Kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5:

Xây dựng “mối quan hệ kiểu mới” trên những bất đồng

Thứ Hai, 15/07/2013, 09:41
Sau khi kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc lần thứ 5, Washington và Bắc Kinh đã nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tạo thuận lợi cho việc liên lạc gần gũi hơn giữa lãnh đạo hai nước, đồng thời nhất trí tìm kiếm sự tiếp xúc mật thiết hơn giữa quân đội hai nước nhằm ngăn chặn nảy sinh các vụ việc liên quan đến quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
>> Chủ yếu là vấn đề an ninh mạng

Tổng thống Barack Obama đã có cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sau khi kết thúc cuộc đối thoại kể trên. Giới bình luận coi Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5 là “khúc dạo đầu” để Washington và Bắc Kinh cùng nhau xây dựng “mối quan hệ kiểu mới”.

Sáng 12/7 (theo giờ Việt Nam), Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5 đã kết thúc tại Washington DC. Tham gia đối thoại lần này về phía Trung Quốc có 16 bộ ngành, còn về phía Mỹ có đại diện của 14 cơ quan như Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, An ninh Nội địa, Tư pháp, Tài chính, Thương mại…

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng chủ trì đối thoại chiến lược, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đồng chủ trì đối thoại kinh tế. Phát biểu khi kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5, ông Dương Khiết Trì cho rằng, việc xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ-Trung là một “nhiệm vụ lịch sử” và mô hình này trước hết cần được phát triển trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau - tôn trọng sự khác biệt giữa 2 bên, hợp tác cùng có lợi.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Được biết, quan chức Mỹ-Trung đã thảo luận sâu rộng về các biện pháp xúc tiến xây dựng mô hình quan hệ kiểu mới giữa 2 nước, cũng như tăng cường lòng tin chiến lược, thúc đẩy sự tương tác tại châu Á-Thái Bình Dương và mở rộng hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng. Giới phân tích cho rằng, những thỏa thuận đạt được tại Đối thoại chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5 là phương thức nhằm hiện thực hóa mô hình đối tác kiểu mới mà Mỹ-Trung đang muốn xây dựng.

Kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tếMỹ-Trung lần thứ 5, hai nước đã đạt được một số kết quả như đưa vào hoạt động Nhóm công tác chung về an ninh mạng và Nhóm công tác chung về môi trường.

Tại phiên bế mạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5 chỉ thảo luận dựa trên các thỏa thuận đạt được giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 ở bang California. Về kinh tế, 2 bên đã thảo luận những thách thức hiện nay và các biện pháp giải quyết cụ thể, cũng như tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới.

Hai bên nhất trí đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất một hiệp định như vậy với một quốc gia khác. Trung Quốc cho rằng, đầu tư là lĩnh vực quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, do vậy hai nước cần có những “tư duy cải cách” về đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns nhấn mạnh, là những cường quốc đang tìm kiếm mô hình quan hệ mới, Mỹ-Trung có trách nhiệm kiềm chế các hành động của mình và tuân thủ các quy tắc được đặt ra để giải quyết các vấn đề quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề tấn công mạng, cũng như duy trì tự do hàng hải, thương mại hợp pháp, luật quốc tế về biển và các tuyến đường thuỷ có tính chất sống còn tại châu Á-Thái Bình Dương. Việc tuân thủ các quy tắc toàn cầu sẽ góp phần hạn chế bất ổn, đảm bảo an ninh thế giới và tăng trưởng kinh tế ổn định. Washington từng tuyên bố, tấn công mạng có thể gây ra hậu quả thảm khốc như một trận “Trân Châu cảng” trên mạng đối với nước Mỹ.

Theo tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, Mỹ đã xâm nhập hệ thống máy tính ở Trung Quốc để thu thập thông tin từ hàng triệu tin nhắn qua điện thoại di động. Bên cạnh an ninh mạng, thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc cũng là một “điểm nóng” trong quan hệ giữa hai nước. Thâm hụt buôn bán của Mỹ với Trung Quốc từ đầu năm tới nay vẫn tiếp tục tăng cao, tăng 3% so với cùng kỳ 2012.

Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng, Đối thoại chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5 đạt kết quả mờ nhạt. Tờ Washington Post nhận định, ông Dương Khiết Trì đã tìm cách giảm nhẹ những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington khi cho rằng, Trung-Mỹ thừa khôn ngoan để có thể xử lý những khác biệt ý kiến và những xích mích.

Nhưng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng tiếp tục bảo vệ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ sau khi Tổng thống Barack Obama cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng vũ lực hoặc đe dọa trong tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Kể từ năm 2010, Mỹ đã nhiều lần thẳng thắn bày tỏ quan điểm về vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông bởi Washington có lợi ích tại đây và Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã so sánh Bắc Kinh và Washington giống như “một cặp vợ chồng son, cần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau” và đây không phải là hôn nhân đồng tính và 2 nước không nên ly dị theo kiểu ồn ào giữa tỉ phú Rupert Murdoch với người vợ gốc Trung Quốc Wendi Deng (Đặng Văn Địch). Ông Uông Dương cũng cho rằng, giữa 2 nước đối thoại luôn tốt hơn đối kháng, cãi nhau tốt hơn là đánh nhau.

Cũng có nhận định cho rằng, sau 5 năm (từ 2009), Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung đã có sự đổi chiều, từ chỗ ở “thế trên về kinh tế và thế dưới về an ninh mạng”, giờ đây Bắc Kinh đang hoán đổi vị thế này cho Washington. Giới phân tích nhận định, dù thế nào thì quan hệ Mỹ-Trung cũng vẫn là mối quan hệ vừa là đối tác, vừa là đối thủ, không có lòng tin tuyệt đối, chỉ có lợi ích là trên hết.

Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từng cho rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương không tương xứng với các mối đe dọa an ninh trong khu vực. Ngoài ra, ông Thôi Thiên Khải cũng nhấn mạnh, Mỹ không nên phản ứng thái quá với mối đe dọa và việc tăng cường các liên minh quân sự ở châu Á không hoàn toàn tương ứng với các mối đe dọa thực sự sẽ khiến dư luận trong khu vực có lý do để nghi ngờ ý định thực sự của Washington.

Đại sứ Thôi Thiên Khải còn cho biết, cần có một cái đầu lạnh để đánh giá kết quả của Đối thoại chiến lược, kinh tế Mỹ-Trung lần này vì một cuộc gặp thượng đỉnh chưa thể bảo đảm cho quan hệ song phương phát triển suôn sẻ

Tuệ Sỹ
.
.
.