Trước thềm vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp: Quyết liệt, gay cấn

Thứ Tư, 02/05/2012, 14:14
Cũng như 2 lần bầu cử trước diễn ra vào năm 2002 và 2007, ngày 1/5 lại được 2 ứng cử viên lọt vào vòng 2 tận dụng để tấn công đối thủ, lôi kéo cử tri trước khi họ bỏ lá phiếu vào ngày 6/5 tới.
>> Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua nước rút

Ngày 2/5, Tổng thống Nicolas Sarkozy và ông Francois Hollande sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Đây được coi là cơ hội bứt phá cuối cùng của ông Nicolas Sarkozy.

Được biết, chiều 1/5, Tổng thống Nicolas Sarkozy tổ chức một cuộc tập hợp riêng về vấn đề lao động. Bởi cách đây mấy hôm, ông Nicolas Sarkozy đã không ngừng chỉ trích vai trò của các tổ chức trung gian và nghiệp đoàn Pháp. Thậm chí ông Nicolas Sarkozy còn gọi 1/5 là ngày hội của "lao động thật" khiến các nghiệp đoàn lao động phản ứng dữ dội, buộc Tổng thống Pháp phải sửa lại thành "ngày hội lao động thực sự".

Việc ông Nicolas Sarkozy lấy danh nghĩa ngày 1/5 để tổ chức sự kiện phục vụ tranh cử được các nghiệp đoàn Pháp coi là một thách thức đối với họ. Bởi một số nghiệp đoàn từng công khai bày tỏ mong muốn Tổng thống Nicolas Sarkozy thất bại trong cuộc bầu cử vòng 2.

Tổng thống Nicolas Sarkozy (trái) và ông Francois Hollande.

Theo kết quả thăm dò dư luận về "Liên kết xã hội" do Viện Harris-Interactive thực hiện, 43% cảm tình viên của các nghiệp đoàn đã bỏ phiếu cho ông Francois Hollande tại vòng một, còn ông Nicolas Sarkozy chỉ nhận được 14% ủng hộ.

Mặc dù đảng Xã hội không tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế lao động, nhưng ứng cử viên Francois Hollande vẫn có mặt tại một cuộc míttinh để tưởng nhớ Pierre Beregovoy, cựu Thủ tướng của đảng Xã hội đã tự sát cách đây 19 năm (1/5/1993). Ngoài ra, ông Francois Hollande còn gửi thư ngỏ đến các nghiệp đoàn để kêu gọi họ ủng hộ mình - nếu được bầu sẽ trở thành một nguyên thủ chuyên tâm làm sống dậy nền dân chủ xã hội tại Pháp.

Mặc dù đang dẫn trước Tổng thống Nicolas Sarkozy, nhưng ông Francois Hollande được cho là đang gặp phải cú sốc lớn sau khi nghị sĩ đảng Xã hội Julien Dray mời Giám đốc chiến dịch Pierre Moscovici, Giám đốc thông tin Manuel Valls và người bạn đời cũ Segolene Royal tới tiệc rượu mừng sinh nhật của mình, nhưng không báo trước về sự có mặt của cựu Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Khan. Bởi ông Francois Hollande từng công khai cắt đứt quan hệ với ông Dominique Strauss-Kahn sau vụ bê bối tình dục của cựu Tổng Giám đốc IMF hồi tháng 5/2011 ở Mỹ.

Tuy chỉ về thứ 3 trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1, nhưng những động thái của bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia (FN) được dư luận chú ý. Bởi sự ủng hộ của bà Marine Le Pen sẽ góp phần quan trọng vào thắng lợi của một trong hai ứng cử viên kể trên.

Ngày 1/5, bà Marine Le Pen có mặt tại một sự kiện quần chúng do FN tổ chức. Điều đáng nói là cách đây 10 năm, các cuộc tuần hành đã biến thành một cuộc tập hợp khổng lồ để chống lại ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen, bố đẻ bà Marine Le Pen và những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động năm 2012 cũng thấp thoáng màu sắc chính trị trước cuộc bầu cử vòng 2.

Giới chuyên môn cho rằng, Tổng thống Nicolas Sarkozy phải có được ít nhất 80% số phiếu bầu từng ủng hộ bà Marine Le Pen và 50% ủng hộ ông Bayrou ở vòng 1 thì mới thắng được trong vòng 2. Cách đây mấy hôm (26/4), ông Francois Hollande từng cáo buộc Tổng thống Nicolas Sarkozy chạy theo đường lối tranh cử của đảng cực hữu FN của bà Marine Le Pen nhằm kiếm lá phiếu của những người thuộc đảng này. Điều đáng nói là Tổng thống Nicolas Sarkozy đã loại trừ hoàn toàn việc liên kết với FN.

Được biết, ngày 30/4, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã kiện báo mạng Mediapart vì vu khống ông nhận 50 triệu Euro của cố Tổng thống Libya Gadhafi năm 2006, đồng thời cảnh báo đối thủ Francois Hollande: Chiến dịch tranh cử không cho phép muốn làm gì thì làm! Ông Nicolas Sarkozy đã dùng từ hèn hạ để mô tả việc báo mạng Mediapart cáo buộc nhận 50 triệu Euro của ông Gadhafi để phục vụ chiến dịch tranh cử năm 2007.

Cả Tổng thống Nicolas Sarkozy và ông Francois Hollande đều đang nỗ lực tạo cho mình diện mạo mới bằng những kế hoạch mới. Ngoài việc cố gắng thu phục cảm tình của những cử tri đã bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen ủng hộ mình trong cuộc bầu cử vòng 2, cả ông Francois Hollande và ông Nicolas Sarkozy đều đưa ra những chiến thuật riêng nhằm gia tăng sự ủng hộ của cử tri trong nước cũng như các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Tại vòng một, ông Francois Hollande về nhất với 28,63% phiếu bầu, còn Tổng thống Nicolas Sarkozy về thứ hai với 27,18% số phiếu. Ông Francois Hollande được dự đoán có thể chiến thắng Tổng thống Nicolas Sarkozy tại vòng 2 với tỉ lệ 54%-46%.

Nếu ông Nicolas Sarkozy thất cử, sẽ đặt dấu chấm hết cho 17 năm cầm quyền của các chính phủ theo đường lối trung dung và bảo thủ, đồng thời đánh dấu sự trở lại của một chính phủ xã hội tại Pháp. Nhưng tạp chí The Economist cho rằng, nếu đắc cử, ông Francois Hollande sẽ gây bất lợi cho Pháp và cả châu Âu bởi những quan điểm đưa ra khi tranh cử

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.