Từ đâu nhiều nước phương Tây “né” ngày chiến thắng phát xít?
Theo nhận xét của Phó Chủ tịch Thượng viện Pháp phụ trách vấn đề Ngoại giao, Quốc phòng và lực lượng vũ trang Pozzo di Borgo, việc từ chối lời mời đến Moskva dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 – 9/5/2015) thể hiện sự vô ơn của các nhà lãnh đạo châu Âu: “Năm 1945, người Anh, Mỹ và Nga đã cứu châu Âu. Thật vô ơn khi tẩy chay lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng”.
Ông Borgo cũng đề cập đến việc 20 triệu người Nga đã thiệt mạng trong Thế chiến II (1939 - 1945).
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nêu rõ: “Tôi nghĩ mọi người đã thấy rất nhiều tuyên truyền chống Nga ở châu Âu, nhưng không ai nhớ rằng có đến 140.000 binh sĩ Liên Xô đã hi sinh để giải phóng Tiệp Khắc. Tính cả những người bị thương và mất tích, hơn nửa triệu người đã phải chịu khổ. Giờ đây, những ký ức lịch sử này đang bị Washington chà đạp. Đây là điều đáng tiếc đối với châu Âu, họ đã mất phương hướng”.
Theo hãng tin Reuters, việc một loạt lãnh đạo phương Tây và lãnh đạo một số nước Đông Âu thân phương Tây từ chối tham dự sự kiện Ngày Chiến thắng cho thấy, mối quan hệ của Nga và phương Tây đã bị tổn hại nghiêm trọng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, mà nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trong số này có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 29/4 cũng đã gửi thư đến Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích lý do không đến tham dự lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở Moskva. Hành động tẩy chay của phương Tây đối với người Nga được xem là sự thiếu tôn trọng, bất kính với những mất mát, tổn thất to lớn mà nhân dân Nga phải hứng chịu trong cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại bảo vệ Nga và thế giới trước họa phát xít.
Người Nga cũng tin rằng, đây là hành động cố tình nhằm làm giảm vai trò quan trọng của Nga trong việc giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống phát xít. Sự tẩy chay của phương Tây đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc của người dân Nga khi lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ngày một đến gần. Cùng với tình cảm này, người dân Nga cũng trở nên đoàn kết hơn, ủng hộ chính quyền của Tổng thống Putin hơn trong cuộc đối đầu với phương Tây.
Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội phát xít Đức. Ảnh: Sputnik News. |
Về phía Tổng thống Putin, ông tin rằng, Mỹ đã gây áp lực lên các đồng minh để lãnh đạo những nước này không đến tham dự lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, mỗi người đều có quyền tự quyết định có nên tham gia vào lễ kỷ niệm này hay không, nhưng “một vài người trong số họ sẽ phải xấu hổ về sự từ chối này”.
Trong cuộc đối thoại trên truyền hình, khi được hỏi liệu nước Nga có cảm thấy bị tổn thương khi nhiều nguyên thủ các nước trên thế giới từ chối đến dự sự kiện trọng đại này, ông chủ Điện Kremlin khẳng định: “Những người không muốn tham dự hoàn toàn có quyền làm theo ý của mình. Đây là lựa chọn cá nhân của các nguyên thủ nhưng cũng là quyết định cho chính quốc gia mà họ đại diện. Một số nguyên thủ không muốn tham dự, trong khi một số lại không thể tham dự bởi giới chức Washington cảnh báo họ không được làm như vậy dù họ rất muốn làm điều này”.
Giới lãnh đạo và người dân Nga cũng tin rằng, “các kẻ thù” của Nga đang cố tìm cách viết lại lịch sử để làm phương hại đến đóng góp và vai trò quan trọng của Nga trong chiến thắng trước phát xít Đức cách đây 70 năm.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nhấn mạnh: “Họ (phương Tây - PV) đang tìm cách phá hỏng buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng của chúng tôi bằng bất kỳ giá nào”.
Phát biểu trong một cuộc họp mới đây với Ủy ban Nga về chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng, Tổng thống Putin một lần nữa tố cáo các thế lực nhăm nhe “viết lại” lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ II; đồng thời khẳng định, các tác giả đó “muốn chia rẽ các dân tộc và kích động mâu thuẫn giữa các bên, sử dụng những bịa đặt lịch sử phục vụ các ván bài địa chính trị”.
Tổng thống Nga yêu cầu các thành viên trong Ủy ban trên nỗ lực bảo vệ sự thật về chiến tranh vệ quốc và đóng góp của Liên Xô trong việc đẩy lui mối đe dọa từ lực lượng Quốc xã. Tổng thống Putin phát biểu: “Thật không may, họ tiếp tục thử thách xã hội chúng ta về mức độ trưởng thành, tinh thần đoàn kết và sức mạnh của các truyền thống lịch sử, cũng như mối liên kết giữa các thế hệ. Nhiệm vụ của Ủy ban là bình tĩnh đáp trả các thách thức đó dựa trên sự ủng hộ và hợp tác tích cực của các công dân”.
Tổng thống Nga cũng lưu ý, khía cạnh quan trọng nhất của lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng là phải liên tục mở rộng sự hỗ trợ đối với các cựu chiến binh. Ông nhắc nhở về việc nước Nga vẫn còn tới 2,5 triệu cựu chiến binh thời Vệ quốc, mỗi người trong số đó đều đã đóng góp mồ hôi, xương máu vào chiến thắng trước chủ nghĩa Quốc xã.
“Đây là chiến thắng của chúng ta, lịch sử của chúng ta – mà chúng ta sẽ cương quyết bảo vệ một cách mạnh mẽ trước mọi lời nói dối và sự quên lãng”, ông Putin nói, ám chỉ đến những thứ mà Moskva gọi là các mưu toan của các quan chức Ukraine và Ba Lan muốn viết lại lịch sử và hạ thấp vai trò cũng như các hy sinh của nước Nga trong cuộc chiến tranh thần thánh chống phát xít.