Việt Nam thành công lớn trong năm làm Chủ tịch ASEAN

Thứ Bảy, 20/11/2010, 11:45
Đây là những nhận định đầy khách quan, chân thành và sâu sắc của hàng loạt tờ báo Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan về Việt Nam trong năm làm Chủ tịch ASEAN 2010. Thời báo Nhật Bản, tờ nhật báo lớn nhất Nhật Bản còn nhấn mạnh rằng, thành công lớn nhất của Việt Nam trong vai trò kết nối ASEAN với quốc tế chính là việc đưa Mỹ và Nga tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Việc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM) với 8 nước có Nga và Mỹ tham gia cũng đã tạo thêm điều kiện thuận lợi lớn cho việc xây dựng cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột và đặc biệt là giữ gìn hòa bình, an ninh, tự do hàng hải trên biển Đông. Tờ Thời báo Nhật Bản khẳng định, có được thành công lớn trên đây là do sự dẫn dắt khôn ngoan và điều hành linh hoạt, khéo léo của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Dẫn chứng việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố công khai Việt Nam tự xây dựng cảng Cam Ranh và khẳng định sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của các nước trên thế giới, kể cả tàu ngầm tại cảng Cam Ranh theo cơ chế thị trường giống như các nước khác đã làm và Việt Nam sẽ thuê doanh nghiệp có kinh nghiệm của Nga làm tư vấn cho việc xây dựng này cùng việc hợp tác với Nhật xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 2, các tờ báo Nhật Bản đều nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã chứng tỏ sự lớn mạnh và tự tin của mình trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và Chính phủ của ông đã thành công tuyệt vời trong năm làm Chủ tịch ASEAN, đã nâng cao vị thế và uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều quan chức nước ngoài và giới chức ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam cũng đánh giá khá cao những gì Việt Nam đã làm trong năm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Trong cuộc gặp mặt báo giới trưa 19/11, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk-hwan một lần nữa khẳng định, vị thế Việt Nam càng được nâng cao sau thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN 17, Hội nghị Đông Á và các hội nghị có liên quan. Những đề xuất của Việt Nam trong hội nghị đều được các quốc gia thành viên và đối tác ủng hộ. Tham dự với tư cách khách mời tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul (Hàn Quốc), đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc khi đưa ra những ý tưởng nhằm củng cố và thắt chặt hơn quan hệ giữa ASEAN và các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đã thực sự trở thành cầu nối hữu nghị quan trọng của ASEAN với thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đến Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN. Ảnh: Vũ Hiệp.

Cũng đánh giá sự thành công về năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, ngày 1/11, báo The Nation của Thái Lan đăng bài "Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả" (Vietnam's asean leadership has provided lessons for all).

Khi Việt Nam kết thúc một năm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN cũng là lúc Việt Nam tự hào và nhìn lại một cách hết sức hài lòng, nếu không nói là ngạc nhiên, về tất cả những thành quả quảng bá và tạo dựng niềm hứng khởi mà nước này đã đạt được. Rõ ràng, có rất nhiều thành tựu mang tính biểu tượng mà Việt Nam đã đạt được thông qua các động thái ngoại giao được công phu dàn dựng cũng như thông qua các tuyên bố, phát biểu.

Trước hết, Việt Nam đã thành công trong việc quảng bá đất nước mình là một cường quốc kinh tế mới trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng kinh tế hai con số đầy ấn tượng của Việt Nam đã bổ trợ cho sự phát triển kinh tế của toàn khối ASEAN trong bối cảnh khu vực Đông Á đang đi đầu kỷ nguyên phục hồi kinh tế thế giới. Kết quả, các hoạt động và các chương trình làm việc của ASEAN với các đối tác đối thoại đã được tăng lên gấp nhiều lần. Cương vị Chủ tịch ASEAN cũng đã được cổ vũ thêm khi Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hồi đầu tháng trước.

Thứ hai, tiếng thơm nên dành cho các nhà lãnh đạo Việt Nam vì tài năng ngoại giao của họ trong bối cảnh tuyên bố ứng xử biển Đông (DCC) mà ASEAN và Trung Quốc từng nhất trí đã bị chìm lắng suốt 8 năm qua.

