Vì sao em họ của Tổng thống Colombia bị bắt giữ?

Thứ Ba, 06/05/2008, 15:01
Ngày 22/4 vừa qua được coi là một ngày đen tối trên chính trường Colombia, sau khi người em họ của đương kim Tổng thống Alvaro Uribe - cựu Thượng nghị sĩ Mario Uribe - đã bị bắt giữ với tội danh có liên quan đến các băng nhóm vũ trang bất hợp pháp theo đường lối cực hữu, từng có nhiều hoạt động khủng bố tại Colombia trong nhiều thập niên qua.

Bản thân Tổng thống Alvaro Uribe cũng đang là đối tượng điều tra bởi lời cáo buộc hối lộ các chính trị gia đối lập.

MARIO Uribe bị Cảnh sát Colombia bắt giữ ngay tại tòa nhà của Đại sứ quán Costa-Rica. Người anh em họ của Tổng thống Alvaro Uribe (đồng thời cũng là một cựu thượng nghị sĩ) trước đó đã chạy tới đại sứ quán này để xin tị nạn, sau khi biết tin Viện Kiểm sát đã ra trát bắt giữ ông ta vì tội danh có liên quan tới tổ chức bán vũ trang có tên Lực lượng thống nhất tự phòng vệ Colombia (AUC).

Tổ chức này được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ XX với sự hậu thuẫn và tài trợ của những ông chủ điền trang lớn với mục tiêu ban đầu là chống lại các nhóm vũ trang cực đoan tại Colombia.

Tuy nhiên, AUC đã nhanh chóng biến tướng trở thành tổ chức tội phạm, tham gia vào việc buôn bán vũ khí trái phép, bắt cóc người và kinh doanh ma túy. Kết quả là phần lớn các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã liệt kê nhóm vũ trang này vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Năm 2003, Tổng thống Alvaro Uribe, sau khi hứa hẹn với người dân sẽ chấm dứt những cảnh thanh toán đẫm máu của những tay súng AUC, đã đạt được thỏa thuận với các thủ lĩnh cực hữu về việc tự nguyện đầu hàng để đổi lấy việc giảm án tù, cũng như tạo điều kiện cho họ quay trở về với cuộc sống bình thường.

Vấn đề là sau khi các thủ lĩnh AUC đã yên vị trong tù, họ bắt đầu tiết lộ không chỉ về những “chiến công” trong quá khứ, mà cả về những mối quan hệ bí mật của mình với nhiều chính trị gia cao cấp tại Colombia.

Chẳng hạn như một trong những chỉ huy hàng đầu của tổ chức này là Salvatore Mancuso đã thú nhận với các điều tra viên không chỉ về hàng chục tội ác trong quá khứ của mình, mà còn về việc các tay súng cực hữu đã gây áp lực lên các cử tri đi bầu như thế nào.

Như vào năm 1998, AUC đã ép cử tri tại khu vực ảnh hưởng của mình phải bầu cho ứng cử viên cánh hữu Andres Pastrana, còn trong cuộc bầu cử năm 2002 phải ủng hộ Alvaro Uribe. Tổng thống Alvaro tất nhiên đã phủ nhận không hề nhận bất cứ sự giúp đỡ nào của phe cực hữu. Trong khi ông làm quen với Salvatore Mancuso từ trước khi nhân vật này tham gia vào hàng ngũ AUC.

Alvaro Uribe còn dẫn chứng rằng, bản thân ông nếu xét tỉ lệ số phiếu bầu “hầu hết đều thua trong cuộc bầu cử tại những khu vực nằm dưới sự ảnh hưởng của các tay súng cực hữu”. 

