Ukraine liên tục 'nhận quà' từ phương Tây

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:36
Chỉ trong ngày 11/3, Ukraine liên tục nhận được nhiều tin tốt lành từ phương Tây, như việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phê duyệt khoản vay 17,5 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế, khoản vay 100 triệu USD không lãi suất từ Thụy Điển hay việc Mỹ chuẩn bị gửi viện trợ phi sát thương. Bên cạnh đó, phía Nga cho biết có thể nới lỏng các điều khoản trong hợp đồng cung cấp khí đốt cho Ukraine.

Theo thông báo của IMF, trong cuộc họp ngày 11/3, Ban giám đốc của tổ chức này đã thông qua kế hoạch cả gói trị giá 17,5 tỷ USD trong vòng 4 năm nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Ukraine.

Hãng tin Itar-Tass ngày 12/3 dẫn lời Phó Giám đốc điều hành thứ nhất IMF David Lipton cho biết, Kiev có thể ngay lập tức nhận 5 tỉ USD vào cuối tuần này và 5 tỉ nữa sẽ được chuyển giao vào cuối năm nay. Ngoài ra còn có 7,5 tỷ USD do các tổ chức tài chính quốc tế khác cho vay.

Theo ông Lipton, với các khoản tín dụng này, IMF hy vọng có thể giúp Ukraine giảm nhẹ được gánh nặng nợ 15,4 tỷ USD mà nước này đã và đang thương lượng với các chủ nợ. Tuy vậy, ông Lipton nêu rõ, IMF thừa nhận chương trình chống khủng hoảng mới cho Ukraine này chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là do cuộc xung đột đang diễn ra ở miền Đông nước này. Theo đó, những rủi ro này có thể ảnh hưởng tới những nỗ lực nhằm ổn định và tiến hành cải cách cơ cấu cần thiết để tiếp tục tăng trưởng kinh tế.

Việc Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine chứng tỏ Washington ngày càng can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng ở nước này. Ảnh: Sputnik News.

Phát biểu với báo giới sau khi thông qua khoản vay mới trên đây, một quan chức IMF cho biết, năm ngoái tổ chức tài chính này cũng đã phê chuẩn cho Ukraine vay tín dụng 17 tỷ USD trong hai năm, nhưng khoản tiền đó xem ra vẫn chưa đủ để giúp chính phủ Ukraine cải tổ nền kinh tế.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cảm ơn Chính phủ Thụy Điển vì khoản vay 100 triệu USD dành cho nền kinh tế khó khăn của Ukraine, một phần nhỏ trong gói viện trợ hàng tỷ USD mà nước này cần để tránh sụp đổ. Trả lời họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven đang ở thăm Kiev, ông Poroshenko cho biết: “Chính phủ Thụy Điển đã quyết định cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho Ukraine. Chính phủ Thụy Điển sẽ tự lo liệu lãi suất của khoản vay này”.

Các đối tác quốc tế của Ukraine dự kiến sẽ tập hợp một gói viện trợ có tổng trị giá 40 tỷ USD dành cho Ukraine trong vòng 4 năm, với nền tảng là khoản cứu trợ 17,5 tỷ USD của IMF trong 4 năm tới.

Tiếp sau IMF và Thụy Điển, ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê duyệt gói viện trợ phi sát thương bổ sung trị giá 75 triệu USD cho Ukraine. Bên cạnh đó, Kiev sẽ được nhận thêm 230 xe quân sự, thiết bị thông tin, các loại radar chống pháo, máy bay không người lái (UAV) Raven làm nhiệm vụ do thám, các thiết bị quan sát ban đêm và 30 xe bọc thép đa năng Humvee. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, một phần của gói viện trợ trên sẽ được chuyển đến Ukraine trong vài tuần tới, trong khi phần còn lại sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tại châu Âu, bà Victoria Nuland, trong vòng 14 tháng qua, Washington và các đồng minh NATO khác đã chi hơn 118 triệu USD viện trợ an ninh cho chính quyền Ukraine. Nhưng đến nay, khoản viện trợ này vẫn chủ yếu bao gồm các thiết bị không có khả năng sát thương.

Song song với quyết định viện trợ cho Ukraine, Mỹ cùng ngày đã có những bước đi nhằm siết chặt trừng phạt một ngân hàng của Nga và tám quan chức hàng đầu của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) ở Ukraine, với cáo buộc những người này vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk II đạt được hôm 12/2 vừa qua.

Cụ thể, Washington đã áp đặt trừng phạt Ngân hàng Thương mại quốc gia Nga (RNCB), ngân hàng đầu tiên mở chi nhánh tại Crimea sau khi vùng lãnh thổ này sáp nhập vào Nga hồi năm ngoái. Vào thời điểm đó, RNCB cũng đã bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách trừng phạt. Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng cáo buộc Nga tiếp tục đưa quân và vũ khí vào miền Đông Ukraine để hỗ trợ lực lượng đòi độc lập, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk mới đây.

Phản ứng trước động thái trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã chỉ trích những biện pháp trừng phạt “không thể lý giải nổi” mà Mỹ mới áp đặt nhằm vào Moskva. Thứ trưởng Ngoại giao Nga coi việc Mỹ liên tục cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine là hành động “đáng buồn và vô nghĩa”.

Ông nhấn mạnh, trong suốt thời gian qua, Nga chưa từng nhận được bằng chứng nào từ phía Mỹ cho thấy Moskva ủng hộ những người đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, đồng thời khẳng định Nga không bao giờ chịu khuất phục với kiểu khiêu khích chính trị này. RNCB cũng tuyên bố “các đòn trừng phạt trên sẽ không gây ra đe dọa nào đối với các hoạt động hiện nay” của ngân hàng này.

Một món quà khác dành cho Ukraine đến từ người bạn láng giềng. Hãng tin Reuters ngày 12/3 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Moskva có thể nới lỏng các điều khoản trong hợp đồng cung cấp khí đốt cho Ukraine với điều kiện Kiev phải thanh toán cả số khí đốt mà Nga bán cho khu vực miền Đông, bao gồm cả những nơi do lực lượng đối lập kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Novak, những nhượng bộ như giảm giá 100 USD cho mỗi 1.000m3 khí đốt và bỏ điều khoản “nhận trực tiếp hay trả lại” có thể được Nga chấp thuận cho dù hai bên chưa đạt được thỏa thuận mới sau khi Gói mùa đông hết hạn vào ngày 31/3. Theo đó, nếu giá khí đốt ở mức 330 USD/1.000m3 vào quý II/2015 thì mức giảm giá tối đa có thể là 100 USD, còn nếu giá thấp hơn, mức giảm sẽ không quá 30%.

Khổng Hà
.
.
.