Vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm vụ nổ ở Tân Cương, Trung Quốc

Thứ Sáu, 23/05/2014, 14:08
Người dân Trung Quốc lại bị chấn động sau khi biết tin về vụ khủng bố ở Tân Cương khiến ít nhất 31 người chết và hơn 90 người khác bị thương sáng 22/5.

Ngay sau khi biết tin về vụ khủng bố tại khu chợ ngoài trời ở thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải nhanh chóng phá án, khẩn trương điều trị cho người bị thương, thăm hỏi, động viên, an ủi thân nhân của người bị hại, tăng cường toàn diện công tác đảm bảo trật tự trị an, ngăn chặn phát sinh phản ứng dây chuyền. Đồng thời cam kết nghiêm trị những kẻ khủng bố và nỗ lực hết sức nhằm duy trì sự ổn định tại Tân Cương.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng chỉ thị cho các cơ quan hữu trách, dốc sức điều trị người bị thương, làm tốt công tác khắc phục hậu quả, đồng thời nhanh chóng điều tra, truy bắt phần tử khủng bố, làm tốt công tác đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, cũng như trật tự xã hội. Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương Mạnh Kiến Trụ cam kết, đập tan “sự ngạo mạn” của những kẻ khủng bố bạo lực, sẽ sử dụng các biện pháp và dốc toàn lực để điều tra các phần tử khủng bố. Bộ trưởng Bộ Công an Quách Thanh Côn cũng đã đến Tân Cương để giám sát các hoạt động điều tra. Bộ Công an Trung Quốc tuyên bố, vụ nổ sáng 22-5 khiến ít nhất 31 người chết và hơn 90 người khác bị thương là "vụ khủng bố bạo lực nghiêm trọng" và đang triển khai các biện pháp khẩn cấp để truy tìm kẻ đứng sau sự kiện này.

Theo giới truyền thông, lực lượng cảnh sát đã lập tức có mặt tại hiện trường ngay sau khi nhận được tin báo để thu thập chứng cứ, tích cực đưa người bị thương đi cấp cứu. Khu vực này nhanh chóng được phong tỏa để phục vụ công tác điều tra. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo lời kể của các nhân chứng, họ đã trông thấy nhiều ngọn lửa, khói dày đặc có thể là do xe cộ và hàng hóa bốc cháy, nhiều người bỏ chạy tán loạn. Còn theo lời một nhân chứng khác cho biết, đã nghe thấy hàng chục tiếng nổ lớn. Còn theo những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, lửa bùng lên ở một tán cây bên đường, khói bốc cao quá nóc khu chợ, phía sau một chốt gác của cảnh sát.

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lời một số nhân chứng cho biết, vào khoảng 7h50’ ngày 22-5 (theo giờ địa phương), có 2 ôtô không biển số lao vào khu chợ với tốc độ kinh hồn và sau khi lái xe đâm đổ hàng rào xung quanh khu chợ, đã lao vào đám đông và ném thuốc nổ qua cửa kính xe, một chiếc xe dừng lại và phát nổ. Khi những người xung quanh chưa kịp phản ứng thì tiếng nổ vang lên gây chấn động cả khu chợ. Có quá nhiều người chết, hầu hết đều là người già, người lao động nghèo tại khu chợ này…

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ khủng bố hôm 22/5.

Mặc dù chưa có cá nhân hoặc tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng theo nhận định của cơ quan điều tra, nhiều khả năng những kẻ gây ra vụ khủng bố có liên quan đến tổ chức Hồi giáo cực đoan do người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cầm đầu. Được biết, Trung Quốc đã phát lệnh truy nã đối với những nghi phạm tham gia thực hiện vụ tấn công ở bến phía Nam của ga tàu hỏa Tân Cương tối 30/4 làm 3 người chết và 79 người bị thương. Trung Quốc đã gửi kiến nghị tới Interpol yêu cầu truy nã quốc tế đối với Ismail Yusup cùng một số đồng phạm thuộc tổ chức Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (EITM) vì bị cáo buộc thực hiện vụ đánh bom tối 30/4.

Ngày 18/5, cảnh sát Trung Quốc cáo buộc EITM đứng sau vụ tấn công ở bến phía Nam của ga tàu hỏa Tân Cương tối 30/4 và đối tượng Ismail Yusup đã lên kế hoạch cho vụ khủng bố này. Theo tài liệu của cảnh sát Trung Quốc, trước khi chính thức gia nhập EITM hồi năm ngoái, Ismail Yusup đã thành lập một nhóm cực đoan đơn lẻ từ năm 2005. Được biết, Ismail Yusup cùng 10 đồng phạm chuẩn bị kế hoạch từ ngày 22/4, nhưng đến 19h ngày 30/4 chúng mới động thủ. Hai thành viên của nhóm này là Saderdin Sawut và Memetabudula Ete đã chết trong vụ nổ, còn 8 đối tượng khác bị cảnh sát bắt giữ.

Theo giới truyền thông, chỉ vài tuần sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, Bắc Kinh đã công bố tài liệu nói về hơn 40 nhóm Đông Turkistan hoạt động ở trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Trong số hơn 40 nhóm Đông Turkistan, EITM bị cáo buộc có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda và lãnh đạo của tổ chức này là Hassan Makhsum, từng làm việc với Osama Bin Laden tại Afghanistan, nhận tài trợ và được huấn luyện ở các trại của trùm khủng bố thế giới. Mặc dù Hassan Makhsum đã bị tiêu diệt năm 2003, nhưng EITM và nhiều người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vẫn muốn thành lập cái gọi là “Nhà nước Đông Turkistan”. Năm 2009, Bộ Tài chính Mỹ đưa vào sổ đen tên Abdul Haq, lãnh đạo EITM sau khi cáo buộc hắn là một kẻ khủng bố giết người không ghê tay...

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các vụ nổ ngày 22/5/2014 tại TP Urumqi, thủ phủ Tân Cương, Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói:

“Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ngày 22/5/2014 tại TP Urumqi, Tân Cương, Trung Quốc khiến nhiều thường dân vô tội bị thiệt mạng và bị thương. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến nhân dân Trung Quốc và thân nhân của các nạn nhân và tin rằng thủ phạm của vụ tấn công sẽ bị trừng trị thích đáng”.

Vụ khủng bố kể trên xảy ra sau khi Trung Quốc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác và niềm tin ở châu Á lần thứ tư (CICA-4) diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/5 tại Thượng Hải. Và diễn ra chỉ 2 ngày sau khi tòa án khu tự trị Tân Cương kết án 39 người vì tội truyền bá “video khủng bố”. Theo China News Service, 39 người bị kết án tù với các mức khác nhau, cao nhất là 15 năm. Mặc dù giới truyền thông Trung Quốc không nói rõ những người bị kết án thuộc dân tộc nào, nhưng theo hãng AFP, căn cứ vào danh tính của 39 bị cáo, có thể họ đều là người Duy Ngô Nhĩ. Trước đó, tờ Thời báo Hoàn cầu và tờ South China Morning Post cho biết, đã có 232 người bị cảnh sát Tân Cương bắt giữ vì liên quan đến “truyền bá video với nội dung khủng bố thông qua internet và các thiết bị cầm tay”. Ngày 31/3, chính quyền Tân Cương đã ra lệnh cấm các hành vi tải và lưu trữ video có nội dung khủng bố.

Lê Quỳnh Trang
.
.
.