, năm 2016, cô gái đất Cảng nói lời chia tay với đội tuyển để theo nghiệp huấn luyện viên.

Đấy là điều không tránh khỏi khi Phan Thị Hà Thanh đã dồn cả tuổi thơ và tuổi thanh xuân cho những buổi tập luyện, những ngày thi đấu. Vinh quang đi kèm với những chấn thương liên miên, những cơn đau kéo dài. Cũng đến lúc, cô gái tài năng này phải dừng lại.

Vấn đề là sau Phan Thị Hà Thanh, thể dục dụng cụ nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được người có thể gánh vác được trọng trách giành HCV ở SEA Games. Thực tế, đội ngũ vận động viên kế thừa của thể dục dụng cụ nữ Việt Nam thiếu và yếu trong nhiều năm. Vì vậy, chỉ một sự ra đi của Phan Thị Hà Thanh đã để lại khoảng trống mênh mông.

Đến lúc này, chưa ai trong 5 tuyển thủ thể dục dụng cụ nữ Việt Nam tham dự SEA Games 29 (Nguyễn Thị Quỳnh Như, Long Thị Ngọc Huỳnh, Dương Thị Tố Liên, Bùi Nguyễn Hải Yến, Trương Khánh Vân) chứng tỏ có thể giành huy chương vàng. Vì thế, cuộc đấu ở SEA Games 29 sẽ mở ra cơ hội giành huy chương vàng cho nhiều đoàn chứ không hẳn chỉ là đoàn Việt Nam. Đương nhiên, đó là nỗi lo của thể dục dụng cụ nữ Việt Nam.

Đội nam liệu có tái lập kỳ tích?

Cũng tại SEA Games 28, đội thể dục dụng cụ nam Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh khi giành tới 6 HCV. Trong số này, tuyển thủ Đinh Phương Thành (đang thi đấu cho đội Hà Nội) đã lập kỳ tích khi trở thành vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng toàn năng (tổng điểm của 6 nội dung thi đấu) tại SEA Games. Năm ấy, Đinh Phương Thành cũng chính thức cho thấy thể dục dụng cụ nam Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm vào lớp kế thừa khi giành tới 4 HCV.

Ngoài ra, thể dục dụng cụ nam Việt Nam năm đó còn có Lê Thanh Tùng bộc lộ sẽ kế thừa xứng đáng lớp đàn anh Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh. Sự vươn lên của Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng ở đội nam khác hẳn đội nữ, cho thấy đội sẽ không bị gián đoạn thành tích ở đấu trường SEA Games khi những vận động viên lớn tuổi nghỉ thi đấu.

Lúc này, ở đội nam, vận động viên kỳ cựu Hoàng Cường nghỉ thi đấu lập tức có ngay Trần Đình Vương được trám vào với niềm tin sẽ kế thừa xứng đáng đàn anh. Phạm Phước Hưng vẫn tiếp tục thi đấu, là anh cả của đội. Còn Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng và vận động viên kỳ cựu Đặng Nam vẫn góp mặt.

Trong 2 năm từ sau SEA Games 28, Lê Thanh Tùng đã có những bước tiến vượt bậc về chuyên môn. Cách đây 3 tháng, Lê Thanh Tùng đã lên ngôi vô địch ở nội dung nhảy chống tại giải thể dục dụng cụ Châu Á tại Thái Lan. Trước đó, tuyển thủ này cũng giành ngôi vô địch nội dung nhảy chống ở Cúp thế giới tại Qatar.

Đến lúc này, sẽ không khó nếu muốn điểm tên chỉ mặt những vận động viên ở đội tuyển thể dục dụng cụ nam có thể giành HCV ở SEA Games 29. Đấy là điều đáng mừng cho thể dục dụng cụ Việt Nam khi hy vọng giành HCV SEA Games của cả đội tuyển thời kỳ “hậu Phan Thị Hà Thanh” đều dồn vào các tuyển thủ nam. Ở chiều ngược lại, đó lại là sức ép cho đội tuyển nam dù họ luôn thể hiện được đẳng cấp ở sân chơi Đông Nam Á.

Như huấn luyện viên trưởng Trương Tuấn Hiền chia sẻ: “Đây sẽ là kỳ SEA Games có nhiều sức ép cho các tuyển thủ nam. Tuy vậy, tôi tin là các cháu biết vượt qua sức ép để hoàn thành nhiệm vụ. Các cháu đã nỗ lực tập luyện trong những ngày qua nhưng chỉ khi vào cuộc mới biết khả năng giành huy chương vàng”.

Có một điều chắc chắn, dù các tuyển thủ nam thi đấu tốt đến mức tối đa thì cũng khó có thể giúp đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam giành chiến thắng vang dội như 2 năm trước, nhất là khi các tuyển thủ nữ vẫn chông chênh cơ hội giành HCV. Chỉ riêng việc đội tuyển nam tái lập thành tích giành 6 HCV như ở kỳ SEA Games trước đã là quá tốt. Thế nên, đội tuyển cũng chỉ đặt mục tiêu giành từ 6 đến 7 HCV ở SEA Games 29.


Kỳ SEA Games cuối của Phạm Phước Hưng

Phạm Phước Hưng, vận động viên kỳ cựu và là vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam đầu tiên hai lần liên tiếp giành quyền tham dự Olympic (2012, 2016) nội dung toàn năng đã thông báo rằng, SEA Games 29 sẽ là kỳ SEA Games cuối trong sự nghiệp thi đấu của anh. Trong sự nghiệp thi đấu, anh đã giành 6 HCV ở SEA Games. Tại SEA Games 28, Phạm Phước Hưng đã giành HCB toàn năng, sau Đinh Phương Thành.
Minh Hà
.
.
.