Vụ "bê bối tình dục DSK": Đạo đức và Dân chủ

Chủ Nhật, 11/09/2011, 13:43
Phớt lờ quyền suy đoán vô tội của Dominique Strauss - Kahn trên đất Mỹ và không cần biết đến đạo đức và sự thật thà của cô hầu phòng, truyền thông Mỹ đã chĩa mũi nhọn tấn công và kết tội Dominique Strauss - Kahn trước khi phiên tòa xét xử diễn ra. Từ một nghi phạm, Dominique Strauss - Kahn đã ngay lập tức bị giới truyền thông Mỹ biến thành một hung thủ trong một vụ án tấn công tình dục nguy hiểm.

Những cáo buộc về tội tấn công tình dục đối với Dominique Strauss -Kahn bị xem xét lại và được hủy bỏ khi chiếc ghế Giám đốc IMF thuộc về nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde. Và khi giai đoạn quyết định cho việc lựa chọn ứng viên Tổng thống của Đảng xã hội qua đi thì sự trở về của Dominique Strauss -Kahn ngày 4/7 tại sân bay Charles de Gaulle dường như không làm báo chí Pháp tốn nhiều giấy mực.

Sau ba tháng xét xử, ngày 23/8/2011, nghi án hình sự của Dominique Strauss - Kahn được khép lại bằng lời tuyên bố vô tội của công tố viên thành phố New York, Cyrus Vance. Bảy tội danh được đưa ra chống lại chính trị gia 62 tuổi liên quan đến hành vi "tấn công tình dục" của ông với Nafissatou Diallo, một nữ phục vụ ở phòng 2806 thuộc khách sạn Sofitel New York ngày 14/5 đã bị thẩm phán Michael Obus hủy bỏ.

Vụ án hình sự này được khép lại trên cơ sở sự thiếu thật thà và sự không thống nhất trong lời khai của cô hầu phòng. Sự im lặng của Dominique Strauss - Kahn trong suốt gần 3 tháng qua cũng như những thành công của truyền thông Mỹ trong việc hủy hoại hình ảnh của ông đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về sự thật đằng sau vụ việc này.

Vụ án Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn được khởi đầu bằng hình ảnh Kahn trong bộ quần áo xộc xệch cùng với chiếc còng số 8  trên tay và một vài cảnh sát áp tải trong những trang phục chỉn chu quá mức xuất hiện trên khắp các kênh truyền hình và báo chí. Dù hình ảnh này gây phẫn nộ trong dân chúng Pháp khi nó đi ngược lại điều luật quy định về giả định vô tội  - công dân được bảo vệ hình ảnh trước khi bị tòa án xử tội tại phiên tòa nhưng nó vẫn tác động vào tâm trí công chúng theo hướng một vụ tấn công tình dục là có thật.

Ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt ngay trước khi máy bay chuẩn bị cất cánh đi Paris.

Truyền thông Mỹ đã thực hiện ý đồ của mình một cách hoàn hảo khi không cho Kahn thậm chí đến một cơ hội được ăn mặc tử tế khi phải xuất hiện với chiếc sơ mi không kịp cài cổ và chiếc áo khoác ngoài nhầu nhĩ che đi phần lớn cơ thể. Và hình ảnh của một cuộc lạm dụng tình dục được thể hiện gián tiếp qua trang phục càng được nhấn mạnh bởi sự tương phản với những trang phục chỉnh tề như những chính khách của những cảnh sát áp tải.

Tiếp theo đó, một loạt các thông tin chi tiết về quá trình bị bắt, giám định, nghi vấn, giải trình được truyền đến công chúng làm sụp đổ hoàn toàn hình ảnh Kahn. Những thông tin cụ thể về vụ án, từ về việc Dominique Strauss - Kahn bị từ chối bảo hộ tại ngoại đến việc ông bị tống giam trong nhà tù khét tiếng Rikers Island, thậm chí cả giả thiết rằng Kahn có thể sẽ phải đối mặt với mức án 74 năm 3 tháng tù được đăng tải tràn lan trên các mặt báo đã đánh thức làn sóng phẫn nộ trong dư luận đối với Kahn.

