Italia tuyên chiến với 'mafia thủ đô'

Thứ Bảy, 13/06/2015, 10:28
Chiến dịch truy quét mafia ở thủ đô Rome và vùng Lazio của cảnh sát Italia đang làm rung chuyển chính trường nước này, nhất là khi có tới 40 người bị bắt giữ, thẩm vấn với một loạt cáo buộc rửa tiền, tham nhũng, nhận hối lộ. Nhiều đảng phái đối lập thậm chí còn đang yêu cầu Thị trưởng Rome Ignazio Marino, một thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền (PD) từ chức và bầu lại chính quyền thành phố.
400 triệu euro từ thế giới ngầm

Được thực hiện từ cuối năm 2014, đến nay, chỉ sau 6 tháng triển khai, chiến dịch chống mafia ở thủ đô Rome đang gặt hái thêm nhiều thành công. Riêng trong 10 ngày đầu của tháng 6, cảnh sát Italia đã bắt giữ 40 người và đưa vào danh sách điều tra hàng chục người khác với những cáo buộc rửa tiền, làm sai lệch các phiên đấu thầu, làm giả mạo các hóa đơn tài chính và câu kết với mafia, nâng tổng số người bị bắt giữ đến nay lên con số 150 người.

Theo tin từ hãng BBC, trong số 6 người mới bị bắt giữ hôm 9/6 có 4 chính trị gia địa phương. Những người này đều có liên quan mật thiết đến doanh nhân Fabrizio Amore, người đóng vai trò quan trọng trong đường dây “mafia thủ đô” (tên mà báo chí Italia đặt cho chiến dịch chống mafia lần này).

Sai phạm của họ nằm trong các công trình xây dựng lớn ở thủ đô Rome, do công ty của Fabrizio Amore trúng thầu. Một số bằng chứng mà các điều tra viên thu thập được cho thấy, nhờ vào mối quan hệ thân thiết và những khoản tiền lót tay lớn, Fabrizio Amore đã được các chính trị gia nói trên ủng hộ để giành phần thắng trong các gói thầu “ngon” như gói thầu trùng tu lại một phòng họp lớn ở tòa thị chính, xây dựng các tuyến đường lớn trong thành phố.

Điều đáng chú ý là đáng lẽ Fabrizio Amore không được tham gia thầu nhưng mọi hoạt động của doanh nhân này lại được núp sau một công ty bình phong có trụ sở tại Luxemburg…

Trong khi đó, tờ báo địa phương La Sicilia đưa tin rằng, các hoạt động lũng đoạn xã hội của “mafia thủ đô” không chỉ nằm trong lĩnh vực xây dựng, mà còn cả ở lĩnh vực nhập cư. Hôm 5-6, Thứ trưởng Bộ Chính sách nông nghiệp Italia cũng nằm trong danh sách những người bị Viện Công tố Cantania điều tra về những “hoạt động mờ ám” trong việc điều hành một cơ sở tiếp nhận người nhập cư ở Mineo.

Vị Thứ trưởng này được cho là đã nhận tiền hối lộ theo dạng “lương tháng” từ vài ngàn đến vài chục ngàn euro của trùm mafia Massimo Carminati – một thành viên khủng bố nổi tiếng của nhóm cực hữu NAR và băng đảng tội phạm Magliana, hoạt động rất mạnh trong những năm 1970 và 1980, kẻ bị cáo buộc là đã kiểm soát một số hoạt động của chính quyền Rome trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Một quan chức trong chính quyền địa phương ở Rome là Luca Grammazio cũng bị cáo buộc đã “phối hợp” với trùm mafia Massimo Carminati để chia chác các gói thầu xây dựng.