Những tiết lộ đáng chú ý trên từ các cựu chiến binh AUC đã trở thành nguyên nhân khởi đầu cho một chiến dịch điều tra hết sức quy mô liên quan tới hàng chục chính trị gia cao cấp và nghị sĩ  tại Colombia. Tất cả những người này thoạt đầu đều phủ nhận việc họ có liên quan tới phe cánh hữu, buộc tội những cựu thủ lĩnh này tìm cách bôi nhọ những người trung thực với hy vọng được giảm bớt án tù. Dù vậy, đã có ít nhất 30 nghị sĩ đã phải vào tù từ sau chiến dịch điều tra trên.

Tương tự như vậy, cựu Thượng nghị sĩ Mario Uribe đã nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của các điều tra viên. Theo Salvatore Mancuso khai nhận, ông Mario Uribe vào tháng 3/2002 đã đích thân gặp mặt hắn, hứa hẹn sẽ giúp đỡ các tay súng để đổi lấy việc họ ủng hộ Alvaro Uribe trong cuộc bầu cử tổng thống.

Còn một thủ lĩnh cực hữu khác là Jairo Castillo Peralta cũng thú nhận, Mario Uribe vào năm 1998 thông qua hắn đã tìm cách mua một khu đất rất rẻ bên bờ biển Caribe.

Trước nguy cơ Tòa án tối cao (chuyên trách điều tra những hoạt động vi phạm luật pháp của các quan chức cao cấp) có thể “sờ gáy”, Mario Uribe vào tháng 10 năm ngoái đã nộp đơn xin từ chức thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Colombia vẫn tiếp tục ra lệnh điều tra về quan hệ của Mario Uribe với các tay súng cực hữu, trước khi chính thức ra trát bắt giữ hôm 22/4.

Mario Uribe ngay lập tức đã chạy vào Đại sứ quán Costa-Rica để xin được tị nạn chính trị. Trong khi Chính phủ Costa-Rica còn đang phân vân về cách giải quyết số phận của Mario, thì bên ngoài đại sứ quán nước này tại thủ đô Bogota đã nổ ra một cuộc biểu tình rầm rộ. Những người tham gia (chủ yếu là họ hàng nạn nhân từ những vụ khủng bố của phe cực hữu) đã yêu cầu Costa-Rica phải giao nộp Mario Uribe cho Cơ quan tư pháp Colombia.

Kết quả là đề nghị xin tị nạn chính trị của Mario đã bị phía Costa-Rica khước từ với lý do “chính quyền Colombia đã cung cấp những bằng chứng không thể bác bỏ” về tội lỗi của ông ta. Ngay sau đó, Cảnh sát Colombia đã bắt giữ Mario ngay tại Đại sứ quán Costa-Rica và áp giải ông ta tới nhà giam.

Tổng thống Alvaro Uribe tuyên bố rằng, vụ bắt giữ người em họ mình là “một nỗi khổ tâm”, nhưng ông chấp nhận thực tế này vì lòng yêu nước cũng như quan điểm “không lẩn tránh trách nhiệm”.

Theo ý kiến chung của đa số các nhà quan sát, những sự kiện này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế của Tổng thống, do Mario Uribe đối với ông không chỉ là một người họ hàng, mà còn là một chiến hữu thân cận nhất. Dù sớm hay muộn, câu hỏi về quan hệ của bản thân Tổng thống với phe cực hữu cũng được đặt ra.

Vận hạn của Tổng thống Alvaro Uribe vẫn chưa kết thúc ở đây. Cũng vào hôm 22/4, Viện Kiểm sát Colombia đã bắt tay vào điều tra lời cáo buộc Tổng thống hối lộ của cựu dân biểu Indis Medina.

 Bà này khẳng định đã nhận được lời hứa hẹn về những vị trí cao cấp trong chính phủ, nếu như tích cực ủng hộ cho một đạo luật bổ sung cho phép ông Alvaro Uribe tái cử nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 2006. Hậu quả của những tai tiếng trên còn ảnh hưởng cả đến chính sách đối ngoại của Colombia.

Theo các nhà quan sát, Alvaro Uribe sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ về việc ký kết một thỏa ước tự do thương mại có lợi cho Bogot

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.
.