Ý chí quyết chiến và lực lượng hùng hậu của quân đội Iran

Thứ Ba, 14/02/2012, 14:10
Theo như chính giới chức quốc phòng – an ninh Iran nhận định, sức mạnh quân sự của quốc gia Hồi giáo này vượt xa những nước khác trong khu vực là bởi quân đội của họ sở hữu cả hai yếu tố quan trọng nhất với một lực lượng vũ trang là ý chí chiến đấu và khả năng chịu đựng.
>>Hé lộ sức mạnh quân sự của Iran

Với những thành tựu quốc phòng nổi bật, Iran hiện được xếp là một trong 5 quốc gia trên thế giới có thể chế tạo các loại vũ khí tiên tiến bằng công nghệ trong nước. Tuy nhiên, theo như chính giới chức quốc phòng – an ninh Iran nhận định, sức mạnh quân sự của quốc gia Hồi giáo này vượt xa những nước khác trong khu vực là bởi quân đội của họ sở hữu cả hai yếu tố quan trọng nhất với một lực lượng vũ trang là ý chí chiến đấu và khả năng chịu đựng.

Tướng Seyed Reza Pardis, người đứng đầu lực lượng không quân Iran từng nói: "Không có một thế lực nào trên thế giới, thậm chí có sức mạnh hơn cả Anh hay Mỹ có thể tấn công Iran được, tất cả mọi lực lượng thuộc quân đội quốc gia đã sẵn sàng chống lại mọi loại kẻ thù”. Ban đầu, khi nghe những tuyên bố này, nhiều nước phương Tây và cả Mỹ còn cho rằng đây chỉ là những lời khoa trương. Sau này, khi các thông tin tình báo thu thập được khẳng định về sức mạnh quân sự của quốc gia Hồi giáo này, phương Tây và Mỹ mới bắt đầu e ngại nhiều hơn về mức độ “nguy hiểm” của Iran. Những cuộc thử nghiệm tên lửa thường xuyên được Iran thực hiện khiến Mỹ ngày đêm lo lắng và liên tục thúc đẩy việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu bất chấp sự phản đối gắt gao của Nga.

Trang web chuyên đánh giá sức mạnh quân sự của các nước trên thế giới Global Fire Power (GFP) thì xếp Iran vào vị trí 12 trong danh sách các cường quốc quân sự, ngay sau những nước có nền quân sự lớn mạnh như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ...

Adam Lowther, một nhà phân tích quân sự, chuyên viên của Đại học không quân Mỹ mới đây cũng đã nêu ra 7 lý do để các chính trị gia Mỹ né tránh việc không thông qua giải pháp quân sự cho vấn đề Iran trong đó khẳng định, Iran có tiềm lực quân sự hùng mạnh nhất mà Mỹ vấp phải từ trước đến nay; tình báo Iran là một trong những lực lượng giỏi nhất thế giới...

Và trong khi giới tình báo nước ngoài còn đang vất vả thu thập các thông tin cụ thể về những loại tên lửa đời mới được Iran phóng thử nghiệm trong vòng 2 năm trở lại đây thì tờ Atlantic lại tạo một cơn sốt mới khi hé lộ về những bài tập luyện để trở thành nữ sát thủ ninja của 3.500 phụ nữ Iran.

Dù không khẳng định rằng đội quân nữ sát thủ ninja này thuộc lực lượng vũ trang Iran, song tờ Atlantic lại cho biết, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, những nữ sát thủ ninja có thể được kêu gọi ra trận. Một nguồn tin từ quân đội Iran thì khẳng định, những bài tập luyện kiểu ninja cũng được đưa vào trong chương trình huấn luyện quân sự.

Lực lượng vũ trang Iran khá hùng hậu với biên chế khoảng 600.000 quân.

