EU chưa cần phải gia hạn lệnh trừng phạt Nga

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:00
Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Austria Sebastian Kurz đưa ra ngày 16/3. Theo ông, việc gia hạn các lệnh trừng phạt chống lại Nga của Liên minh châu Âu (EU) là một biện pháp không cần thiết. Ông nhắc lại rằng, các lệnh trừng phạt đó vẫn còn hiệu lực cho tới giữa mùa hè, do đó, “vẫn còn nhiều thời gian” để đi tới quyết định cuối cùng và quyết định này còn phụ thuộc vào diễn biến ở Ukraine.

Trước đó, theo hãng The Guardian của Anh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã thúc giục tiếp tục các chính sách trừng phạt chống lại Nga, coi đó là công cụ để đảm bảo việc tuân thủ các thỏa thuận Minsk về giải quyết tình hình ở miền Đông Ukraine.

Ông Tusk nói: “Nếu chúng ta muốn hỗ trợ các thỏa thuận Minsk, ít nhất chúng ta nên duy trì các biện pháp trừng phạt hiện nay”, và thêm rằng, “các thỏa thuận Minsk chỉ có ý nghĩa khi (các biện pháp trừng phạt Nga) có hiệu lực”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Bild (Đức) trước khi lên đường thăm Đức hôm 15/3, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định, các thỏa thuận Minsk về giải quyết xung đột ở miền Đông nước này không phát huy tác dụng, với việc phe đối lập liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn.

Ông Poroshenko nói: “Sự thực là thỏa thuận không có hiệu lực. Nó là hy vọng chứ không phải là thực tế đối với chúng tôi… Lực lượng đối lập đã hơn 1.100 lần vi phạm, với trung bình 60 cuộc nổ súng, tấn công diễn mỗi ngày”.

Tổng thống Ukraine đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục có biện pháp trừng phạt các bên không thực hiện cam kết đã ký.

“Cần tiếp tục đưa ra các lệnh cấm vận mới, duy trì lệnh cấm hiện hành đến ít nhất là cuối năm 2015”, ông Poroshenko nhấn mạnh, ám chỉ đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, EU nhằm vào Nga.

Đối ngược với quan điểm này, chỉ trước đó hai ngày, ông Poroshenko từng xác nhận về “sự giảm dần leo thang” trong cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và lực lượng ly khai, 1 tháng sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.

Ông Poroshenko nói: “Thực tế rằng chúng ta đã không có tổn thất về quân sự trong vài ngày qua… Đó là một dấu hiệu rõ ràng về sự giảm dần leo thang”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho rằng, chính quyền Kiev có một cơ hội “duy nhất” để chấm dứt xung đột và mang hoà bình trở lại khu vực miền Đông Nam Ukraine, ám chỉ thỏa thuận Minsk mới đạt được hồi tháng hai.

Theo ông Klimkin, “trong tình hình hiện tại, tất cả mọi người nên thực hiện mọi nỗ lực nhằm tiến gần tới hoà bình. Đầu tiên là thiết lập lệnh ngừng bắn. Sau đó, tất cả các loại vũ khí hạng nặng cần được di dời và việc này không nên được sử dụng như một lợi thế chiến thuật. Thứ 3, công tác giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng nên được thực hiện một cách trung thực nhất”.

Ông Klimkin cũng cho biết, ông đã đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cử lực lượng gìn giữ hoà bình đến miền Đông Nam Ukraine và một lời đề nghị chính thức sẽ được đưa ra bởi Tổng thống Porsohenko trong thời gian tới.

Về phần mình, Moskva kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc mà Kiev và phương Tây đưa ra. Lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine cũng tuyên bố Kiev không thực sự mong muốn tạo lập hòa bình, tiếp tục đổ tiền mua vũ khí giữa lúc thực thi thỏa thuận Minsk.

Những người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng Igor Plotnitski và Alexander Zakharchenko đã đề nghị Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel gây áp lực lên Chính phủ Ukraine bằng cách áp đặt trừng phạt các cá nhân và kinh tế.

Ngoài ra, họ cũng đề nghị Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đình chỉ viện trợ tài chính cho Chính phủ Ukraine do Kiev chưa dỡ bỏ lệnh phong tỏa kinh tế Donbass.

OSCE hiện vẫn chưa thể xác nhận các bên đã hoàn tất rút vũ khí khỏi đường giới tuyến hay chưa, do không được tiếp cận hiện trường cũng như số liệu cụ thể.

Nước Nga tiến hành kỷ niệm một năm sáp nhập Crimea

Ngày 18/3 đánh dấu kỷ niệm một năm ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, đã dẫn tới việc Cộng hòa Crimea sáp nhập trở lại với Nga, sau 60 năm nằm dưới sự quản lý của Ukraine.

Hãng tin BBC dẫn lời Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov ngày 16/3 khẳng định, bán đảo Crimea đã trở về với đất mẹ Nga lịch sử và sẽ không bao giờ là một phần của Ukraine nữa.

Theo Thủ tướng Sergei Aksyonov, việc Nga sáp nhập Crimea 1 năm về trước là một “hành động dân chủ”: “Tôi có thể nói rằng, không ai lấy đi bất cứ thứ gì cả”.

Ông Aksyonov nhấn mạnh thêm rằng, đây là lựa chọn của người dân Crimea. Không gì có thể xảy ra mà không có sự ủng hộ của người dân địa phương, trong khi đó không phải một hành động gây hấn, mà là một hành động dân chủ thực sự.

Theo nhà lãnh đạo Crimea, các nhà lãnh đạo phương Tây đã sai lầm và hiểu nhầm khi cho rằng Nga sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp. Ông Aksyonov cũng bảo vệ những hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Crimea.

Thủ tướng Crimea khẳng định: “Tôi cho rằng quyết định của ông Putin là đúng. Nó cũng không được đưa ra trước dịp năm mới, do đó không có ai can thiệp vào nội bộ chính trị của Ukraina. Nếu là tôi, tôi cũng đưa ra quyết định đúng như ông ấy đã làm”.
Khổng Hà
.
.
.