Vụ “bán” ghế thượng nghị sĩ ở Mỹ: Tham quá hóa mù

Thứ Tư, 17/12/2008, 08:46
Không chịu từ chức, không ăn năn hối hận, Thống đốc bang Illinois Rod Blagojevich đang thách thức sự kiên trì, lòng khoan dung của Tổng thống mới đắc cử Barack Obama.

Việc xử lý khôn khéo, đúng người đúng tội trong vụ bán ghế Thượng nghị sĩ ở bang Illinois đang được coi là "bài toán thử nghiệm" năng lực cầm quyền của nhà lãnh đạo da màu này.

Những bằng chứng mới

Để xác định rõ những sai phạm của Thống đốc Rod Blagojevich, các nhà lập pháp ở bang Illinois đang dự định sẽ tổ chức buổi họp và bỏ phiếu về vấn đề này. Nếu bị xét là có tội, ông Rod Blagojevich có thể sẽ phải xuất hiện trước Quốc hội Mỹ và trả lời câu hỏi của các nghị sĩ.

Tin từ hãng BBC cho biết, ông Rod Blagojevich đã bị bắt hồi tuần trước do những cáo buộc "bán ghế" Thượng nghị sĩ để trống của Tổng thống mới đắc cử. Dù bị chỉ trích, thậm chí còn bị chính ông Barack Obama yêu cầu từ chức nhưng cho đến nay, Rod Blagojevich vẫn chối từ tất cả và tỏ thái độ thách thức chính quyền. Sau khi nộp tiền thế chân để được tại ngoại, Rod Blogojevich đang hoạch định việc tái xuất hiện ở nơi làm việc vào ngày 17/12.

Trên thực tế, với tư cách là Thống đốc bang, Rod Blagojevich là người có quyền duy nhất lựa chọn nhân vật kế vị ông Obama trong vai trò thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois. Tuy nhiên, những bằng chứng của các nhà điều tra FBI trong các cuộc điện đàm điện thoại lại cho thấy ông này đã cố gắng bán hoặc thương mại hoá chiếc ghế trống nói trên vì lợi ích cá nhân.

Điều đáng chú ý là trước đó, FBI đã thường xuyên nhận được các lá đơn tố cáo việc Thống đốc bang Illinois vi phạm pháp luật, nhận hối lộ và tham nhũng. Các cáo buộc này còn liên quan tới việc "đổi tiền lấy chức" hoặc "chi tiền hoa hồng lớn để được tham gia các hợp đồng làm ăn béo bở”…

Bên cạnh đó, ông Rod Blagojevich còn bị cáo buộc dùng quyền lực để ép đưa vợ là bà Patti vào vị trí ở một uỷ ban đoàn thể. Trong bản báo cáo dài 76 trang của FBI, các điều tra viên cũng đã mô tả chi tiết các cáo buộc chống lại ông Blagojevich, bao gồm các văn bản gỡ băng các cuộc trao đổi điện đàm bị cơ quan điều tra được toà án uỷ quyền chặn và theo dõi từ tháng trước.

Ông Barack Obama vô can

Tranh cãi và đồn đại đã bắt đầu nổi lên quanh vị Tổng thống mới đắc cử Barack Obama và Chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai Rahm Emanuel sau vụ bắt giữ Rod Blagojevich. Ông Obama nói ông cảm thấy "buồn" trước vụ việc, nhưng nhất mực khẳng định ông không có liên hệ nào với Thống đốc bang Illinois về chiếc ghế thượng nghị sĩ để trống.

Phóng viên Kevin Connolly của BBC ở Washington cho biết, với tư cách là hai thành viên đảng Dân chủ trên chính trường Chicago, ông Obama và ông Blagojevich có những trao đổi với nhau, nhưng họ không gần gũi nhau về mặt cá nhân và không hề có liên hệ nào tới nay về việc có thể có bất cứ ảnh hưởng nào tới Tổng thống mới đắc cử.

Phải nói rằng, scandal trước thềm nhậm chức này đã khiến ông Barack Obama đau đầu và ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình thiết lập nội các của ông.

Để minh chứng mình vô tội, Tổng thống mới đắc cử đã phải viện dẫn kết luận từ luật sư riêng khẳng định ông không có liên hệ trực tiếp nào với Thống đốc Illinois Rod Blagojevich về vụ bổ nhiệm người thế chỗ Thượng nghị sĩ ở bang này, và các phụ tá cũng không làm gì sai trái; đồng thời ông cũng tuyên bố "không muốn can thiệp vào cuộc điều tra đang tiến hành".

Trong khi đó, các nhà lập pháp ở bang Illinois cũng đã họp lại để xem xét về các luật bầu cử, đặc biệt là việc quyết định nên để thành viên của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ nắm giữ chiếc ghế Thượng nghị sĩ còn trống.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, đây là thời điểm tranh giành chiếc ghế quan trọng ở bang Illinois giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Vào thời điểm hiện nay, bất kỳ một scandal nào liên quan đến thành viên của đảng Dân chủ đều trở thành "tin mừng" đối với đảng Cộng hòa bởi họ đang hy vọng, sau 3 năm liên tiếp giành chiến thắng, uy thế của đảng Dân chủ sẽ dần dần bị giảm sút vì những tai tiếng về đạo đức của một số Thượng nghị sĩ

Huyền Chi
.
.
.