Vẫn chưa thể lấy lời khai của nghi can "vụ đánh bom Boston"

Thứ Hai, 22/04/2013, 09:05
Mặc dù các công tố viên đã chuẩn bị hồ sơ truy tố và lấy lời khai, nhưng nghi phạm đánh bom Dzhokhar Tsarnaev vẫn chưa thể mở mồm cho dù được điều trị đặc biệt tại Trung tâm y khoa Beth Israel Deaconess bởi hắn đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.
>> Nghi can bị bắt đang trong tình trạng nguy kịch

Trong khi người dân Mỹ còn chưa kịp hoàn hồn sau vụ khủng bố kép tại Boston hôm 15/4, đã lại rơi vào khiếp sợ sau khi tiếng súng vang lên tại lễ hội dành cho những người dùng cần sa tại thành phố Denver hôm 20/4 (theo giờ địa phương) khiến 2 người bị thương và hàng ngàn người hoảng loạn, cảnh sát đang truy lùng 2 nghi phạm. Lễ hội kể trên thu hút khoảng 80.000 người tham dự sau khi các đạo luật tại ColoradoWashington hợp pháp hóa việc dùng cần sa để tiêu khiển. Một lần nữa "văn hoá súng đạn" lại được đề cập trong bối cảnh an ninh nội địa Mỹ bị thách thức bởi có người từ bỏ "Giấc mơ Mỹ" để trở thành nghi phạm khủng bố.

Từ khó khăn trong việc lấy lời khai nghi can

Ngày 20/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Barack Obama đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia để xem xét các sự kiện liên quan đến vụ đánh bom hôm 15/4, đồng thời thảo luận các cuộc điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ khủng bố này.

Tham dự cuộc họp kéo dài 90 phút có Trợ lý Tổng thống về An ninh nội địa và chống khủng bố Lisa Monaco, Cố vấn an ninh quốc gia Thomas Donilon, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Giám đốc FBI Robert Mueller và Bộ trưởng An ninh Nội địa Janet Napolitano. Phó Tổng thống Joe Biden cũng tham gia trực tuyến cuộc họp này.

Mặc dù Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp và các cuộc thẩm vấn đang tiếp tục, nhưng ông cũng kêu gọi mọi người không vội vã phán xét về động cơ gây án của anh em Tsarnaev. Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Barack Obama xét xử Dzhokhar Tsarnaev giống như một "chiến binh thù địch không có đặc quyền".

Cảnh sát trưởng Watertown, ông Edward Deveau cho rằng, với những dấu hiệu hiện nay cho thấy, Tamerlan Tsarnaev và Dzhokhar Tsarnaev hành động đơn độc. Theo ông Edward Deveau, Dzhokhar Tsarnaev đã cán xe ôtô qua người anh trai đang bị trọng thương để thoát ra khỏi cuộc đấu súng với cảnh sát tối 18/4 (theo giờ địa phương). Ông Edward Deveau cho rằng, có khoảng 200 viên đạn được bắn ra trong vòng 5-10 phút và anh em Tsarnaev đã quăng bom tự chế hòng cản đường truy đuổi của cảnh sát.

Dzhokhar Tsarnaev khi bị bắt.

Giới truyền thông đưa tin, mặc dù các công tố viên đã chuẩn bị hồ sơ truy tố và lấy lời khai, nhưng nghi phạm đánh bom Dzhokhar Tsarnaev vẫn chưa thể mở mồm cho dù được điều trị đặc biệt tại Trung tâm y khoa Beth Israel Deaconess bởi hắn đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.

Tuy bị thương nặng, nhưng Dzhokhar Tsarnaev vẫn được canh gác cẩn mật bởi một lực lượng an ninh và cảnh sát hùng hậu xung quanh Trung tâm y khoa Beth Israel Deaconess. Cơ quan chức năng rất muốn làm rõ những câu hỏi được Tổng thống Barack Obama đưa ra trước đó đối với Dzhokhar Tsarnaev: Tại sao những người trẻ tuổi lớn lên và học hành ở Mỹ như một phần trong cộng đồng và đất nước này lại chọn bạo lực? Họ đã lên kế hoạch và tiến hành những vụ tấn công thế nào? Và có được hỗ trợ hay không?

