Đức giúp Mỹ theo dõi Pháp và Ủy ban châu Âu?

Thứ Bảy, 02/05/2015, 07:20
Các cơ quan tình báo bí mật của Mỹ đã sử dụng một cơ sở theo dõi của Cục Tình báo liên bang Đức (BND) ở Bad Aibling, bang Bayern để tiến hành giám sát các chính trị gia cấp cao châu Âu.

Ngày 1/5, một số tờ báo lớn của Đức gồm tờ Tấm gương (Der Spiegel), Nhật báo Nam Đức (Süddeutsche Zeitung) cùng các kênh truyền hình Bắc Đức (NDR) và Tây Đức (WDR) của Đức dẫn nguồn từ “những cuộc điều tra nội bộ của các cơ quan tình báo Đức và Bộ Ngoại giao” đồng loạt công bố thông tin: Các cơ quan tình báo bí mật của Mỹ đã sử dụng một cơ sở theo dõi của Cục Tình báo liên bang Đức (BND) ở Bad Aibling, bang Bayern để tiến hành giám sát các chính trị gia cấp cao châu Âu. 

Việc giám sát được tiến hành đối với cả đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, Điện Elysee, cũng như Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels. Vụ việc bê bối này hiện đang là chủ đề gây tranh cãi ở Đức cũng như bắt đầu gây ảnh hưởng tới quan hệ liên minh cầm quyền.

Cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra từ hôm 23/4, khi tờ Tấm gương tiết lộ rằng, BND chịu trách nhiệm do thám các chính trị gia và các doanh nghiệp tại Đức, rồi cung cấp những thông tin này cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Bên cạnh đó, NSA đã do thám các công ty châu Âu trong nhiều năm nhờ sự hỗ trợ của tình báo Đức bằng cách NSA cung cấp các số điện thoại và địa chỉ email để nhờ BND “theo dõi hộ”.

Tới ngày tiếp theo (24/4), Nhật báo Hình ảnh (Bild) tiếp tục công bố thông tin: BND đã cung cấp cho NSA “hàng trăm ngàn dữ liệu của các doanh nghiệp và tổ chức ở châu Âu mà họ đã theo dõi”, và cơ quan tình báo Đức còn “thường xuyên gửi kết quả” công việc cho đối tác phía Mỹ.

Radar tại cơ sở theo dõi của BND ở Bad Aibling, bang Bayern. Ảnh: EFE.

Theo Ủy ban điều tra NSA của Quốc hội Đức, dựa vào những gì mà “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ, có thể thấy rằng, NSA đã yêu cầu BND cung cấp khoảng 40.000 dữ liệu (bao gồm số điện thoại, địa chỉ IP máy chủ, email…) mà không có gì liên quan tới khủng bố. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian từ 2002-2013, BND đã tiếp nhận từ NSA số lượng “mục tiêu chọn lọc“ khổng lồ gồm 690.000 số điện thoại và 7,8 triệu địa chỉ IP.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Đức đã chọn giải pháp “nhắm mắt làm ngơ” trước hoạt động do thám của Mỹ để có thể tiếp tục hợp tác tình báo với NSA, nhất là trong nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố. Ít nhất hai tài liệu đã được BND chuyển tới Phủ Thủ tướng Đức năm 2008 và 2010 thông báo về việc do thám này của NSA, trong đó có việc theo dõi các số điện thoại, địa chỉ email tại Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ lớn nhất châu Âu (EADS) - công ty mẹ của Hãng chế tạo máy bay Airbus và công ty chế tạo máy bay trực thăng Eurocopter.

Dẫn nguồn từ Ủy ban điều tra NSA của Quốc hội Đức, tờ Hình ảnh cho biết, Phủ Thủ tướng Đức rõ ràng đã biết từ nhiều năm trước việc NSA tìm cách do thám kinh tế nhằm vào các công ty châu Âu từ năm 2008 với sự trợ giúp của chính nước Đức. Không thể có chuyện người phụ trách Phủ Thủ tướng không được thông tin về một vụ việc như vậy. Người đứng đầu Phủ Thủ tướng Đức thời điểm này là Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere, thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Bên cạnh truyền thông, các đảng cánh tả đối lập cũng đang tập trung đả kích ông Maiziere về giai đoạn ông làm Chánh văn phòng nội các (2005 - 2009) và chất vấn liệu ông Maiziere có biết việc BND giúp NSA do thám các công ty châu Âu hay không.

Phó Chủ tịch đoàn nghị sỹ đảng cánh tả Đức (Die Linke) trong Hạ viện, bà Sahra Wagenknecht yêu cầu ông Maiziere phải từ chức và cho rằng, ông đã “lừa dối“ Hạ viện, cũng như việc ông nhiều năm “không có phản ứng gì trước các hoạt động do thám của NSA tại Đức” là điều không thể chấp nhận. Hạ nghị sỹ Konstantin von Notz của đảng Xanh (Die Gruenen), thành viên trong Ủy ban điều tra NSA của Hạ viện Đức, cũng cho rằng những thông tin liên quan NSA mà chính phủ không báo cáo trước Quốc hội làm “xói mòn niềm tin vào hệ thống chính trị Đức”.

Trước bối cảnh trên, ngày 29/4, Bộ trưởng Maiziere đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc trên. Ông Maiziere nhấn mạnh trong những lần giải trình trước Hạ viện vừa qua, lần gần nhất là giữa tháng 4, Bộ Nội vụ Đức đã khẳng định không có bằng chứng cho thấy NSA muốn thông qua BND để tiến hành do thám kinh tế. Về những thông tin mà báo chí Đức đưa liên quan việc BND hỗ trợ NSA do thám nhiều mục tiêu ở Đức và châu Âu, ông Maiziere phủ nhận điều này và cho rằng đây là những thông tin sai sự thật bởi Chính phủ Đức không bao giờ tiết lộ hay trích dẫn cho báo chí những báo cáo thuộc diện văn bản bảo mật như vậy.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức cũng cho biết sẵn sàng giải trình trước Ủy ban Giám sát của Hạ viện liên bang “càng sớm, càng tốt”. Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cũng bác bỏ những chỉ trích của các đảng cánh tả đối lập. Theo ông Seibert, Chính phủ Đức luôn báo cáo chính xác những thông tin có được trước quốc hội.

Hồi giữa năm ngoái, BND đã bắt giam một điệp viên Đức 31 tuổi nhưng hoạt động cho CIA từ năm 2012. Vụ “điệp viên nhị trùng” này đã gây phản ứng mạnh từ phía Berlin. Cả Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ Đức đồng loạt lên tiếng yêu cầu đồng minh Washington phải làm sáng tỏ vấn đề một cách nhanh chóng. Đại sứ Mỹ tại Berlin còn bị triệu tập lên Bộ Ngoại giao để nghe chất vấn.

Theo tiết lộ của báo chí Đức thì gián điệp “nhị trùng” này là nhân viên của BND nhưng hoạt động cho CIA từ 2 năm nay. Để được nhận số tiền 25.000 USD, điệp viên Đức đã cung cấp cho tình báo Mỹ 200 tài liệu của Ủy ban Quốc hội Đức được thành lập để điều tra sau scandal NSA nghe lén giới lãnh đạo Đức trong ủy ban này, và đặc biệt hơn cả là điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel.       

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.