Vai trò của Giám đốc tình báo Hàn Quốc trong vụ giải cứu con tin

Thứ Tư, 05/09/2007, 09:36
Cùng chịu chung những lời chỉ trích của dư luận đối với Nhà thờ giáo hội Saem Mul sau khi các con tin Hàn Quốc về nước an toàn (2/9) là Giám đốc Cơ quan tình báo Kim Man-bok bởi ông đã quá lộ liễu trong việc thể hiện thân phận cũng như vai trò trong việc tham gia giải cứu các con tin.

Theo giới truyền thông, ngày 2/9, phát biểu tại sân bay quốc tế Icheon, Giám đốc tình báo Kim Man-bok đã một lần nữa bác bỏ thông tin, theo đó Chính phủ Hàn Quốc đã phải trả một khoản tiền chuộc khá lớn (2 triệu, 20 triệu, thậm chí 50 triệu USD) để đổi lấy sự tự do của các con tin.

Một trong những lời chỉ trích được đưa ra là Giám đốc tình báo Kim Man-bok đã xuất hiện quá nhiều trước giới truyền thông khi có mặt tại Afghanistan cũng như trở về Hàn Quốc.

Giới chuyên môn cho rằng, ông Kim Man-bok đã đi ngược lại phương thức hoạt động tình báo "lai vô ảnh, khứ vô hình" khi Giám đốc tình báo đột ngột công khai tuyên bố trước dư luận - đang chỉ đạo cuộc thương đàm với Taliban.

Điều đáng nói là sau khi các con tin được phóng thích, đích thân ông Kim Man-bok còn đưa họ về nước và tiếp tục trả lời phỏng vấn, xuất hiện trước ống kính máy quay. Nhật báo Chosun Ilbo và Hankyoreh của Hàn Quốc còn nói rằng, Giám đốc tình báo Kim Man-bok đã hoạt động giống như một lính nghiệp dư, mới vào nghề.

Theo giới truyền thông, Giám đốc tình báo Kim Man-bok đã xuất hiện trên truyền hình, cho phép chụp ảnh, nói chuyện trực tiếp với phóng viên kể từ khi ông tới Afghanistan hôm 22/8.

Thậm chí, Giám đốc tình báo Kim Man-bok còn "sơ ý" tới mức để ống kính máy quay chộp được cảnh đang nói chuyện với phóng viên về "người bí ẩn" đang ngồi bên cạnh.

Điều đáng nói là "người bí ẩn" này từng được dư luận phỏng đoán là nhân viên của cơ quan Tình báo Hàn Quốc khi xuất hiện tại Afghanistan và thân phận của anh ta lại được chính Giám đốc tình báo Kim Man-bok thừa nhận - anh ta nói được tiếng Anh, Pashtun, Iran và đã thuyết phục được Taliban chấp thuận theo đề nghị của chúng tôi.

Theo giới truyền thông, kể từ năm 2005, cơ quan Tình báo Hàn Quốc đã mở một Trung tâm Thông tin về khủng bố và bí mật thâm nhập Afghanistan nên nhân viên của họ rất thành thạo văn hóa Hồi giáo, am hiểu và quen đối phó với những vấn đề của địa phương, do đó thuận lợi trong việc thương đàm với các tay súng chống đối.

"Người bí ẩn" trong các cuộc thương đàm với Taliban.

Tuy nhiên có người lại cho rằng, sự xuất hiện công khai của ông Kim Man-bok là vì mục đích khác bởi Giám đốc tình báo không thể không biết khẩu hiệu của tình báo Hàn Quốc - làm việc trong bóng tối vì mục tiêu ánh sáng.

Hơn nữa, những người tiền nhiệm của ông Kim Man-bok luôn lẩn tránh giới truyền thông cho dù tên tuổi của họ từng được dư luận biết tới. Theo giới thạo tin, Giám đốc tình báo Kim Man-bok chưa từng được dư luận biết tới kể từ khi ông được bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Kim Seung-kyu hồi thượng tuần tháng 11/2006.

Giới truyền thông cho biết, để giới thiệu thân phận với dư luận, ông Kim Man-bok thậm chí còn tổ chức họp báo, công bố việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên.

Chính vì những hoạt động lộ liễu thời gian qua của Giám đốc tình báo Kim Man-bok nên dư luận cho rằng, ông đang chuẩn bị dư luận để mưu cầu mục đích chính trị, nhất là khi cuộc bầu cử đang tới gần. Được biết, Giám đốc tình báo Kim Man-bok đã được Chính phủ ủng hộ sau khi những

lời chỉ trích kể trên đưa ra. Người phát ngôn của Tổng thống Cheon Ho-seon khẳng định, việc Giám đốc tình báo Kim Man-bok xuất hiện trước giới truyền thông là không thể tránh khỏi bởi khách sạn ông ở là nơi an toàn nhất ở Kabul.

Trong một diễn biến khác, Taliban vừa đưa ra "tối hậu thư", theo đó sẽ tấn công các cơ sở của Hàn Quốc ở Afghanistan nếu Seoul không rút toàn bộ công dân khỏi nước này như đã cam kết để đổi lấy sự tự do của 19 con tin.

Theo tuyên bố của Chính phủ Hàn Quốc, Seoul đã đồng ý rút một số kỹ sư quân sự, nhân viên y tế và chấm dứt nhiệm vụ của các binh sĩ Hàn Quốc tại Afghanistan để đổi lấy việc Taliban phóng thích con tin.

Nhưng Taliban lại tuyên bố, đã nhận hơn 20 triệu USD và số tiền này sẽ được họ dùng mua vũ khí, cùng những phương tiện chiến tranh khác để thực hiện các vụ tấn công liều chết và nâng cấp mạng lưới thông tin.

Một trong những nguyên nhân khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi vấn bởi cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn không tiết lộ nội dung đã đàm phán với Taliban, chỉ phủ nhận thông tin về khoản tiền chuộc.

Được biết, việc 19 con tin được phóng thích là kết quả thương đàm trực tiếp giữa đại diện của Chính phủ Hàn Quốc với đại diện Taliban và vai trò của Giám đốc tình báo Kim Man-bok là không thể bỏ qua

Quốc Trung
.
.
.