OPEC thiết lập liên minh để bình ổn giá dầu

Thứ Bảy, 06/06/2015, 10:41
Ngày 5/6, Bộ trưởng Dầu mỏ của các nước thành viên tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo để xem xét về mức trần sản lượng hiện nay. Nhiều khả năng, tổ chức này sẽ giữ nguyên sản lượng và thúc đẩy sớm việc thành lập liên minh để bình ổn giá dầu.

Theo tin từ hãng Bloomberg, từ cách đây một tuần, giá dầu trên thế giới đã có hiện tượng giảm. Và đến 4/6, tức một ngày trước khi hội nghị Bộ trưởng OPEC khai mạc, sản lượng dầu đã ở trong tình trạng dư cung. Nguyên do là vì sản lượng dầu của Mỹ và một số nước thành viên OPEC vẫn đang ở mức cao, cung vượt quá cầu.

Trong phiên giao dịch hôm 4/6, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 7/2015 ở sàn Nymex New York giảm 1,64 USD, tương đương 2,7% xuống còn 58 USD/thùng; giá dầu Brent trên sàn ICE Future Europe London giảm 1,77 USD, tương ứng 2,8% xuống ở mức 62,03 USD/thùng; giá xăng RBOB giao tháng 7 trên sàn Nymex giảm 6,47cent, tương ứng 3,2% xuống 1,9806 USD/gallon…

Giá dầu trên thế giới trước thềm Hội nghị Bộ trưởng OPEC đã có hiện tượng giảm. Canadian Press.

Những biến động này đang khiến các Bộ trưởng Dầu mỏ OPEC tính đến khả năng giữ nguyên mức sản lượng hiện nay. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangareh đưa ra trong khi trả lời phỏng vấn báo giới trước thềm cuộc họp. Ông Bijan Zangareh phân tích rằng: “Hạ hay tăng mức trần sản lượng dầu thô cần sự đồng thuận từ tất cả các thành viên OPEC… Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong bối cảnh hiện tại, khả năng trần sản lượng dầu thô thay đổi là rất khó xảy ra”.

Một số tờ báo khác thì cho hay, đã có nhiều Bộ trưởng Dầu mỏ các nước thành viên OPEC đề xuất việc cắt giảm sản lượng. Nhưng vào hồi tháng 11 năm ngoái, khi giá dầu thô ở mức đáy là 45 USD/thùng, OPEC đã từ chối cắt giảm sản lượng nhằm bảo vệ thị phần trước các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ.

Thậm chí, tổ chức này còn tuyên bố muốn đưa thị trường về lại điểm cân bằng với một mức giá ổn định bằng việc làm “ngập lụt” thị trường, ép giá dầu xuống thấp ở mức các nhà sản xuất chi phí cao phải “đắp chiếu”, từ đó làm giảm cung và cuối cùng đẩy giá đi lên. Vì thế, theo nhiều nhà phân tích, khả năng OPEC cắt giảm sản lượng khó có thể xảy ra. Ngược lại, việc tăng sản lượng cũng như vậy.

Hiện sản lượng đang ở mức cung vượt cầu và nếu tiếp tục gia tăng, OPEC có thể sẽ phải hứng chịu cơn bão giảm giá mới. Việc này từng được một số nước thành viên OPEC như Venezuela và Iran cảnh báo. Hơn nữa, giá dầu thấp kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho các thành viên ít giàu có hơn trong OPEC nên ngay cả quan chức các nước ủng hộ chính sách giảm sản lượng vẫn thừa nhận rằng, việc tăng sản lượng khó có thể xảy ra. Vì vậy, chỉ có thể là OPEC sẽ giữ nguyên mức sản lượng dầu bởi thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn đang được đánh giá là trong tình trạng tốt.

Bên cạnh việc thảo luận sản lượng và giá dầu, một vấn đề khác được cho là khá quan trọng và thu hút nhiều sự quan tâm của đại diện các nước thành viên OPEC chính là kế hoạch thiết lập liên minh. Kế hoạch này từng được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đưa ra cách đây vài tháng với lập luận rằng liên minh này nếu được thành lập sẽ giúp bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới vào nửa cuối năm 2015.

Trước khi hội nghị Bộ trưởng Dầu mỏ OPEC được tiến hành tại Vienna, ông Nicolas Maduro đã có cuộc gặp với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani để tìm kiếm sự ủng hộ xung quanh vấn đề này. Đồng thời, các quan chức của Venezuela cũng đã làm việc với đại diện của Iran, Arab Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Algeria, Nga và Bồ Đào Nha…

Giới quan sát thì nhận định, những nỗ lực của Venezuela trong thời gian qua nhằm thúc đẩy thành lập liên minh có thể sẽ thành hiện thực và các bên sẽ đạt được thỏa thuận về việc bình ổn giá dầu. Cũng phải nói thêm rằng, kể từ khi giá dầu trượt dốc hồi giữa năm ngoái, chính quyền Caracas đã thực hiện mọi nỗ lực củng cố OPEC và tìm mọi cách cân bằng thị trường. Nhiều tuần qua, Venezuela đã xuất khẩu dầu với giá 57 USD/thùng, tăng đáng kể so với mức 38 USD/thùng hồi đầu năm.

Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ, Canada lại đang hoạt động cầm chừng hoặc tạm hoãn nhiều dự án. Một số công ty khai khoáng còn giảm ngân sách 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Như ở Mỹ, số giàn khoan dầu giảm 60% kể từ tháng 10 năm ngoái và xuống đáy thấp nhất trong vòng 5 năm. Riêng trong tháng 5, hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng bắt đầu sa sút kéo theo hệ lụy trên sàn chứng khoán.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.