Thứ ba, Hà Nội đã nỗ lực điều hành Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ASEAN cộng) lần đầu tiên ngay sau khi xảy ra các tranh cãi căng thẳng về biển Đông, mà không để xảy ra bất cứ sơ suất nào. Hội nghị này là một diễn đàn an ninh mới bổ trợ cho Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong việc giải quyết các thách thức an ninh chủ yếu ở khu vực. ASEAN giờ đây đã giành được một vị thế tốt hơn trong cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo các cường quốc ngày càng sẵn sàng vượt đường xa và sự mệt mỏi để can dự với ASEAN. Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya nhận xét tại Hội nghị Á-Âu ở Brussels tháng trước, ASEAN đã chứng tỏ diện mạo và niềm tin khi EU bày tỏ dự định tham gia EAS. Ông Kasit cũng chỉ ra rằng các nước lớn ngày càng tỏ ra sẵn sàng tán thành các quan điểm của ASEAN.

Thứ tư, Hà Nội đã nỗ lực tổ chức 14 hội nghị cấp cao trong vòng chưa đầy 60 giờ đồng hồ và cố gắng này đã phá vỡ mọi kỷ lục của ASEAN. Năm 2010 là một năm đặc biệt của ASEAN với rất nhiều hội nghị cấp cao quan trọng được tổ chức. Bên cạnh các hội nghị cấp cao thường niên với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ASEAN đã tổ chức các cuộc gặp cấp cao riêng rẽ với Australia, New Zealand, Nga và Ấn Độ. Chỉ còn Canada là nước đối thoại duy nhất chưa có các cuộc gặp cấp cao với ASEAN.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ hai cũng đã diễn ra tại New York hồi tháng 9 vừa qua. Ngày càng có nhiều nước muốn có một cuộc gặp cấp cao với các lãnh đạo ASEAN và Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã phải đề nghị ASEAN nên coi ưu tiên đối ngoại là một trọng tâm mới. Hội nghị cấp cao ASEAN cũng là dịp để thúc đẩy các hợp tác kinh tế tiểu khu vực. Các nhà lãnh đạo đã gặp nhau để tăng cường hợp tác trong khuôn khổ hai hội nghị riêng rẽ là hội nghị cấp cao tiểu vùng sông Mekông và tam giác phát triển IMT-GT giữa Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc cũng đã được tổ chức để củng cố đường hướng tăng cường khả năng của ASEAN trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và quản lý thảm họa. Thủ tướng Abhisit đã tìm cách thúc đẩy căn cứ không quân U Tapao của Thái Lan thành trung tâm khu vực phục vụ các sứ mệnh này.

Thứ năm, các nước thành viên đều phải thừa nhận nước chủ nhà Việt Nam đã khéo léo giúp hạ thấp các cuộc thảo luận về khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Năm ngoái, với vai trò nước chủ nhà, Thái Lan đã chịu nhiều áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn và thông lệ ASEAN. Thực ra, tại hội nghị năm nay các nhà lãnh đạo ASEAN có thể đã tạo ra được một áp lực lớn hơn đòi đưa các nhà quan sát bầu cử tới Myanmar nếu như nước chủ nhà đi đầu với một lập trường mạnh mẽ hơn.

Thứ sáu, việc thông qua kế hoạch tổng thể liên kết ASEAN đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong hợp tác ASEAN, xuất phát từ quy mô khổng lồ, tham vọng của khu vực cũng như nhu cầu lớn về vốn. ASEAN đã đề nghị các đối tác đối thoại can dự đầy đủ trong thực hiện kế hoạch này. Kế hoạch kết nối ASEAN do Thái Lan đề xướng năm ngoái nhằm thúc đẩy hội nhập giữa 10 thành viên ASEAN thông qua cải thiện và phát triển liên kết các hệ thống hạ tầng cơ sở, gắn kết các thể chế khu vực và thúc đẩy giao lưu của nhân dân các nước thành viên

Huyền Chi – TTXVN
.
.
.