Vai trò quan trọng của bà Marine Le Pen

Thứ Bảy, 28/04/2012, 19:39

Bài trả lời phỏng vấn đài RTL hôm 26/4 của bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia (FN), ứng cử viên về thứ 3 trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 khiến dư luận cho rằng, con gái ông Jean-Marie Le Pen, người sáng lập FN và là ứng cử viên Tổng thống năm 2007 sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua song mã giữa ông Nicolas Sarkozy và ông Francois Hollande tại cuộc bỏ phiếu vòng 2 diễn ra hôm 6/5.

Cách đây gần 5 năm (1/5/2007), ông Jean-Marie Le Pen từng kêu gọi những người ủng hộ FN không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy và bà Segolene Royal, ứng cử viên của đảng Xã hội. Bà Marine Le Pen tuyên bố, sẽ kêu gọi cử tri ủng hộ ông Nicolas Sarkozy nếu Tổng thống Pháp và Tổng thư ký đảng cầm quyền (Liên minh vì Phong trào nhân dân - UMP) nêu rõ quan điểm ủng hộ đảng Mặt trận Quốc gia hay đảng Xã hội trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Theo kết quả thăm dò, 60% cử tri của đảng FN ở vòng 1 sẽ bỏ phiếu cho ông Nicolas Sarkozy ở vòng 2. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia sẽ đưa ra quyết định sau khi nhận được câu trả lời của ông Nicolas Sarkozy. Nhưng trước đó (25-4), Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tuyên bố không có bất cứ thỏa thuận nào giữa đảng UMP với đảng FN cho dù khẳng định, sẽ để tâm đến số cử tri đã giúp bà Marine Le Pen giành 17,9% phiếu bầu và về thứ 3 trong cuộc bầu cử vòng 1. Điều này cũng đồng nghĩa với việc "Ghế của ông Nicolas Sarkozy đang lung lay". Động thái trên diễn ra sau khi bà Marine Le Pen giáng một đòn nặng nề vào ông Nicolas Sarkozy (đêm 23/4) khi từ chối khuyên những người ủng hộ FN dồn phiếu cho Tổng thống Pháp.

Bà Marine Le Pen tại các cuộc tranh cử.

Ông Bruno Bilde, một phụ tá cao cấp của bà Marine Le Pen cũng vừa tuyên bố: Phải tái tổ chức đời sống chính trị nước Pháp. Giới phân tích chính trị cho rằng, hy vọng tái đắc cử của ông Nicolas Sarkozy nhờ cậy phần lớn vào sự ủng hộ của khoảng 6 triệu “con nhang đệ tử" của bà Marine Le Pen. Được biết, ngay từ năm 2007, ông Nicolas Sarkozy đã bắt đầu nhắm đến cử tri của đảng FN qua các phát biểu mang tính dân tộc chủ nghĩa. Trước đó, ông Jean-Marie Le Pen cũng từng nhấn mạnh, Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ thất bại.

Tuy là con gái út của ông Jean-Marie Le Pen và chỉ hành nghề luật sư, nhưng sau khi trở thành Phó Chủ tịch FN (2007), bà Marine Le Pen đã quyết định tham chính. Và với kết quả hiện nay có thể nói rằng, bà Marine Le Pen đang khẳng định vị thế trên chính trường Pháp cho dù mới ngoài 40 tuổi (sinh năm 1968).

Mặc dù mới được bầu làm lãnh đạo của đảng FN hơn 1 năm (16/1/2011) sau khi nhận được 2/3 phiếu bầu, đánh bại đối thủ Bruno Gollnisch, bà Marine Le Pen nhanh chóng thể hiện thân thủ, cũng như giúp tạo dựng hình ảnh mềm mại và gần gũi hơn cho đảng Mặt trận Quốc gia cho dù tư tưởng cực hữu của FN khiến nhiều cử tri Pháp quan ngại.

Điều đáng nói là bà Marine Le Pen phá kỷ lục của đảng FN về tỷ lệ ủng hộ cho dù mới làm lãnh đạo hơn 1 năm và sự ủng hộ đến từ những vùng trước đây không mấy mặn mà với trào lưu cực hữu. Dư luận từng đặc biệt quan tâm tới cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy và bà Marine Le Pen xung quanh vị thánh bảo hộ nước Pháp Jeanne d'Arc bởi 2 người có dự kiến tiến hành 2 lễ kỷ niệm đối địch nhau nhân 600 năm Ngày sinh của nữ anh hùng này.

Bởi trước thềm cuộc bầu cử vòng 1 giới thanh niên Pháp rất quan tâm tới "hiện tượng Marine Le Pen" hoặc "Kẻ phá bĩnh đáng gờm" hay "Bóng hồng gây sốc", nhất là những người ở lứa tuổi từ 18 đến 24. Được biết, bà Marine Le Pen khá ung dung trong việc thu phục sự ủng hộ của cử tri.

Giới bình luận cho rằng, kể từ cuối thập niên 1980, đảng FN đã có một vị thế tương đối trong đời sống chính trị Pháp. Và kể từ đó đến nay mục tiêu hàng đầu của FN cũng như bà Marine Le Pen là đưa FN trở thành lực lượng chính trị đối lập chính của cánh tả, thay vị trí của đảng cầm quyền UMP.

Nhiều người nói rằng, kết quả của vòng 2 sẽ làm thay đổi, thậm chí đảo lộn tình hình kinh tế, chính trị của Liên minh châu Âu nếu ông Francois Hollande dẫn trước Tổng thống Nicolas Sarkozy giống như ở vòng 1, cho dù tỷ lệ này không lớn.

Ông Jean-Marie Le Pen từng 5 lần tranh cử Tổng thống Pháp nhưng không thành công và đã quyết định rút lui khỏi đảng FN, để con gái kế vị. Riêng trong năm 2008, ông Jean-Marie Le Pen đã phải bán đấu giá chiếc ôtô Peugeot 605 chống đạn trên eBay (tháng 5/2008), sau đó (tháng 8/2008), bán tiếp trụ sở của đảng FN để san bớt gánh nặng tài chính.

Nhưng cương lĩnh tranh cử của bà Marine Le Pen đang được cử tri quan tâm (giành được 17,9% tại vòng 1) bởi đảng FN quan tâm tới doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, cũng như ủng hộ đạo luật giảm thâm hụt công của Pháp xuống con số 0 trong khi thâm hụt công của Pháp hiện ở mức 156 tỷ USD.

Bà Marine Le Pen ngoài việc chỉ trích Tổng thống Nicolas Sarkozy duy trì sự hiện diện của quân đội Pháp tại Afghanistan, còn ủng hộ việc giảm 95% số lượng người nhập cư - không chấp nhận một số lượng lớn người xin tị nạn mỗi năm, đồng thời đưa Pháp ra khỏi EU và quay trở lại sử dụng đồng tiền riêng.

Theo kết quả khảo sát của các tổ chức CSA, BVA, Ifop và Ipsos, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande khoảng 53-56%, trong khi của ông Nicolas Sarkozy chỉ từ 44-47%. Giới tài chính cho rằng, những lo ngại về kinh tế có thể khiến ông Nicolas Sarkozy phải rời điện Elysee.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.