Thế giới trước thách thức đoàn kết để vượt qua COVID-19

Thứ Ba, 26/10/2021, 09:46

Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới diễn ra tại thủ đô Berlin của Đức là nơi các nhà lãnh đạo quốc tế cùng quan chức y tế, kinh tế cấp cao tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác công bằng và chia sẻ nguồn lực đẩy lùi COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục tạo ra nhiều thách thức đối với toàn nhân loại.

“Đại dịch sẽ kết thúc chỉ khi thế giới chọn cách kết thúc. Khả năng đó nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có tất cả các công cụ cần thiết: y tế công cộng và kiến thức y học. Nhưng thế giới chưa sử dụng tốt những công cụ đó. Với gần 50.000 ca tử vong mỗi tuần, đại dịch còn lâu mới có thể kết thúc” – đây là lời cảnh báo gây chú ý được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới ngày 24/10 tại thủ đô Berlin của Đức, HindustanTimes đưa tin.

Thế giới trước thách thức đoàn kết để vượt qua COVID-19 -0
Dịch COVID-19 diễn biến xấu tại châu Phi do tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với phần còn lại của thế giới. Ảnh: WHO

Theo người đứng đầu WHO, mục tiêu của tổ chức y tế toàn cầu là có ít nhất 40% người dân ở mỗi quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm nay. Dù khó khăn, ông tin mục tiêu ấy “có thể đạt được” và đó cũng chính là câu hỏi được kì vọng có thể được giải đáp phần nào tại hội nghị năm nay, dự kiến kéo dài từ 24 đến hết ngày 26/10, quy tụ trên 6.000 quan chức, chuyên gia từ các lĩnh vực y tế, chính trị, kinh tế cùng 380 diễn giả từ khắp nơi trên thế giới qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

Dù đã được nêu lên nhiều lần tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng nhất, song vấn đề phân phối vaccine ngừa COVID-19 thiếu công bằng vẫn tiếp diễn. Thời gian qua, hàng triệu liều vaccine đã được các quốc gia giàu có chia sẻ với thế giới thông qua nhiều cơ chế, song chừng đó là chưa đủ để thế giới đẩy lùi dịch bệnh.

Số liệu của Our World in Data tính đến chiều 25/10 cho thấy, 37,4% người dân trên thế giới đã được chủng ngừa đầy đủ nhưng tỷ lệ này tại các châu lục và các quốc gia rất khác nhau. Một báo cáo cách đây ít ngày của WHO chỉ ra rằng, khoảng 75% tổng số vaccine được tiêm toàn cầu thuộc về các nước giàu, trong khi ở các nước kém phát triển châu Phi, trung bình mới chỉ khoảng 4% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Trong thông điệp của mình, người đứng đầu WHO kêu gọi các quốc gia đã đạt hạn ngạch tiêm chủng ít nhất 40% trong năm nay, gồm các nước nhóm G20, ưu tiên ủng hộ sáng kiến tiêm chủng COVAX của LHQ và sáng kiến mua vaccine của châu Phi (AVAT). Ông Ghebreyesus cảnh báo, không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới.

Theo ông, những tổn thất mà COVID-19 đã gây ra cho thấy rõ rằng, các quốc gia cần một cấu trúc y tế toàn cầu mạnh mẽ hơn và cam kết chính trị ở mức cao. Ông kêu gọi xây dựng một hiệp ước toàn cầu để ngăn chặn và ứng phó đại dịch.

Ủng hộ quan điểm trên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi thế giới phân phối vaccine hợp lý. Ông cảnh báo chủ nghĩa dân tộc về vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến tất cả thế giới rơi vào tình huống nguy hiểm. Ông nhận định, thế giới cần khoảng 8 tỷ USD dành cho công tác đảm bảo phân phối vaccine công bằng.

Bởi vậy, ông kì vọng các thành viên G20 ủng hộ mục tiêu này tại hội nghị sắp tới. Người đứng đầu cơ quan LHQ cũng nhấn mạnh, các quốc gia và các hãng dược lớn trên thế giới đều có trách nhiệm hoàn thành cam kết của mình trong chia sẻ vaccine, trao đổi công nghệ và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để nhiều nước khác có thể cùng sản xuất và phân phối công bằng.

Phát biểu từ trụ sở EC ở Brussels, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, đã thể hiện quyết tâm ủng hộ hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong nỗ lực chống COVID-19 khi cho rằng “các mối đe dọa sức khỏe không biên giới” phải được chống lại bằng cách “hợp tác, ứng phó xuyên biên giới”. Bà kêu gọi xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu về sẵn sàng ứng phó trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Trong khi đó, GS Heyo Kroemer, Giám đốc điều hành Bệnh viện Charité – nơi khởi nguồn của Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới (được tổ chức lần đầu năm 2009), cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo ông Kroemer, COVID-19 đã chứng minh sự cấp thiết của việc phối hợp và trao đổi kiến thức, chuyên môn một cách không bị cản trở.

Gần 2 năm từ thời điểm những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người, trong tổng số 244,5 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới, theo Worldometers.

Trước sự xuất hiện của những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh hơn, thậm chí nguy hiểm hơn, việc tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19 diện rộng càng sớm càng tốt được thừa nhận là giải pháp tốt nhất đưa thế giới vượt qua dịch bệnh, thay vì phụ thuộc vào các biện pháp phong toả, vốn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giới quan sát tin rằng, những giải pháp, đề nghị được nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới lần này sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh G20, khi các lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới nhóm họp tại Italy vào cuối tuần này, nơi họ được dự báo sẽ cùng nhau đưa ra một loạt cam kết cụ thể, hiệu quả, hướng tới thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19.

Thiện Minh
.
.
.