Đằng sau sự leo thang căng thẳng trong quan hệ EU – Nga

Thứ Hai, 15/06/2015, 08:15
Trái ngược với niềm lạc quan về triển vọng cải thiện quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Nga trong năm 2015 này, trong những ngày gần đây, giữa EU và Nga lại khởi phát đợt leo thang căng thẳng mới liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tan vỡ hy vọng mong manh cải thiện quan hệ EU-Nga

Xuất phát từ lợi ích của cả hai phía, bước sang năm 2015, cả Nga và EU đều hy vọng tái phục hồi kênh đối thoại hướng tới sự hợp tác và tránh một cuộc đối đầu leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương và không để tái diễn cuộc Chiến tranh lạnh mới. Niềm hy vọng mong manh đó được thể hiện ở Tuyên bố chung về Thỏa thuận Minsk-2 đạt được ngày 12/2/2015 giữa Pháp, Đức, EU và Nga, trong đó các bên cam kết sẽ “xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo chung từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng đầy đủ luật quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu”.

Cuộc “so găng” vẫn tiếp diễn giữa EU và Nga.

Vì thế, đầu năm 2015, quan hệ Nga-EU đã có tín hiệu ấm dần lên. Ngày 5/1/2015, trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh “France Inter”, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga và khẳng định rằng, Tổng thống Nga V. Putin chỉ muốn duy trì sự ảnh hưởng trong không gian hậu Xô-viết và ngăn cản Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm không cho quân đội nước ngoài (trừ các nước láng giềng) hiện diện ở gần biên giới Nga. Đây là yêu cầu rất chính đáng mà bất cứ quốc gia nào ở vào vị thế của nước Nga cũng phải hành động như vậy.

Hiện tại, đã có 7 nước EU ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng nhằm vào Nga, gồm Pháp, Áo, Hungari, Italia, Slovakia, Cộng hòa Sec và Cộng hòa Sip... 

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, cả EU và Nga rất cần hợp tác với nhau để hóa giải các thách thức từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan đang ngày càng gia tăng trên thế giới và ở châu lục. Nếu không có sự phối hợp này, châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát các cuộc xung đột mới và lòng tin của người dân đối với liên minh này sẽ ngày càng suy giảm.

Thế nhưng, hy vọng mong manh về sự cải thiện quan hệ EU-Nga được nhen nhóm sau Thỏa thuận Minsk-2 ký tháng 2/2015 đã tan biến do sự bùng phát giao tranh giữa Quân đội của Ukraine với lực lượng dân quân của Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm 2015 khai mạc ở CHLB Đức ngày 7/6/2015.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Ngay sau khi bùng phát giao tranh giữa Quân đội của Ukraine với lực lượng dân quân của DPR và LPR, hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm. Chính quyền Kiev cáo buộc Nga đã đưa quân vào Ukraine nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào. Theo các chuyên gia phân tích, có một cách xác định ai là bên chủ động vi phạm xuất phát từ câu hỏi: Sự vi phạm này có lợi cho ai? Rõ ràng, bên được lợi không phải là Nga, không phải là DPR hay LPR, cũng không phải là EU, bởi việc thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Minsk đem lại lợi ích cho họ. Còn bên được lợi là Mỹ và Ukraine và chỉ bên được lợi mới cố tính vi phạm.

Vậy, Mỹ và Ukraine được lợi gì khi vi phạm Thỏa thuận Minsk-2?

Mỹ có được ít nhất là 5 điều lợi vì khuyến khích chính quyền Kiev vi phạm Thỏa thuận Minsk-2. Đó là: (1) mượn cớ đó để cáo buộc Nga và  lôi kéo EU tiếp tục áp dụng các biện pháp cấm vận Nga trong bối cảnh liên minh này sắp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trong tháng 7/2015; (2) tiếp tục chia rẽ mối quan hệ EU-Nga đang có dấu hiệu cải thiện mong manh; (3) không chỉ làm suy yếu Nga mà còn gây khó khăn cho EU; (4) tiếp tục tô đậm hình ảnh “nguy cơ xâm lược từ Nga”, buộc EU phải núp bóng dưới ô an ninh của Mỹ; (5) tạo môi trường thuận lợi để Mỹ tiến hành và kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với EU theo điều kiện do Washington áp đặt. Trong những điều lợi này, thì điều (5) có tính chất bao trùm. 

Vì thế, theo nhận định của Sergey Mikhailov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, trong bối cảnh hiện nay, bất cứ sự vi phạm ngừng bắn nào ở miền Đông Ukraine đều bị Mỹ và phương Tây quy kết cho Nga, bất kể sự vi phạm đó xuất phát từ bên nào. Theo nhận định của ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu và các mối quan hệ quốc tế thuộc Đại học kinh tế Moskva, trong tương lai ngắn hạn, EU sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng chống lại Nga, còn Mỹ sẽ nỗ lực bằng mọi cách kéo dài chế độ trừng phạt vì nếu EU giảm bớt hoặc gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt thì đó sẽ là một đòn đánh nguy hiểm vào uy tín của Mỹ.

Còn Ukraine cố tình vi phạm Thỏa thuận Minsk-2 nhằm theo đuổi nhiều lợi ích. Một là, (1) mượn cớ đó để hoàn toàn đổ lỗi cho Nga gây ra tình trạng khủng hoảng kinh tế của Ukraine mà chính Kiev là thủ phạm, bởi trong thời điểm hiện tại quốc gia này đã đứng trước bờ vực phá sản; (2) tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ và các nước cung cấp tín dụng và hỗ trợ Ukraine để đối phó với “nguy cơ xâm lược từ Nga”.

Người Mỹ đã đạt được điều họ muốn

Giới phân tích nhận định, Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay thực chất là Diễn đàn G-1+6, trong đó G-1 là Mỹ đóng vai trò là “nhạc trưởng”, còn 6 thành viên còn lại chỉ là các “đối tác đàn em” đóng vai trò là “các nhạc công”. 

Trong Tuyên bố chung của G-7, ngoài những nội dung mang tính chất “khẩu hiệu” như cam kết tôn trọng các giá trị về tự do dân chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; thúc đẩy hoà bình và an ninh trên thế giới; hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran; bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng… là hai nội dung quan trọng nhất đáp ứng lợi ích của Mỹ. Đó là, (1) các nhà lãnh đạo G-7 thống nhất quan điểm tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga và (2) kêu gọi nhanh chóng kết thúc cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Thời gian qua, ở nhiều nước châu Âu nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ áp dụng các biện pháp cấm vận Nga. Lần này, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-7, có khoảng 34.000 người đã tuần hành qua các con đường của thành phố Munich của Đức đòi các nhà lãnh đạo G-7 hủy kế hoạch đàm phán ký kết TTIP giữa châu Âu và Mỹ. Theo nhận định của Giáo sư Michael Risch thuộc Đại học West Virginia University College of Law, sở dĩ bùng phát làn sóng phản đối TTIP là do thỏa thuận này chỉ phục vụ lợi ích của các tập đoàn tài phiệt Mỹ.

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.