Tờ La Sicilia cũng khẳng định, các vụ tham nhũng này diễn ra từ năm 2008-2013, trong thời kỳ ông Gianni Alemanno làm Thị trưởng. Ông Gianni Alemanno đã bị bắt giữ hồi tháng 12 năm ngoái khi một số đối tượng mafia và kể cả ông trùm Carminati nhắc đến tên ông trong khi trả lời thẩm vấn của cơ quan điều tra. Trong vòng 5 năm đó, số tiền mà tổ chức mafia của ông trùm Massimo Carminati dành để hối lộ, mua chuộc quan chức chính quyền Rome vào khoảng 400 triệu euro.

Cựu Thị trưởng Rome Gianni Alemanno bị bắt và bị tịch thu tài sản vì liên quan đến “mafia thủ đô”.   Ảnh: Rex

 Cuộc đột kích lớn nhất lịch sử thủ đô

Có thể khẳng định, chiến dịch chống “mafia thủ đô” đang trở thành cuộc đột kích lớn nhất trong lịch sử Rome bởi những kẻ bị nhắm đến không chỉ là các trùm mafia, các doanh nhân tai tiếng, mà còn có rất nhiều chính trị gia nổi tiếng.

Ngoài những nhân vật đã được “điểm danh” ở trên, nhiều thành viên đảng cầm quyền PD của Thủ tướng Matteo Renzi và một số quan chức đương nhiệm trong Hội đồng nhân dân thành phố Rome cũng bị “nhúng chàm”. Một số người thậm chí đã phải từ chức và đang chờ đợi cảnh sát đến “hỏi thăm”. Trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Matteo Renzi đã gọi bê bối này là một điều đáng kinh tởm và khẳng định sẽ làm trong sạch nội bộ đảng cầm quyền PD.

Ông Matteo Renzi nói: “Tôi cảm thấy sốc khi nghe công tố viên Rome nói về những hoạt động của mafia tại Rome. Vụ việc đã gây chấn động đến các đảng phái chính trị và đặt ra những vấn đề cần suy xét sâu sắc”. Hôm 9/6, nhiều đảng phái chính trị đối lập ở Italia đã cùng nhau tổ chức biểu tình trước tòa thị chính Rome để đòi Thị trưởng Ignazio Marino từ chức và yêu cầu bầu cử lại chính quyền thành phố.

Trong nỗ lực nhằm thể hiện quyết tâm triệt tiêu tham nhũng của mình, giành lại niềm tin của dân chúng và uy tín trên chính trường của đảng cầm quyền, Thủ tướng Matteo Renzi đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano tăng cường thêm nhân lực và mở rộng cuộc điều tra này. Mới đây, ông Angelino Alfano đã cử thêm cảnh sát trưởng Rome Giuseppe Pecoraro làm người đứng đầu một ủy ban đặc biệt gồm nhiều chuyên gia cảnh sát để mở rộng cuộc điều tra nhằm vào các chính khách có liên quan với mafia.

Thêm vào đó, chiến dịch chống mafia lần này còn nhận được sự “trợ giúp” tích cực từ phía Quốc hội. Hôm 21/5, với 280 phiếu thuận và 53 phiếu chống, 11 phiếu trắng, Hạ viện Italia đã thông qua dự luật chống tham nhũng sửa đổi với việc tăng hình phạt dành cho những kẻ phạm tội và khôi phục lại tội danh giả mạo giấy tờ tài chính, cũng như câu kết với mafia trong các hoạt động kinh tế.

Một nguồn tin khác cho hay, hiện Viện Công tố Cantania đang thu thập thêm một số bằng chứng mới và xem xét liệu cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi có liên quan đến bê bối này không. Nguyên do là vì có ít nhất 2 chính khách đang bị bắt giữ là cựu Thị trưởng Rome Gianni Alemanno và cựu quan chức chính quyền Rome Luca Grammazio là đồng minh thân cận của ông Silivo Berlusconi.

Ông Luca Grammazio từng đứng đầu nhóm chính trị gia đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi trong chính quyền vùng Lazio, trong khi cựu Thị trưởng Gianni Alemanno đã giữ chức cựu Bộ trưởng Nông nghiệp khi ông Silvio Berlusconi còn tại vị.

Khánh Chi
.
.
.