Tuy nhiên, nghi phạm đánh bom Dzhokhar Tsarnaev chưa thể nói được do các vết thương ở lưỡi sau khi bị bắn vào cổ họng. Có tin nói rằng, vết thương ở cổ họng của Dzhokhar Tsarnaev có thể là hậu quả của việc hắn kê súng vào miệng để tự sát. Các bác sỹ không thể biết khi nào Dzhokhar Tsarnaev có thể nói chuyện trở lại. FBI nhận định, Tamerlan Tsarnaev là chủ mưu chính vụ khủng bố tại Boston, trong khi các điều tra viên vẫn đang tiếp tục thẩm vấn những người từng liên hệ với Tamerlan Tsarnaev và Dzhokhar Tsarnaev.

Tới "văn hoá súng đạn"

Đến 19h ngày 19/4 (theo giờ địa phương), Dzhokhar Tsarnaev bị phát hiện đang ẩn náu trong một con thuyền ở phía sau nhà của một người dân thị trấn. Sau khi Dzhokhar Tsarnaev bị bắt, người ta mới biết ông David Henneberry, cư dân sống tại Watertown, Massachusett là người đã gọi điện báo cho cảnh sát biết nơi ẩn náu của nghi phạm đánh bom tại Boston.

Lập tức ông David Henneberry được mọi người tôn vinh là người hùng. Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ cũng ghi nhận, người giữ vai trò then chốt giúp FBI xác định anh em Tsarnaev là nghi can khủng bố chính là anh Jeff Bauman, 27 tuổi. Cho dù đang nằm trong phòng cấp cứu, nhưng Jeff Bauman vẫn cung cấp thông tin về nhận dạng của Tamerlan Tsarnaev cho FBI. Bởi Tamerlan Tsarnaev đã nhìn thẳng vào anh rồi thả chiếc túi xuống sát chân. Khoảng 2 phút sau, chiếc túi phát nổ khiến 2 chân Jeff Bauman bị xé nát.

Ray Boisvert, cựu trợ lý Giám đốc tình báo Canada cho rằng, có thể Tamerlan Tsarnaev đã đến Nga (từ tháng 1 đến tháng 7/2012) nhằm liên hệ với một mạng lưới thánh chiến hoặc một thầy Hồi giáo để được huấn luyện trở thành khủng bố. Chuyên gia Seth Jones ở Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Rand Corporation (Mỹ) nhận định, không cần biết anh em Tsarnaev có tham gia huấn luyện khủng bố ở Chechnya hay không bởi bọn chúng có thể ảnh hưởng khủng bố từ các trang mạng xã hội như Youtube, Twitter hay mạng VKontakte (Facebook của Nga).

Giới chuyên môn cũng quan tâm tới tuyên bố của Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov khi ông cho rằng, Tamerlan Tsarnaev lớn lên ở Mỹ nên mới sinh ra bạo lực. Được biết, sau khi gây ra vụ khủng bố tại Boston hôm 15/4, Dzhokhar Tsarnaev vẫn tiệc tùng thoải mái với bạn bè cùng trường gần như suốt đêm 17/4 cho dù là tác giả gây nên cái chết của 3 người và 183 người khác bị thương.

Dư luận rất quan tâm tới việc CHDCND Triều Tiên phủ nhận (20/4) việc có liên quan đến vụ đánh bom ở Boston bởi trước đó (17/4), trang web WorldNetDaily của Mỹ đưa tin, Bình Nhưỡng có thể đứng sau vụ đánh bom hôm 15/4 vì liên tục dọa tấn công Mỹ, cũng như trùng với dịp kỷ niệm 101 năm Ngày sinh của nhà lãnh đạo sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Nhiều người cho rằng, tuy bị tấn công 3 lần (vụ Trân Châu Cảng năm 1941, sự kiện 11/9/2001 và vụ khủng bố tại Boston hôm 15/4) thì anh em Tsarnaev chính là "mối nguy từ sói đơn độc" từng được giới chuyên môn khuyến cáo. Có người còn coi anh em Tsarnaev là hiện tượng tự cực đoan hóa bản thân đang tồn tại trong nước Mỹ.

Ngoài ra, vụ khủng bố tại Boston cũng là hồi chuông báo động về khả năng đảm bảo an ninh của các cơ quan chức năng, cũng như tác hại của "văn hóa súng đạn". Vụ khủng bố tại Boston cũng chứng tỏ các cơ quan tình báo Mỹ đã bị "bịt mắt". FBI vừa cho biết, 314 triệu dân Mỹ hiện sở hữu 270 triệu khẩu súng.

Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ vẫn không thông qua dự luật tăng cường kiểm soát súng đạn vì không nhận đủ 2/3 số phiếu (54 phiếu thuận, 46 phiếu chống hôm 18/4) theo luật định. Đây là thất bại của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ thảm sát từ "văn hóa súng đạn"

Trang Cường
.
.
.