Xét xử 4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ: Phải tôn trọng sự thật lịch sử

Thứ Hai, 27/06/2011, 10:06
Mặc dù Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) do Liên Hợp Quốc bảo trợ khai đình xét xử 4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ hôm 27/6, nhưng phiên toà này dự kiến sẽ diễn biến phức tạp bởi có sự khác biệt lớn so với phiên xét xử Kaing Guek Eav, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, cựu Giám đốc nhà tù khét tiếng S-21 (Tuol Sleng), người có biệt danh Duch cách đây không lâu.

Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 phiên toà nằm ở chỗ - trong khi Duch thừa nhận và sám hối trước những tội ác đã gây ra thì nguyên Phó Chủ tịch đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nuon Chea, nguyên Chủ tịch nước Khieu Samphan, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ieng Sary và nguyên Bộ trưởng các vấn đề xã hội Ieng Thirith đều phủ nhận tất cả những cáo buộc chống lại họ.

4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ đang phải đối mặt với nhiều tội danh như diệt chủng, phạm tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh… Chính sự khác biệt này nên phiên tòa khai đình hôm thứ hai có thể sẽ kéo dài trong vài năm.

Theo dự kiến, trong 4 ngày cuối tháng 6 (từ 27 đến 30/6), toà sẽ tập trung vào việc hoàn thành danh sách nhân chứng cùng những hoạt động hữu quan. Và phải tới tháng 8, bốn cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ mới đưa ra đầy đủ lời khai. Sau đó mới tới phần biện hộ và phải mất nhiều năm tranh tụng toà mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng.

Ngoài việc 4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ phủ nhận mọi cáo trạng, phiên toà còn phải điều tra nhiều nạn nhân hơn, nhiều địa điểm gây tội ác hơn. Vì những nguyên nhân kể trên nên giới chuyên môn cho rằng, sẽ có người không thể hầu toà tới phút cuối bởi sức khỏe của các bị cáo: Nuon Chea 85 tuổi, Khieu Samphan 80 tuổi, Ieng Sary 86 tuổi và Ieng Thirith 79 tuổi.

4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ.

Có lẽ thấy trước được những phức tạp của phiên toà xét xử 4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ nên công tố viên quốc tế Andrew Cayley đã khẳng định, chưa từng có một vụ nào lớn và phức tạp như vậy kể từ khi toà án Nuremberg xét xử các tội phạm Đức quốc xã sau đại chiến thế giới lần thứ II.

Anne Heindel, cố vấn pháp lý của Trung tâm tư liệu Campuchia, chuyên nghiên cứu về tội ác Khmer Đỏ cho biết, những cựu lãnh đạo này đều không nhận tội và họ sẽ giữ nguyên quan điểm, đồng thời từ chối hợp tác. Nhưng bà Theary Seng, Chủ tịch Trung tâm Công lý và Hòa giải vẫn cho rằng, việc khai đình xét xử là dấu hiệu cho công chúng biết ECCC vẫn tồn tại và hoạt động. Ngoài ra, phiên toà xét xử lần này còn gặp một số trở ngại khác.

Sau khi bị chỉ trích, mới đây Liên Hợp Quốc đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng, tổ chức quốc tế này đã chỉ đạo và can thiệp vào công việc của các nhân viên điều tra và thẩm phán của ECCC ở Campuchia. Trước đó đã xuất hiện mâu thuẫn giữa thẩm phán và công tố viên ECCC.

Ngày 17/2, ECCC đã từ chối đề nghị trả tự do cho Nuon Chea, Khieu Samphan và Ieng Thirith vì không muốn những người này đào tẩu. Được biết, 31/1/2011 là thời khắc đầu tiên Nuon Chea, Khieu Samphan và Ieng Thirith cùng xuất hiện trước tòa và các luật sư đã yêu cầu trả tự do cho những người này bởi họ cao tuổi, nhưng không được chấp thuận.

Nhiều sử gia đã phải thốt lên rằng, Khmer Đỏ đã thực thi một trong những chế độ quái gở nhất, đồng thời tiến hành những hành động ghê tởm nhất trong lịch sử hiện đại. Mặc dù nắm quyền chưa đầy 4 năm (từ 17/4/1975 đến 7/1/1979), nhưng Khmer Đỏ đã thực hiện một chế độ không trường học, bệnh viện, nhà máy, ngân hàng, tiền tệ, tôn giáo, tài sản tư và đã gây nên cái chết của khoảng 2 triệu người.

Theo tài liệu của ECCC, từ 1,7 đến 2,2 triệu người đã thiệt mạng do bị giết, bỏ đói hoặc do lao động khổ sai dưới chế độ Khmer Đỏ. Thủ tướng Campuchia Hunsen từng đánh giá cao bản án mà ECCC dành cho Duch (4-8-2010) và đó là tuyên bố chính thức đầu tiên của ông kể từ khi ECCC đưa ra lời phán quyết (35 năm tù) đối với Duch. Thủ tướng Hunsen từng tuyên bố "Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết".

Khi đi thăm Viện Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở PhnomPenh (28/10/2010), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã tuyên bố, việc kết tội Duch là dấu mốc trong hành trình Campuchia tiến tới công lý, đồng thời khẳng định, phiên tòa xét xử Khmer Đỏ đóng một vai trò cấp thiết trong việc mưu tìm công lý cho các nạn nhân dưới chế độ cũ và không thể có sự miễn trừ cho tội ác - tội ác chống lại nhân loại sẽ phải bị trừng trị.

Theo giới truyền thông, Nuon Chea (còn gọi là Long Bunruot hay Lau Ben Kon) sinh ra trong một gia đình người Campuchia gốc Trung Quốc ở làng Voat Kor, tỉnh Battambang. Mặc dù theo học tại trường Đại học Thammasat ở Bangkok, Thái Lan, nhưng Nuon Chea lại là nhà tư tưởng chính của chế độ Khmer Đỏ. Vì là người đứng sau Pol Pot nên Nuon Chea được mọi người gọi là "Anh hai".

Hơn 19 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, ngày 29/12/1998, Nuon Chea mới đầu hàng Chính phủ Campuchia và sống khá tự do nhiều năm tại tư dinh ở Pailin. Ngày 19/9/2007, Nuon Chea bị bắt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người. Khieu Samphan được coi là nhân vật thứ 5 trong Ban lãnh đạo Khmer Đỏ trước đây, đứng sau Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary và Ta Mok.

Từng du học tại Pháp, lấy bằng Tiến sỹ Kinh tế và từng làm Bộ trưởng trong Chính phủ của Quốc vương Sihanouk, nhưng Khieu Samphan vẫn theo Pol Pot. Và phải 19 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Khieu Samphan mới đầu hàng chính phủ (1979-1998), rồi về sống tại tư dinh ở Pailin.

Mãi tới ngày 19/11/2007, Khieu Samphan mới bị bắt, nhưng ông ta luôn coi mình là "tù nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot". Mặc dù từng bị Toà án nhân dân Campuchia kết án tử hình vắng mặt năm 1979, nhưng Ieng Sary vẫn được tự do sau khi đầu hàng chính phủ năm 1996.

Ngày 12/11/2007, Ieng Sary bị bắt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Còn Ieng Thirith, vợ của Ieng Sary được mệnh danh là người đàn bà quyền lực nhất Khmer Đỏ

Chí Thiện (tổng hợp)
.
.
.