Vai trò và vị thế của Đức - Pháp trong khu vực Eurozone

Chủ Nhật, 27/05/2012, 13:46
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu không chính thức (EU) tuy đã kết thúc hôm 24/5/2012, nhưng vấn đề chính (cần biện pháp cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính) cùng nỗi lo của người dân châu Âu nói chung và khu vực Eurozone nói riêng vẫn chưa tìm được lời giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

>> Kỳ I: Lãnh đạo mới, cuộc đấu mới

Dư luận đang quan tâm nhất là mâu thuẫn Đức-Pháp trong việc đưa ra các biện pháp giải quyết đối với khu vực Eurozone. Vấn đề trái phiếu châu Âu (Eurobond do các nước khu vực Eurozone phát hành) được thảo luận gay gắt và đây là mâu thuẫn chính khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel không tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục lòng tin của giới đầu tư, cũng như giải pháp giúp EU phục hồi đà tăng trưởng.

Trong khi Tổng thống Francois Hollande đề nghị Eurobond cần được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU thì Thủ tướng Angela Merkel không muốn đề cập tới vấn đề này.

Theo ông Francois Hollande, sẽ là không công bằng cho Tây Ban Nha hoặc Italia phải trả 6% lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của mình, trong khi lượng phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Đức hôm 23/5 lại ở mức thấp kỷ lục 0,07%. Để thúc đẩy tăng trưởng, ông Francois Hollande chủ trương đầu tư ồ ạt vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nên hỗ trợ cho các xí nghiệp nhỏ và vừa trong những lĩnh vực công nghệ tiên tiến, nhưng bà Angela Merkel đề nghị thực hiện các cải tổ cơ cấu và nới lỏng thị trường lao động.

Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Angela Merkel.

Bà Angela Merkel cũng tiếp tục bác bỏ đề xuất “trái phiếu châu Âu nên dùng để tài trợ các dự án lớn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng và môi trường”. Berlin lo ngại Eurobond sẽ chỉ dẫn đến việc người nộp thuế Đức phải chịu thêm các gánh nặng từ các nền kinh tế yếu kém trong khu vực Eurozone.

Dư luận cho rằng, sau 2 ngày nhóm họp tại Brussels, Bỉ (23 và 24/5), lãnh đạo EU tuy tán thành thúc đẩy tăng trưởng, nhưng bất đồng sâu sắc về biện pháp thực hiện, tuy đồng ý siết chặt ngân sách phải đi đôi với tăng trưởng, nhưng ông Francois Hollande vẫn không giống người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy trong việc đồng quan điểm với bà Angela Merkel.

Trong khi Pháp, Italia và Luxembourg ủng hộ việc phát hành trái phiếu châu Âu, biến nợ quốc gia thành nợ của toàn khối thì Đức, Hà Lan và Phần Lan không nhất trí. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, EU còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thông qua các cải cách cơ cấu chứ không phải các biện pháp kích thích tăng trưởng đã được đề xuất.

Theo đó, để ngăn chặn khủng hoảng nợ công, các nước thành viên EU phải chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm tài chính và một trong những sự lựa chọn để thực hiện việc chia sẻ gánh nặng nợ nần là phát hành trái phiếu khu vực Eurozone. Bởi việc phát hành trái phiếu khu vực Eurozone cho phép những nước thành viên EU gặp khó khăn vay mượn trên thị trường dễ dàng thực hiện điều này hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã ủng hộ việc phát hành trái phiếu chung do 17 quốc gia thành viên khu vực Eurozone đảm trách. IMF cũng từng đề nghị Đức tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như chấp nhận lạm phát cao hơn để giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng Đức thường bất đồng ý kiến với IMF về tình trạng cho vay nợ nhiều của mình và cũng có vấn đề với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về lạm phát.

Giới chuyên môn cho rằng, phản ứng của Đức là điều dễ hiểu bởi với tư cách là quốc gia có nền tài chính lành mạnh nhất trong khu vực Eurozone và có khả năng vay vốn với lãi suất thấp nên Berlin không muốn “ôm rơm nặng bụng”.

Nhiều người nói rằng, không những là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là một trong những thành viên sáng lập EU, là nước đông dân nhất trong khối này, là nền kinh tế thứ 3 thế giới, hiện Đức còn lèo lái con tàu châu Âu trong khủng hoảng tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác và nếu không có Berlin, đồng tiền chung châu Âu sẽ sụp đổ. Giới kinh tế cho rằng, xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng đã giúp Đức thoát khỏi suy thoái kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2012, bất chấp tình hình kinh tế các nước trong khu vực như Hy Lạp, Tây Ban Nha đều ảm đạm.

Chuyên gia kinh tế thuộc JP Morgan Greg Fuzesi cho rằng, suy thoái dai dẳng sẽ buộc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ - ECB sẽ hạ lãi suất cơ bản vào tháng 6, đồng thời tiếp tục chương trình tái cấp vốn. Ngày 24/5, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng, EU cần đột phá trong giải quyết cuộc khủng hoảng bởi khu vực này đang ở trong thời khắc nguy cấp của lịch sử. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu của EU và “sẽ không có tăng trưởng bền vững nếu không có tài chính công ổn định”.

Quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm AAA của Pháp được coi là động tác ủng hộ tân Tổng thống mà hãng Moody's dành cho ông Francois Hollande bởi hồi tháng 2/2012, Moody's từng hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Pháp từ ổn định xuống tiêu cực trước ảnh hưởng của khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone.

Pháp là một trong những nước sáng lập EU, là thành viên G8, là quốc gia lớn nhất trong châu Âu tính theo diện tích, là nền kinh tế thứ 6 thế giới cách đây 7 năm (2005-2012), sau Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Anh. Tân Tổng thống Francois Hollande muốn Pháp tiếp tục giữ vai trò quan trọng không những trong khu vực Eurozone, mà cả châu Âu

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.