Vòng hai đàm phán Cuba – Mỹ: Nỗ lực tái thiết quan hệ ngoại giao

Thứ Bảy, 28/02/2015, 09:26
Ngày 27/2, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, phái đoàn Cuba và Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai về bình thường hóa quan hệ, dưới sự chủ trì của Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal Ferreito và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây bán cầu Roberta Jacobson.

Khẳng định trước thềm cuộc đàm phán, hãng thông tấn Prensa Latina dẫn lời Vụ trưởng Vidal cho biết, phái đoàn Chính phủ Cuba tới Washington lần này với tinh thần cố gắng thu hẹp bất đồng với Mỹ trong các vấn đề song phương. Vụ trưởng Vidal cũng bày tỏ hy vọng Washington sẽ làm rõ những quan ngại đã được Cuba đưa ra trong vòng đàm phán đầu tiên hôm 22/1.

Theo Vụ trưởng Vidal, khác với vòng đàm phán đầu tiên hôm 22/1, tại vòng đàm phán lần này, hai bên chỉ tập trung thảo luận các vấn đề nhằm tái thiết mối quan hệ ngoại giao vốn đóng băng từ hơn nửa thế kỷ qua, trong đó trọng tâm là việc mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước - mục tiêu đang xúc tiến để hoàn thành trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ trong hai ngày 10 và 11/4 tại Panama, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro có thể gặp mặt lần đầu tiên kể từ khi hai nước khôi phục quan hệ song phương và tiến hành trao đổi tù nhân.

Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal Ferreito. Ảnh: NBC.

Theo ông Ted Piccone, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu Brookings, Mỹ, bước đi thứ hai để khôi phục quan hệ ngoại giao là mở lại cơ quan ngoại giao ở Washington và La Habana, tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc và hợp tác giữa hai nước để phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ như tăng cường đối phó với hoạt động chống buôn lậu, chống khủng bố và vấn đề an ninh.

Trước đó, Vụ phó Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, ông Gustavo Machin cho biết, việc hai nước có thể khôi phục quan hệ ngoại giao đúng dịp diễn ra Hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ hay không phụ thuộc vào Mỹ chứ không phải Cuba, phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có đưa La Habana ra khỏi danh cách các quốc gia bảo trợ khủng bố một cách “nhanh chóng và thuyết phục” hay không.

Trong khi đó, Washington lại cho rằng, Cuba không nên vội vàng đưa vấn đề này làm điều kiện để hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, vì điều này có thể làm cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Bởi theo quy định, Tổng thống Obama cần thông báo cho Quốc hội bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc gạch tên Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố và phải mất tới 45 ngày để trở thành quyết định chính thức, tức là không kịp trước khi diễn ra hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ.

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng từng nói rằng, chỉ cần thông báo của ông Obama là đủ vì Quốc hội Mỹ không thể đảo ngược quyết định của Tổng thống theo luật pháp hiện hành. Và, mặc dù liệt Cuba vào danh sách “những nước bảo trợ khủng bố”, song phía Mỹ cũng phải thừa nhận, không có bằng chứng về việc Cuba cung cấp vũ khí hay huấn luyện các phần tử khủng bố.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng khác được phái đoàn Mỹ và Cuba bàn thảo trong cuộc đàm phán lần này là việc xây dựng các nghị định thư về ngân hàng cho các nhà ngoại giao hai nước.

Do tác động của các biện pháp trừng phạt thương mại và việc cắt đứt quan hệ giữa Mỹ và Cuba kéo dài quá lâu, từ năm 1961, hai nước sẽ phải tiến hành nhiều bước đi đặc biệt để các nhà ngoại giao Mỹ có tài khoản ngân hàng tại Cuba và các nhà ngoại giao Cuba có thể hoạt động tại Mỹ.

Theo giới chuyên gia, đây thực sự là những vấn đề gai góc trong quan hệ giữa hai nước, và không dễ gì được giải quyết trong một sớm một chiều.

Theo kế hoạch, ngoài các cuộc đối thoại song phương, bà Vidal với tư cách Trưởng đoàn đàm phán Cuba cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với một số nghị sĩ Mỹ và các nhân vật quan tâm đến việc cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.