Truyền thông Mỹ cũng khéo léo đẩy sự việc lên đến cao trào khi công khai lên tiếng chỉ trích báo chí Pháp đã vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc cố tình làm ngơ trong các vụ bê bối tình ái của các chính trị gia.

Cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn tại phiên tòa.

Và theo tiến trình của cái gọi là đạo đức báo chí Mỹ, sự kiện ngày càng được đẩy lên đến cao trào bằng những chi tiết hư hư thực thực nhưng cực kỳ hiệu quả trong việc tác động đến tâm trí của công chúng và cả Kahn. Đầu tiên chỉ đơn giản là sự úp mở về số phận đầy trắc trở nhưng cũng không thiếu sự cố gắng vươn lên để sống tốt hơn của một người nhập cư.

Nó khiến Kahn mang hình ảnh của một tội đồ không chỉ có khả năng lạm dụng tình dục mà còn chà đạp lên những giá trị cơ bản của đạo đức và tình yêu thương. Nhưng sự sinh động trong trí tưởng tượng của những nhà báo Mỹ chưa dừng lại ở đó. Thêm một ngón đòn nặng nề dành cho Kahn khi những nghi vấn về khả năng bị AIDS của cô hầu phòng được công khai trên các mặt báo.

Giờ đây Kahn không chỉ là một tội đồ mà thực sự đã trở thành một  bệnh nhân  trên con đường chính trị. Bỏ qua những tình tiết đầy nghi vấn, bỏ qua việc xác minh những bằng chứng phạm tội, bỏ qua những thông tin được cung cấp nhỏ giọt từ phía chính giới Mỹ, hàng trăm bài báo với hàng trăm cách thêu dệt đã làm méo mó hình ảnh của vị cựu Tổng Giám đốc IMF.

Phớt lờ quyền suy đoán vô tội của Dominique Strauss - Kahn trên đất Mỹ và không cần biết đến đạo đức và sự thật thà của cô hầu phòng, truyền thông Mỹ đã chĩa mũi nhọn tấn công và kết tội Dominique Strauss - Kahn trước khi phiên tòa xét xử diễn ra. Từ một nghi phạm, Dominique Strauss - Kahn đã ngay lập tức bị giới truyền thông Mỹ biến thành một hung thủ trong một vụ án tấn công tình dục nguy hiểm.

Trong khi Dominique Strauss - Kahn hầu như im lặng tuyệt đối thì những thông tin cá nhân như tiểu sử, đối thủ chính trị, tham vọng chính trị, những quan hệ tình ái thậm chí đến những sở thích cá nhân và riêng tư của Kahn được khai thác một cách triệt để và trở thành những chủ đề thu hút sự chú ý trên các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới.

Bằng cách khai thác những chi tiết kiểu báo chí lá cải mà không quan tâm đến tổng thể, truyền thông Mỹ đã hoàn toàn thành công trong việc kết án bằng công luận vị cựu Tổng Giám đốc IMF cũng như hủy hoại sự nghiệp chính trị của Dominique Strauss - Kahn.

Truyền thông Mỹ đã dễ dàng khiến người ta quên đi một cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp, một Giám đốc IMF tài năng đã từng ra tay cứu nền kinh tế thế giới qua cơn khủng hoảng tài chính 2009, một ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng thống Pháp. Bằng cách sử dụng thủ thuật hình ảnh và kỹ thuật dàn dựng, truyền thông Mỹ đã gieo rắc mối nghi hoặc, sự giận dữ vào tâm trí mỗi con người, từ đó tạo một làn sóng giận dữ và thái độ phẫn nộ trong lòng dư luận đối với vụ việc của Dominique Strauss - Kahn.

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu như khủng bố được coi như hành động gieo rắc nỗi sợ hãi vào tâm trí con người thì liệu hành động gieo rắc sự phẫn nộ trong lòng công chúng, hủy hoại sự nghiệp chính trị của truyền thông Mỹ đối với Kahn liệu có phải là một dạng thức  khủng bố tinh thần hay không?

Trong khi báo chí Mỹ đã hoàn thành việc kết tội Kahn thì kỳ lạ thay sau 3 tháng cơ quan duy nhất có thẩm quyền kết tội một con người là tòa án tuyên Kahn vô tội. Báo chí Mỹ tất nhiên không nhắc nhiều đến sự mâu thuẫn này cũng như chuyến trở về của Kahn.

