Yemen tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng

Thứ Ba, 05/05/2015, 08:49
Trong bối cảnh chiến dịch can thiệp tại Yemen, được phát động từ ngày 26/3, cho tới nay mới chỉ giới hạn ở các cuộc không kích và hứng chịu không ít chỉ trích, ngày 3/5, liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã triển khai bộ binh tới thành phố Aden ở miền Nam nhằm hỗ trợ quân đội nước chủ nhà đối phó với nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi. Cùng ngày, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng cáo buộc liên quân Arab đã sử dụng bom chùm sản xuất tại Mỹ khi không kích vào các vị trí của phiến quân Houthi.

Trong một tuyên bố ngày 3/5, HRW khẳng định có bằng chứng “đáng tin cậy” chỉ ra rằng lực lượng liên quân đã sử dụng những quả bom chùm bị cấm gần các làng ở tỉnh Saada, miền Bắc Yemen. Quan chức HRW Steve Goose cho biết: “Các cuộc không kích bằng bom chùm đã diễn ra tại các khu vực gần làng mạc địa phương, gây nguy cơ đe dọa dân thường”.

Phiến quân Houthi tại Yemen. Ảnh: Reuters.

Mặc dù khẳng định có bằng chứng về việc vũ khí cấm này được sử dụng, nhưng theo HRW, hiện chưa thể xác định được liệu có thương vong hay không. Cùng ngày, giao tranh vẫn diễn ra rất quyết liệt tại thành phố Aden. Lực lượng Houthi muốn giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố này nên đã liên tục mở các đợt tấn công và vấp phải sự đáp trả của lực lượng quân sự trung thành với Tổng thống Yemen.

Đụng độ diễn ra dữ dội nhất tại khu vực sân bay quốc tế của Aden. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành khác của Yemen như Taiz, hay thủ đô Sanaa cũng chứng kiến giao tranh khốc liệt.

Cũng trong ngày 3/5, một chỉ huy phiến quân Houthi xác nhận, một quan chức chính phủ và một chỉ huy phiến quân Houthi ở Yemen cho biết, số lượng lính bộ binh “hạn chế” thuộc liên minh do Saudi Arabia đứng đầu đã được triển khai tới thành phố lớn thứ hai Aden của nước này để hỗ trợ lực lượng trung thành với Tổng thống lưu vong Abdu Rabu Mansour Hadi.

Trước bối cảnh trên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ ngày càng quan ngại về chiến dịch can thiệp quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen cũng như về cách thức lập lại hòa bình tại quốc gia bị tàn phá do xung đột xuất phát từ tình trạng chia rẽ phe phái này.

Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết Nhà Trắng cũng quan ngại về về số dân thường thương vong sau một tháng triển khai chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Houthi. Thống kê mới nhất của Chính phủ Yemen cho biết hơn 1.000 người đã thiệt mạng, trong đó có 500 dân thường vô tội, và 3.000 người bị thương. Số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cho thấy, đã có ít nhất 115 trẻ em thiệt mạng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến có thể sẽ đến Saudi Arabia trong tuần này để thảo luận về vấn đề Yemen, đồng thời thăm dò những động thái mới nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ở Yemen. Ngoài ra, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ cũng nhằm khởi động các nỗ lực trung gian hòa giải giữa lực lượng phiến quân Houthi và chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Hadi.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian khẳng định, Tehran xem vấn đề an ninh của Yemen là lợi ích của khu vực cũng như của chính nước này, đồng thời nhấn mạnh Iran sẽ không cho phép bất kỳ thế lực nào đe dọa đến an ninh chung bằng những “cuộc phiêu lưu quân sự”.

Mặc dù tình hình giao tranh tại Yemen ngày càng leo thang căng thẳng, thì Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) lại không đạt được đồng thuận với dự thảo tuyên bố do Nga soạn, theo đó kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức hoặc một lệnh tạm ngừng không kích để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Phản ứng trước việc này, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng, LHQ đã “phản ứng chậm chạp” với dự thảo tuyên bố của Moskva.

Theo Đại sứ Churkin, các nước ủy viên HĐBA đang tiếp tục tham vấn với chính quyền nước họ về bản dự thảo tuyên bố trên, song ông nghi ngờ về khả năng đạt được nhất trí trong hội đồng về vấn đề này. Bạo lực leo thang tại Yemen còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Yemen. Hàng triệu người Yemen hiện không được tiếp cận đầy đủ các nguồn cung về điện, nước, thực phẩm cũng như các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu.

LHQ cho biết, khoảng 12 triệu người dân Yemen đang cần trợ giúp. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nhiên liệu còn cản trở các hoạt động của các tổ chức từ thiện tại Yemen.

Hôm 30/4 vừa qua, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cho biết họ đã buộc phải rút khỏi tỉnh Hudaydah ở phía Tây Yemen vì không còn nhiên liệu và có thể họ sẽ phải rút khỏi những nơi khác. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng từng cảnh báo rằng, vấn đề thiếu nhiên liệu cũng như hạn chế nhập khẩu hàng hóa đã khiến cho các bệnh viện gặp khó khăn trong hoạt động y tế của mình.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.