Trưng cầu dân ý ở Venezuela: Cuộc thử lửa dành cho Tổng thống Hugo Chavez

Thứ Hai, 03/12/2007, 10:16
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đang chuẩn bị đối mặt với những thay đổi lớn lao trên quê hương mình khi cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi Hiến pháp được thực hiện vào ngày 2/12.

Đây được coi là một phần quan trọng trong kế hoạch đưa Venezuela tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI.

Thay đổi táo bạo

Khi mới bắt đầu đưa ý tưởng về việc sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Hugo Chavez đã vấp phải sự phản đối khá mạnh mẽ của phe đối lập. Trên thực tế, kế hoạch cải tổ Hiến pháp của Tổng thống Venezuela có rất nhiều ưu điểm, phục vụ lợi ích của đại đa số dân chúng.

Ngoài việc cho phép người đứng đầu chính phủ giữ chức với thời hạn lâu hơn 1 năm (mỗi nhiệm kỳ 7 năm), dự thảo Hiến pháp mới còn cho phép Tổng thống có quyền quyết định nhân sự cho các bang trực thuộc trung ương và mở rộng việc thành lập Hội đồng nhân dân các cấp.

Hiến pháp mới cũng cho phép người dân tự tổ chức, thành lập nhóm dựa trên quyền lợi chung và tạo những quỹ an sinh xã hội dành cho người lao động, mang lại trợ cấp, chi phí cho các chuyến đi nghỉ, ốm đau, bệnh tật...

Một trong những thay đổi gây tranh cãi nhiều nhất là việc giao cho Tổng thống quyền giám sát Ngân hàng trung ương và cho phép công dân từ 16 tuổi trở lên được tham gia bầu cử. Việc ngăn chặn các quỹ tài chính nước ngoài tham gia hoạt động chính trị ở Venezuela cũng đã được tính đến.

Ngoài ra, chính quyền Caracas còn tính đến việc quy định chính sách đối ngoại chống chiến lược ngoại giao đơn cực, ủng hộ các hoạt động dân chủ, tự do và chống thực dân, cửa quyền... Về các vấn đề xã hội, dự thảo Hiến pháp mới quy định thời gian làm việc trong tuần giảm từ 44 giờ xuống còn 36 giờ; mọi công dân được quyền học miễn phí đến hết bậc trung học.

Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay ở Venezuela là vấn đề nhà cửa cũng được quy định rõ ràng. Các bất động sản đều thuộc sở hữu của nhà nước, được giám sát và phân chia theo quy định nhà nước...

Còn những khó khăn

Rõ ràng, trong dự thảo Hiến pháp, quyền lợi của người dân đã được chính phủ Venezuela đặt lên hàng đầu. Vấn đề vướng mắc chính là việc tăng nhiệm kỳ Tổng thống từ 6 năm lên 7 năm.

Nếu dự thảo được thông qua, Tổng thống Hugo Chavez sẽ rời chức vụ vào năm 2013. Dựa vào sự thay đổi này, nhiều tổ chức đối lập đã tổ chức các hoạt động biểu tình chống phá.

Một số tổ chức phản động nước ngoài cũng tham gia bằng các hình thức khiêu khích khác. Xung đột bị đẩy lên đỉnh điểm khi phe đối lập kêu gọi hàng ngàn người biểu tình trên khắp đường phố Caracas.

Đến lúc này, Tổng thống Hugo Chavez đã buộc phải xuất hiện trước truyền hình, đe dọa sẽ cắt giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ cho Mỹ (khách hàng lớn nhất của Venezuela) nếu như Washington vẫn thực hiện chính sách can thiệp vào chuyện nội bộ của Venezuela). Hơn 100 nhà quan sát bầu cử đến từ 39 quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Âu và Mỹ được mời kết hợp với các nhà quan sát Venezuela giám sát cuộc trưng cầu dân ý.

Giới phân tích thế giới thì nhận định rằng, dù xảy ra một số vụ lộn xộn nhưng phần đông người dân Venezuela vẫn ủng hộ quyết định của Tổng thống. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy có tới hơn 60% người được hỏi nói sẽ bỏ phiếu cho bản dự thảo Hiến pháp mới. Gần 80% người bày tỏ tin tưởng rằng Venezuela sẽ tiến bước vững chắc hơn nếu vẫn tiếp tục dưới sự lãnh đạo của ông Hugo Chavez.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, nhờ có những thay đổi táo bạo trong đường lối lãnh đạo, kinh tế Venezuela đã bước sang năm thứ 4 phát triển liên tiếp với tỷ lệ đói nghèo giảm gần 20%.

Hiện tại, Venezuela là một trong số ít nước trên thế giới theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa có sự ổn định về xã hội, phát triển mạnh về kinh tế.

Và cuộc bầu cử ngày 2/12 không chỉ được coi là ngày quyết định cho kế hoạch cải tổ Hiến pháp mà nó còn là bài kiểm tra tài năng lãnh đạo đất nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa của chính quyền Caracas và là thước đo đánh giá tốt nhất về chỉ số tín nhiệm của dân chúng đối với Tổng thống Hugo Chavez

Huyền Chi
.
.
.