Khi những chi tiết mang tính lá cải như tình dục, đời tư, giả định… qua đi và vấn đề mang tính nền tảng cho một xã hội dân chủ là nguyên tắc phán xét một con người được đặt ra thì báo chí Mỹ hoàn toàn câm lặng. Phải chăng nền chính trị Mỹ đã đạt được mục đích của mình và công chúng chỉ có quyền được thụ hưởng những thông tin mang tính tiểu tiết mà không được phép tiếp cận những câu trả lời về bản chất của một sự kiện.

Như vậy liệu chúng ta có quyền đặt ra một giả thuyết rằng báo chí Mỹ không nhắc nhiều đến sự vô tội và chuyến trở về của Dominique Strauss - Kahn không phải bởi chủ đề này đã được khai thác triệt để mà phần nhiều vì không muốn đặt những câu hỏi mang tính phản biện về một mẫu hình xã hội dân chủ Mỹ mà họ đang cố tạo dựng trong công chúng.

Thông qua việc bóp méo hình ảnh của Kahn và công khai đả kích chê bai báo giới Pháp, truyền thông và báo chí đã mang đến cho người dân Mỹ niềm tin họ đang được sống trong môi trường tự do, công khai và minh bạch của một nền dân chủ kiểu mẫu.

Sự thật là công chúng Mỹ đã bị ru ngủ bằng những sự thật mang mầu sắc lá cải, nơi dù thiếu đi cái nhìn minh bạch về bản chất của một sự kiện nhưng truyền thông vẫn được xem như đại diện cho công lý và đạo đức để phán xét. Và như vậy liệu kết cục của phiên tòa xét xử có đủ khiến mỗi người dân Mỹ nghi ngờ về cái gọi là tự do thông tin và sự minh bạch của truyền thông ở quốc gia dân chủ này?

Phiên tòa của Dominique Strauss - Kahn đã chỉ ra rằng sự thật chỉ là nửa vời và phục vụ cho những mục đích chính trị trong một quốc gia luôn tự hào về nền dân chủ kiểu mẫu. Và trong nền dân chủ ấy bất kỳ ai cũng có thể trở thành Dominique Strauss - Kahn thứ hai, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nạn nhân bị hủy hoại toàn bộ danh tiếng và sự nghiệp.

Và có lẽ câu hỏi về giá trị của sự thật trong việc kiến tạo nên một xã hội dân chủ nên được đặt ra tại chính nước Mỹ, nơi những giá trị xã hội được tạo nên bởi sự phổ biến và tính liên tục, nơi mỗi ý nghĩ của con người bị định hướng và chi phối, nơi ý kiến công luận bị lợi dụng và trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho những mục đích chính trị của giới lãnh đạo.

 Hẹn gặp lại là câu nói duy nhất mà Dominique Strauss - Kahn nói trong thời khắc trở về căn nhà của mình. Cố vấn của Kahn khẳng định ông sẽ có một bài phát biểu trước khi cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên Đảng Xã hội giành vị trí ứng viên cho ghế Tổng thống Pháp diễn ra ngày 15/9 tới.

Và có thể điều mà dư luận chờ đợi nhiều nhất trong bài diễn văn có tính chất chính trị này của Dominique Strauss - Kahn chỉ đơn giản là tiếng nói của một con người được cất lên sau một khoảng thời gian dài im lặng chứng kiến màn kịch của báo chí và truyền thông dành riêng cho mình. Nhưng liệu tiếng nói được coi là thật thà nhất đó có bị chìm nghỉm trong vô số những xảo thuật của giới truyền thông Mỹ?

Hay con đường chính trị của Kahn có thể đã được đặt một dấu chấm hết từ khi Kahn bước chân vào một trong những khách sạn sang trọng nhất của một quốc gia luôn tự hào về nền dân chủ mẫu mực. Và Sarkozy sẽ tiếp tục những bài diễn văn đầy hoa mỹ về mối quan hệ gắn kết với nước Mỹ trong khi có thể IMF sẽ chỉ phục vụ những nước lớn như những ông chủ duy nhất của mình

Hải Vân
.
.
.