"Vũ khí đặc sắc" của quân đội Nga

Thứ Sáu, 13/01/2012, 15:10
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự quốc tế, Nga luôn đi đầu trong việc chế tạo, sản xuất tàu ngầm hạt nhân. Kể cả Mỹ, quốc gia vốn nổi tiếng “chịu chi” trong lĩnh vực quốc phòng cũng phải chịu thua Nga về việc cho ra đời những “con báo biển” lợi hại.

Vụ cháy tàu ngầm hạt nhân Yekaterinburg tạo nên những cột khói bốc cao tới 10m ở cảng Roslyakovo thuộc vùng Murmansk, phía Tây Bắc nước Nga đêm 29/12/2011 đã dấy lên những lo ngại mới về sự an toàn của các tàu ngầm hạt nhân có từ thời chiến tranh lạnh. Thêm vào đó, cuộc chạy đua sản xuất các loại tàu ngầm hiện đại cũng đang trở thành vấn đề gây nhức nhối dư luận trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc tranh chấp và đụng độ trên biển. Bởi vậy, thế giới của các loại tàu ngầm nguyên tử này cũng muôn hình vạn dạng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự quốc tế, Nga luôn đi đầu trong việc chế tạo, sản xuất tàu ngầm hạt nhân. Kể cả Mỹ, quốc gia vốn nổi tiếng “chịu chi” trong lĩnh vực quốc phòng cũng phải chịu thua Nga về việc cho ra đời những “con báo biển” lợi hại. Tính đến cuối năm 2011, Nga đã có 248 tàu ngầm hạt nhân hoạt động nhờ vào 468 lò phản ứng hạt nhân khác nhau. Chỉ tính riêng từ năm 1990 khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, hơn 400 tàu ngầm hạt nhân của Nga đã được sản xuất và 300 tàu trong số đó vẫn có thể hoạt động được. Quân đội Nga dự tính sẽ tiếp tục sản xuất từ 200-250 tàu ngầm và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012. Đến thời điểm đó, việc giao tàu ngầm hạt nhân tấn công đa mục tiêu lớp Graney đầu tiên Severodvinsk cho hải quân Nga cũng được tiến hành.

Ông Andrei Dyachkov - Tổng giám đốc xưởng đóng tàu Sevmash cho biết, các cuộc thử nghiệm cho siêu tàu ngầm mới này phải kéo dài ít nhất 6 tháng trong năm 2012. Trong các kỳ thử nghiệm trước, con tàu hoạt động khá tốt nhưng các kỹ sư muốn kiểm tra lại phần bệ phóng các loại tên lửa tầm xa khác nhau (khoảng 5.000km cho tới hơn 8.000km), với các đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân, và kết hợp hiệu quả với các tàu ngầm, các tàu chiến trên mặt biển và các mục tiêu trên mặt đất.

Theo thiết kế, vũ khí trên tàu bao gồm 24 tên lửa và 8 ngư lôi, cùng với mìn và các tên lửa chống tàu. Tin từ Ria Novosti cho hay, chi phí sản xuất cho tàu ngầm Severodvinsk quá lớn (khoảng 1 tỷ USD) nên Nga không thể sản xuất hàng loạt. Thay vào đó, Nga sẽ thay thế bằng một phiên bản tương tự với tên gọi Kazan. Tàu này sẽ có nhiều trang thiết bị và vũ khí tối tân hơn tàu Severodvinsk và có thể được coi là tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Graney-M được hiện đại hóa với khả năng phóng một loạt tên lửa hành trình tầm xa lên tới 5.000km và đem theo đầu đạn hạt nhân. Tàu Kazan cũng được trang bị khả năng giao chiến với tàu ngầm, tàu chiến và cả các mục tiêu trên cạn.

Ảnh trên: Tàu ngầm hạt nhân tấn công đa mục tiêu lớp Graney đầu tiên Severodvinsk của Nga.
Ảnh dưới: Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga.