Các con số thống kê cho thấy, lực lượng vũ trang của Iran gồm quân đội Iran, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và cảnh sát Iran. Quân đội Iran có khoảng 420.000 người trong biên chế, chia thành 3 đơn vị: lục quân, hải quân và không quân. Lục quân Iran được trang bị 2.943 xe tăng, thiết giáp. Pháo binh có 3.196 khẩu pháo các loại, 42 bệ tên lửa đất đối không, 32 bệ tên lửa đất đối đất Scud-B và Scud-C, 500 tên lửa Shehab-1 và Shehab-2, 100 tên lửa Shehab-3, 75 hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển, 17 máy bay vận tải, 50 trực thăng vũ trang AH-1J Cobrra, 20 trực thăng CH-47, 25 trực thăng Mi-8 và 128 trực thăng đa năng...

Hải quân Iran thì gồm hai lữ đoàn với 18.000 quân. Lực lượng này chịu trách nhiệm bố trí hệ thống tên lửa C-802 dọc bờ biển, cùng với việc sử dụng ngư lôi có tốc độ trên 300km/h nhằm duy trì khả năng đánh trả có hiệu quả các hoạt động quân sự trên biển. Trong khi đó, 5 phi đội máy bay tiêm kích, 9 phi đội máy bay cường kích, 1 phi đội máy bay trinh sát, 1 phi đội máy bay trinh sát biển, 6 phi đội máy bay vận tải và 21 tiểu đoàn tên lửa đất đối không được đưa vào lực lượng không quân. Hiện không quân Iran được trang bị gần 300 máy bay chiến đấu. 

Trong khi đó, lực lượng IRGC có khoảng 125.000 người chia làm 5 nhánh: Hải quân của IRGC, không quân, lục quân; lực lượng Quds (hay còn gọi là lực lượng đặc nhiệm) và lực lượng dân quân tự vệ Basij. Lực lượng Basij (hoặc Baseej) là lực lượng tình nguyện bán vũ trang được điều hành bởi IRGC và có khoảng 90.000 người phục vụ chính thức, trên 300.000 là lính dự bị, thêm vào đó có khoảng 11 triệu nam và nữ có thể động viên bất cứ thời điểm nào. Lực lượng vũ trang của Iran là lực lượng có khả năng giữ được bí mật và có tính linh hoạt cao.

Khi được hỏi về các chiến thuật của Iran trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các quan chức quốc phòng nước này đều khẳng định: "Chiến thuật của chúng tôi phụ thuộc và thay đổi để phù hợp với đặc điểm của những đối thủ khác nhau trên chiến trường. Chúng thay đổi hàng ngày dựa trên quan điểm của các bên tham chiến và sự thay đổi của các loại vũ khí trên mặt trận chứ không có một phương án cố định".

Trong những năm gần đây, các báo cáo chính thức đáng được chú ý của Iran là việc phát triển của các loại vũ khí như Fajr-3 , Kowsar, Fateh-110, ngư lôi Hoot, hệ thống tên lửa Năm 2006, Iran cũng đã do thám phía trên của tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trong khoảng 25 phút mà không bị phát hiện trước khi trở về căn cứ một cách an toàn. Hiện Iran đã bắt đầu việc phát triển chương trình tên lửa ICBM/IRBM như Ghadr-110 có tầm bắn hơn 3.000km và phát triển bệ phóng vệ tinh IRIS.

Bên cạnh đó, Iran còn chế tạo thành công máy bay trực thăng Bell-205/206 theo thiết kế của Mỹ, nghiên cứu chế tạo máy bay trinh sát không người lái có tầm hoạt động xa, độ chính xác cao và thích ứng với mọi địa hình, thời tiết để trang bị cho IRGC và không quân để tăng cường khả năng kiểm soát biên giới.

Iran cũng đang dự định đưa vào chế tạo hàng loạt máy bay chiến đấu Tazarv và Saegheh để thay thế cho số máy bay F-4/5/14 đã cũ và thiếu phụ tùng thay thế

Trung Nguyên (Tổng hợp)
.
.
.