Tại Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS):

Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông

Thứ Ba, 16/06/2015, 08:38
Mặc dù đã kết thúc 2 ngày song Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Nguyên do là vì tại hội nghị, các quốc gia đã tỏ rõ quan điểm trong vấn đề Biển Đông cũng như những nghi ngại lớn trước các hành động đơn phương, gây hấn của Trung Quốc. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này cũng đã hướng được sự quan tâm của cả cộng đồng khi trình bày cụ thể những vấn đề đang nảy sinh ở Biển Đông.

Duy trì hòa bình ở Biển Đông

Có 136/137 quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và các nước quan sát viên tham dự hội nghị kéo dài 4 ngày (từ 8 đến 12 tháng 6) được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ.

Bức ảnh do quân đội Philippines cung cấp cho hãng EP đã chỉ rõ hoạt động xây, lấn đảo và mở rộng tới 11 lần của Trung Quốc diện tích lấn chiếm ban đầu ở khu vực Biển Đông.

Trong lịch trình, hội nghị lần này đã xem xét, thông qua các báo cáo về hoạt động trong năm 2014 của Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa. Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị khẳng định ý nghĩa quan trọng của UNCLOS - “Hiến chương về Đại dương” trong việc tạo các khuôn khổ pháp lý góp phần thúc đẩy các hoạt động khai thác biển, đại dương một cách hòa bình, công bằng, ổn định và hiệu quả, vì hòa bình và thịnh vượng chung của nhân loại.

Đại sứ nhấn mạnh, Biển Đông là khu vực giàu có về tài nguyên thiên nhiên và có tuyến hàng hải lớn thứ hai trên thế giới, cần phải được bảo vệ và sử dụng bền vững. Đại sứ khẳng định, sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế.

Đại sứ nêu rõ, Việt Nam quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, phá hủy môi trường và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, gây lo ngại lớn trong các nước ASEAN cũng như các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Yêu cầu chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm các tranh chấp ở Biển Đông, Trưởng đoàn Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh lập trường của Việt Nam, theo đó các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ các cam kết trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Cẩm nang giải quyết tranh chấp

Đồng quan điểm với Việt Nam, Đại diện thường trực Philippines tại LHQ Lourdes Yparraguirre cũng khẳng định rằng, tranh chấp trên Biển Đông xuất phát từ “chính sách bành trướng” của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động đơn phương xây đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc lại càng làm gia tăng căng thẳng.

Theo lập luận của bà Lourdes Yparraguirre, việc Trung Quốc mở rộng diện tích các đảo nhân tạo lên 11 lần đã vi phạm không chỉ UNCLOS mà cả DOC và Công ước về đa dạng sinh học, Công ước về thương mại quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)… Nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Quan điểm của các nước là mọi quy định của luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và thực thi. Về vấn đề Biển Đông, ASEAN (trong đó bao gồm các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông) mà Trung Quốc từng ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đang tiến tới việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Theo đại biểu các nước, DOC, COC, UNCLOS chính là những “cẩm nang” quan trọng để giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, để áp dụng thấu tình đạt lý những quy định này, cần sự cầu thị, hợp tác từ các bên và việc chấm dứt những hành động đơn phương gây nguy hại đến an ninh trong khu vực và trên toàn cầu.

Trong khi cộng đồng quốc tế không ít lần bàn thảo về vấn đề Biển Đông tại các hội nghị lớn thì ở châu Âu, nhiều quốc gia cũng đã tổ chức các cuộc tọa đàm riêng lẻ về vấn đề này. Đáng chú ý là mới đây, tại trụ sở báo Gazeta-Wyborcza ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, nhiều nhà báo nước ngoài đã tham dự cuộc tọa đàm trong đó phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Chẳng hạn như nhà báo Rafal Tomanski thuộc báo Rzeczpospilta. Sau khi điểm lại các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, từ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển của Việt Nam đến việc xây dựng đảo nhân tạo và củng cố, mở rộng các đảo, nhà báo khẳng định, hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như củng cố, mở rộng một số đảo chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế, vi phạm DOC.

Sự phá vỡ nguyên trạng các đảo này sẽ tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. Cựu nghị sĩ Ba Lan Piotr Gadzinowski đánh giá các hành động gần đây trên Biển Đông là nằm trong toan tính và chiến lược lâu dài của Trung Quốc.

Còn GS.TS về quan hệ quốc tế Malgorzata Pietrasiak thuộc Đại học Tổng hợp Lodz thì đưa ra các phân tích cơ sở khoa học về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. GS.TS Malgorzata Pietrasiak kết luận rằng, Việt Nam có chứng cứ pháp lý, lịch sử trong việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Huyền Chi
.
.
.