Ngoài tàu ngầm lớp Graney, Bộ Quốc phòng Nga còn ký một bản hợp đồng với Liên minh đóng tàu Nga về việc xây dựng các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei-A được hiện đại hóa bao gồm các thay đổi về mặt cấu trúc chính và lắp đặt thêm 4 bệ phóng tên lửa. Bốn con tàu thế hệ Borei dài 170m với đường kính thân 13m và mang theo 16 tên lửa đạn đạo... sẽ hợp thành một hạm đội tàu ngầm chiến lược hiện đại của Nga. Nga cũng đang lên kế hoạch trang bị thêm 8 tàu ngầm lớp Borei và Borei-A vào năm 2020.

Từ năm 2007, thế hệ tàu ngầm Borei đã được dùng để thay thế tàu ngầm lớp Akura. Dù vậy, hiện trong biên chế, hải quân Nga vẫn đang sở hữu hai tàu ngầm nguyên tử lớp Akula là Arkhangelsk và Severstal. Ngoài ra, tàu ngầm Dmitry Donskoy cũng thuộc lớp này, nhưng lại không được tính vào biên chế hải quân Nga. Đây là loại tàu ngầm lớn nhất từng được sản xuất trên thế giới. Nó đã được hải quân Liên Xô (cũ) triển khai lần đầu vào năm 1986 và có thể hoạt động liên tục 180 ngày dưới biển.

Với thiết kế đa thân, 5 thân nằm bên trong thân chính, tàu có 19 khoang bao gồm một khoang module được gia cố chắc chắn chứa phòng điều khiển chính và khoang thiết bị điện tử nằm ở phía trên các thân tàu, phía sau các bệ phóng tên lửa. Thiết kế của tàu cho phép di chuyển dưới băng và phá băng hoặc có thể lặn sâu tối đa 400m, tốc độ đạt 12 hải lý khi nổi và 25 hải lý khi lặn. Akula được trang bị 20 tên lửa đạn đạo, mỗi tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân. Số vũ khí này có thể tấn công đồng thời 200 mục tiêu lớn trên mặt đất với tổng diện tích 7.000km2 ở khoảng cách 10.000km.

Bên cạnh đó, Akula còn có 6 bệ phóng ngư lôi, hai cánh tay RPK-2 chứa tên lửa SS-N-15 hoặc ngư lôi Type 53, và bốn bệ phóng RPK-7 dùng để phóng tên lửa SS-N-16 hoặc ngư lôi Type 65 hoặc mìn. Nét nổi bật của Akula còn nằm ở áp lực thân tàu phức tạp bên trong được thiết kế đơn giản trong khi thân tàu rộng hơn nhiều so với những tàu ngầm bình thường. Phần chính yếu của thân tàu, ở lớp Delta áp lực thân tàu nằm song song với nhau và có áp lực thân nhỏ hơn đỉnh áp lực (xuất hiện ở chỗ lồi ngay dưới thân tàu), hai áp lực thân khác tại bệ phóng ngư lôi và tại chỗ lắp thiết bị lái. Điều này cũng làm tăng khả năng sống sót - khi thân tàu bị thủng do đạn, thuỷ thủ đoàn có thể ở một nơi an toàn ít khả năng bị ngập nước. 

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các tàu ngầm hạt nhân lớp Delta thuộc dự án GG7B được hình thành như là xương sống của các hạm đội tàu ngầm chiến lược của Liên Xô (cũ) và Nga kể từ khi được giới thiệu vào năm 1973. Chúng gồm các lớp Delta I, Delta II, Delta III, Delta IV mang các tên lửa đạn đạo hạt nhân nhóm R-29 Vysota. Lớp Delta I có thể mang 12 tên lửa, Delta II mở rộng có thể mang 16 tên lửa; Delta III và Delta IV mang theo 16 tên lửa với nhiều đầu đạn và các thiết bị điện tử cải tiến và cải thiện tiếng ồn. Đến nay, các loại tàu ngầm này cũng đều bị tàu ngầm lớp Borei thay thế

Trung Nguyên
.
.
.