Đông Nam Á giải bài toán người tị nạn

Thứ Năm, 21/05/2015, 10:07
Trong cuộc họp diễn ra ngày 20/5 tại thành phố Patrajaya của Malaysia, Ngoại trưởng nước chủ nhà và hai người đồng cấp Thái Lan, Indonesia đã nhất trí thực thi các biện pháp tạm thời để đối phó với làn sóng di cư đang ồ ạt đổ về các nước này. Cùng ngày, Chính phủ Myanmar khẳng định, “chia sẻ sự quan tâm” đối với cuộc khủng hoảng người di cư tại Đông Nam Á và “sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo” cho bất cứ thuyền nhân nào trên biển.

Trong khi đó, tại châu Âu, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã lên tiếng cáo buộc phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng “phớt lờ” cuộc khủng hoảng người nhập cư đang trở thành vấn nạn của lục địa già, khi một số nước thành viên EU không tuân thủ cam kết tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch được phân bổ.

Những tín hiệu tích cực

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc đàm phán ngày 20/5, Malaysia và Indonesia đã nhất trí cung cấp “lều lán tạm thời” cho hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt trên biển với điều kiện những người này có thể được tái định cư hoặc cho hồi hương trong vòng một năm.

Người tị nạn xếp hàng tại một trại tị nạn tạm thời ở Kuala Langsa. Ảnh: EFE.

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi khẳng định: “Indonesia và Malaysia đã nhất trí tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho 7.000 người di cư trái phép vẫn đang lênh đênh trên biển. Chúng tôi cũng nhất trí cấp cho họ lều lán tạm thời miễn là tiến trình tái định cư và hồi hương sẽ được cộng đồng quốc tế thực hiện trong một năm”.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anifah còn cho biết: “Các cơ quan thực thi pháp luật của các nước liên quan sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo với nỗ lực đấu tranh chống nạn buôn người”. Ngoại trưởng Anifah hối thúc cộng đồng quốc tế duy trì trách nhiệm và khẩn trương chia sẻ gánh nặng về cung cấp những hỗ trợ cần thiết (đặc biệt là hỗ trợ tài chính) cho Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhằm giải quyết vấn đề.

Phát biểu trước thềm cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nêu rõ: “Người di cư không phải là vấn đề của một hay hai quốc gia mà là vấn đề của cả khu vực. Tình trạng này cũng diễn ra ở những nơi khác, đó thực sự là một vấn đề quốc tế”. Trong khi đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Myanmar khẳng định nước này đang có những nỗ lực nghiêm túc nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán người và nhập cư trái phép trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 19/5, với tuyên bố sẵn sàng “cưu mang” hàng nghìn người Hồi giáo tị nạn Rohingya và Bangladesh, Philippines, một trong những quốc gia ký kết công ước tị nạn của Liên hợp quốc (LHQ), đã trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người di cư Hồi giáo từ Myanmar và Bangladesh, trong cuộc khủng hoảng di cư trong vùng biển khu vực.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để cứu sống những người di cư trên biển Đông Nam Á, theo các cam kết lâu dài trong công ước của LHQ”. Nhận định về tuyên bố của Chính phủ Philippines, người phát ngôn Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) Joe Lowry cho biết: “Đó là một dấu hiệu đầy hy vọng. Chúng tôi mong rằng các chính phủ trong khu vực sẽ làm như vậy...”. Động thái của Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Myanmar được xem là những bước đột phát đầu tiên trong cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Đông Nam Á đang phải đối mặt.

Châu Âu tiếp tục phân cực

Cáo buộc các nước EU đang “phớt lờ” cuộc khủng hoảng người nhập cư đang trở thành vấn nạn của lục địa già, Thủ tướng Renzi nhấn mạnh: “Châu Âu không thể chỉ đơn giản nói rằng việc đó “nằm ngoài tầm nhìn, nằm ngoài tâm trí””.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất phân chia hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư cho các quốc gia thành viên nhằm chia sẻ gánh nặng trước làn sóng vượt biên từ hướng Bắc Phi tràn qua châu Âu theo tuyến Địa Trung Hải. Theo đó, 20.000 người tị nạn sẽ được “chia” cho các nước EU, theo tỉ lệ thuận với nền kinh tế, dân số và tỉ lệ thất nghiệp của quốc gia đó.

Cụ thể, Đức sẽ nhận 18,4%, Pháp 4%, Italy 11,8% và Tây Ban Nha 9%. Đức và Thụy Điển đã chấp nhận đề xuất này. Nhưng, Pháp cùng Tây Ban Nha đã theo bước Anh phản đối đề nghị của EU. Các nước này cho rằng, tị nạn là quyền được quy định theo tiêu chuẩn quốc tế và không thể áp đặt hạn ngạch số người được chấp nhận tị nạn, vì còn phụ thuộc vào việc người nhập cư có xin tị nạn hay không.

Thủ tướng Renzi nhấn mạnh, lập trường của các nước này có nguy cơ phá hoại toàn bộ chiến lược đối phó với làn sóng người nhập cư trong khu vực.

Ông Renzi cho biết, EU đã đồng ý quan điểm người nhập cư không phải là vấn nạn riêng của Italy và đã thông qua kế hoạch triển khai chiến dịch hải quân nhằm triệt phá các đường dây buôn người đang lôi kéo hàng nghìn người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu, vì vậy các nước thành viên nên chấp nhận áp đặt hệ thống hạn ngạch. Thủ tướng Italy kêu gọi các nước thành viên đạt được thỏa thuận về vấn đề này vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 25, 26/6.

Trong một động thái được cho là mạnh tay xử lý tình trạng nhập cư lậu từ hướng châu Phi, các Bộ trưởng EU đã quyết định triển khai sứ mệnh quân sự trên không và trên biển để triệt phá các đường dây buôn người đang lôi kéo hàng nghìn người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu, trong trường hợp xấu nhất có thể đánh chìm các con tàu của bọn buôn người. Kế hoạch trên có thể được triển khai sớm nhất vào ngày 25/6.

Trước quyết định này của EU, các bên liên quan khác như Libya đã bày tỏ quan ngại về động thái quân sự hóa vấn đề di dân, lo ngại trước khả năng tàu cá của ngư dân bị tấn công nhầm. Các tổ chức vận động bảo vệ quyền lợi cho người tị nạn cũng cảnh báo hành động bịt chặt lối thoát của người tị nạn từ Syria, Eritrea và Tây Phi có thể sẽ khiến nhiều người thiệt mạng.

Ngày 20/5, Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia cho biết, ngư dân nước này đã đưa hơn 426 người di cư, được cho là đến từ Myanmar, vào bờ biển ở tỉnh Aceh, Tây Bắc Indonesia. Quan chức Khairul Nova thuộc cơ quan trên cho biết nhóm 102 người di cư đầu tiên đã được đưa tới bờ biển của một ngôi làng ở huyện Đông Aceh lúc 2h (giờ địa phương). Sau đó vài giờ đồng hồ, nhóm thứ 2 đã được đưa tới một hải cảng ở khu vực Julok cũng thuộc huyện Đông Aceh. Đây là nhóm người di cư mới nhất được đưa vào bờ cùng với gần 1.400 người khác sau nhiều tuần lênh đênh trên biển Andaman với lượng thức ăn và nước uống không đầy đủ.
Khổng Hà (tổng hợp)

.
.